Bệnh Vảy Nến | Ngưu Bì Tiển

Bệnh Vảy Nến | Ngưu Bì Tiển

Bệnh vảy nến thường gọi là ngưu bì tiển, là một bệnh da liễu có ban đỏ kèm vảy thường gặp. Bệnh tiến triển chậm và có xu hướng tái phát. Nó tương tự như các chứng bạch phỉ, xà sắt, phỉ phong được ghi chép trong tài liệu Trung y. Như Y tông kim giám – Ngoại khoa tâm pháp ghi chép về bạch phỉ: “Chứng ấy thường gọi là xà sắt, sinh ra ở bì phu, hình dạng giống như chẩn giới (lên sởi), sắc trắng mà ngứa, gãi bong lớp da trắng”. Lại như Ngoại khoa chứng trị toàn thư ghi chép về bạch phỉ (một tên khác là phỉ phong): “Bì phu khô ngứa, khởi phát như lên sởi mà sắc trắng, gãi bong vụn, kế đến chân tay khô táo, nứt nẻ, chảy máu đau đớn”. Triệu Bỉnh Nam cho rằng, người bị bệnh phỉ giống như loại bệnh bị dao găm đâm vào người, có ý biểu thị đây là căn bệnh ngoan cố.

Căn nguyên và bệnh sinh

Bệnh đa phần do tình chí nội thương, khí cơ ủng trệ, uất lâu hóa hỏa, tâm hỏa sung thịnh, nhiệt độc ẩn tàng tại dinh huyết; hoặc do ẩm thực thất tiết, ăn quá nhiều đồ tanh dẫn đến phong động, tỳ vị mất điều hòa, khí cơ bất sướng, uất lâu hóa nhiệt, lại gặp phong nhiệt độc tà mà phát bệnh; nếu bệnh kéo dài hoặc tái phát, âm huyết bị hao, khí huyết mất điều hòa, hóa táo sinh phong hoặc kinh mạch trở trệ khiến khí huyết ngưng kết, cơ phu thất dưỡng.

Biện chứng phương dược

Thể huyết nhiệt

Chủ chứng: Bì chẩn xuất hiện và phát triển nhanh, da đỏ ửng, bì chẩn đa phần dạng chấm, bì chẩn mới xuất hiện liên tục, có nhiều vảy, bề mặt dễ bong, dưới đáy có điểm xuất huyết, ngứa rõ. Thường kèm theo miệng khô, lưỡi táo, tâm phiền dễ giận, đại tiện khô, nước tiểu vàng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc trơn, mạch huyền hoạt hoặc sác.

Biện chứng: Nội hữu uẩn nhiệt, uất vu huyết phận.

Trị pháp: Thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết.

Phương dược: Lương huyết hoạt huyết thang (Bạch phỉ nhất hiệu) gia giảm:

Sinh hòe hoa 30g, bạch mao căn 30g, sinh địa 30g, tử thảo căn 15g, xích thược 15g, đan sâm 15g, kê huyết đằng 30g.

Phương giải:

Trong phương thuốc, sinh hòe hoa, bạch mao căn, tử thảo căn, sinh địa thanh nhiệt lương huyết; xích thược, đan sâm, kê huyết đằng lương huyết hoạt huyết.

Phong thịnh ngứa nhiều gia bạch tiễn bì, thích tật lê, phòng phong.

Hiệp thấp gia ý dĩ nhân, nhân trần, phòng kỷ, trạch tả.

Đại tiện táo kết gia đại hoàng, chi tử.

Viêm họng, viêm amiđan gia đại thanh diệp, bản lam căn, liên kiều, huyền sâm.

Thể huyết táo

Chủ chứng: Bệnh kéo dài, bì chẩn nhạt màu, tổn thương ban đầu giảm bớt một phần. Chất lưỡi đỏ nhạt, ít rêu, mạch hoãn hoặc trầm tế.

Biện chứng: Âm huyết bất túc, cơ phu thất dưỡng.

Trị pháp: Dưỡng huyết tư âm nhuận phu.

Phương dược: Dưỡng huyết giải độc thang (Bạch phỉ nhị hiệu) gia giảm:

Kê huyết đằng 30g, đương quy 15g, đan sâm 15g, thiên đông 10g, mạch đông 10g, sinh địa 30g, thổ phục linh 30g, phòng phong 15g.

Phương giải:

Trong phương thuốc, kê huyết đằng, đương quy, đan sâm dưỡng huyết hoạt huyết; thiên đông, mạch đông, sinh địa tư âm nhuận táo; thổ phục linh, phòng phong tán phong giải độc.

Tỳ hư gia bạch truật, phục linh.

Phong thịnh, ngứa rõ gia bạch tiễn bì, thích tật lê, khổ sâm.

Thể huyết ứ

Chủ chứng: Tổn thương da diện rộng, màu đỏ sẫm, dai dẳng kéo dài. Chất lưỡi tím sẫm hoặc có điểm ứ huyết hoặc ban ứ huyết, mạch sáp hoặc tế hoãn.

Biện chứng: Kinh mạch trở trệ, khí huyết ngưng kết.

Trị pháp: Hoạt huyết, hóa ứ, hành khí.

Phương dược: Hoạt huyết tán ứ thang (Bạch phỉ tam hiệu) gia giảm:

Tam lăng 15g, nga truật 15g, đào nhân 15g, hồng hoa 15g, kê huyết đằng 30g, quỷ tiễn vũ 30g, bạch hoa xà thiệt thảo 15g, trần bì 10g.

Phương giải:

Trong phương thuốc, tam lăng, nga truật hoạt huyết hành khí; đào nhân, hồng hoa, kê huyết đằng, quỷ tiễn vũ hoạt huyết hóa ứ; bạch hoa xà thiệt thảo hóa ứ giải độc; trần bì hành khí điều trung.

Kinh nguyệt lượng ít hoặc có huyết khối gia ích mẫu thảo, đan sâm.

Ngoài ra, một số thể lâm sàng đặc biệt được mô tả như sau:

Phụ: Đỏ da toàn thân vảy nến

Đỏ da toàn thân vảy nến phát sinh một phần do tổn thương nghiêm trọng của bệnh vảy nến, phát triển một cách tự nhiên. Còn lại hầu hết là do điều trị không đúng cách dẫn đến đỏ da lan tỏa mạn tính, bong vảy nhiều kèm theo sốt… Trung y cho rằng tâm hỏa thịnh kiêm cảm độc tà, uất hỏa lưu thoán, nhập vu dinh huyết, chưng đốt cơ phu mà thành bệnh. Điều trị nên thanh dinh giải độc, lương huyết hộ âm.

Phương dược: Giải độc thanh dinh thang gia giảm.

Sinh đại mội (quy bản) 6g, sinh chi tử 6g, xuyên liên (hoàng liên) 3g, ngân hoa 30g, liên kiều 15g, công anh 15g, sinh địa 30g, bạch mao căn 30g, đan bì 15g, thạch hộc 15g, ngọc trúc 15g, mạch đông 10g.

Phụ: Vảy nến thể mủ

Vảy nến thể mủ phân thành hai loại, một loại có tính chất cục bộ, thường xuất hiện ở lòng bàn tay. Loại khác có tính chất toàn thân, thường phát ra toàn thân, bì chẩn dày đặc, mụn mủ nông trên bề mặt giống như đầu kim, có khi hợp lại thành mảng, bề mặt thối nát, bong vảy, cảm giác nóng rát, mụn mủ có thể xuất hiện nhiều lần. Trung y cho rằng, bệnh do thấp nhiệt tích lại lâu ngày kiêm cảm độc tà mà phát sinh. Điều trị nên thanh nhiệt lương huyết, giải độc trừ thấp.

Phương dược: Giải độc lương huyết thang gia giảm.

Thủy ngưu giác 6g, sinh địa 15g, đan bì 15g, bạch mao căn 30g, kim ngân hoa 30g, liên kiều 15g, đại thanh diệp 15g, sinh ý dĩ nhân 15g, khổ sâm 10g, hoạt thạch 15g, bạch tiễn bì 30g.

Phụ: Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến thường biểu hiện triệu chứng viêm tại khớp, chủ yếu gặp ở các khớp nhỏ của tay chân. Nghiêm trọng ở đầu gối, gót chân, cột sống…, các khớp lớn cũng có thể tổn thương, dẫn đến sưng, đau, biến dạng, thậm chí mất chức năng. Trung y cho rằng, bệnh đa phần do phong thấp nhiệt độc, kinh lạc tắc trở gây nên. Điều trị nên tán phong khư thấp, giải độc thông lạc.

Phương dược: Độc hoạt ký sinh thang gia giảm.

Tần giao 10g, phòng phong 10g, tang chi 30g, độc hoạt 10g, uy linh tiên 10g, bạch tiễn bì 15g, thổ phục linh 15g, đương quy 10g, xích thược 10g, kê huyết đằng 15g, ngưu tất 10g.

Điều trị tại chỗ

  1. Thanh lương cao, hương tịch cao, phổ liên nhuyễn cao đều có thể bôi ngoài. Thích hợp cho thể huyết nhiệt và đỏ da toàn thân vảy nến.
  2. Thuốc tắm: Chử đào diệp (lá dướng) 250g, trắc bách diệp 250g, thêm nước 5000ml, đun sôi 20’, tắm rửa ở nhiệt độ thích hợp, mỗi tuần 2-3 lần. Phù hợp với các loại bì chẩn, không dùng trong giai đoạn cấp tính để tránh đỏ da thứ phát.
  3. Kinh hồng phấn nhuyễn cao, hắc đậu lựu du nhuyễn cao 5-20%, hắc hồng nhuyễn cao 5-10% đều có thể bôi ngoài, thích hợp cho tổn thương da thể huyết táo, cần chú ý tác dụng phụ khi sử dụng trên diện rộng.
  4. Hắc đậu lựu du nhuyễn cao 30% , đậu thanh cao đều có thể bôi ngoài. Thích hợp cho tổn thương da mạn tính diện rộng.

Đơn phương thành dược

  1. Long đởm tả can hoàn. Thích hợp cho tổn thương da giai đoạn cấp tính.
  2. Phòng phong thông thánh hoàn. Như trên.
  3. Tần giao hoàn. Thích hợp cho tổn thương da giai đoạn mạn tính.
  4. Nhuận phu hoàn. Như trên.
  5. Ngân lạc hoàn. Thích hợp cho tổn thương da thể huyết ứ.

Nguồn: Dược Vương Cốc

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại: 0869 111 269
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x