Quý bạn đọc, Quý vị yêu trà đã từng thưởng thức bao nhiêu loại trà rồi? Quý bạn đọc, quý vị yêu trà đã biết đến Chè shan tuyết Suối Giàng chưa? Chè tuyết Suối Giàng có nguồn gốc ở đâu? Chè shan tuyết Suối Giàng uống có ngon không? Hay Trà shan tuyết Suối Giàng có gì đặc sắc… Đông Y Quang Minh xin gửi tới bạn đọc 1 phần hiểu biết của mình về trà shan tuyết Suối Giàng, hi vọng người yêu trà từ đây sẽ có thể phần nào biết thêm về trà shan tuyết Suối Giàng và tự tìm ra lời giải đáp về những điều tuyệt vời của trà shan Suối Giàng.
Khám phá vị trí vùng đất trà shan Suối Giàng
Ngày xuân con én đưa thoi, trời đất giao hòa, cũng là lúc dân tộc vùng cao Suối Giàng (Huyện Văn Chấn, Yên Bái) sum vầy đầm ấm quanh những câu chuyện năm hết tết đến, mỗi lúc như vậy, không thể thiếu những chén chè Tuyết Shan. Người Mông Suối Giàng thường nói về chè Shan Tuyết như một niềm tự hào, bởi trải theo thời gian, chè Tuyết Shan đã đi cùng lịch sử người Mông ở Suối Giàng qua năm tháng, quanh những câu chuyện dựng đất, dựng làng đến xây dựng quê hương, đất nước. Hơn thế nữa, khi du lịch phát triển, đặc sản chè Suối Giàng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến. Chè tuyết Suối Giàng là loại chè Shan Tuyết nổi tiếng được tiếng được canh tác tự nhiên ở xã Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái.
Nằm ở độ cao 1.371m so với mực nước biển, xã Suối Giàng, là một điểm du lịch hấp dẫn trong tour du lịch Yên Bái – Suối Giàng – Mường Lò – Mù Cang Chải. Suối Giàng từ lâu đã được ví như một Sapa thứ hai bởi khí hậu quanh năm mát mẻ, mây mù bao phủ, nhưng nhờ khí hậu, Suối Giàng đã sở hữu một loại đặc sản vùng miền ngon có tiếng mà không nơi nào có được, bởi nơi đây là xứ sở loại chè Tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nức tiếng khắp vùng miền. Trung tâm của xã nằm ở khu vực rừng núi hiểm trở, quanh co bởi những vách đá và rừng nguyên sinh. Từ lâu nay, đây là địa danh nổi tiếng nhờ loại Chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng mọc tản mát, tự nhiên trong rừng, nơi sương mù bao phủ từ sáng đến trưa mới tan. Du khách sẽ bị bất ngờ khi đây đó thấp thoáng các cây chè cổ thụ, có cây ôm cả vòng tay không kín được thân cây.
Lịch sử về cây trà shan tuyết Suối Giàng
Truyền thuyết Suối Của Trời
Theo truyền thuyết của người H’ Mông thì từ rất lâu, một vùng đất hoang sơ được bao phủ bởi mây mù quanh năm. Vào một ngày sớm, một nàng tiên nữ đã đến đây và gieo một loại hạt xuống vùng đất này. Chẳng bao lâu sau, những hạt ấy nẩy mầm và mọc thành cây xanh tốt, tán cây ngày càng rộng, lá cây xanh ngắt to bằng nửa bàn tay còn búp cây ngậm sương trắng như tuyết. Khi ấy có một nhóm người H’Mong di cư đến đây, do loạn lạc đường xa, thiếu đồ ăn thức uống lại bị bệnh sốt rét hoành hành. Họ thấy cây xanh tốt lại mọc giữa chốn non cao liền hái lá cây ăn và kì lạ thay, sau khi ăn xong họ thấy tỉnh táo lạ thường. Thấy vậy, họ liền lấy lá cây đun với nước suối uống. Ngày này qua ngày khác, chẳng mấy mà tất thảy mọi người đều hết sốt và khỏe khoắn trở lại. Cho là có trời cứu giúp, mọi người quyết định ở lại đây với loài cây lạ và đặt tên nơi này là “Suối Giàng” (tức là “suối của trời”).
Cây trà shan Suối Giàng lên tới 300 năm tuổi
Lịch sử cây chè ở Suối Giàng xuất hiện từ bao giờ cho đến nay vẫn chưa xác định được, nhưng từ những năm 1960, các nhà nghiên cứu về chè ở Việt Nam và thế giới đã xác định có khoảng 80.000 cây chè Shan Tuyết có tuổi đời trên 200 năm, nhiều cây trà shan lên tới 300 năm tuổi. Loại chè shan tuyết trên 100 năm thì nhiều vô kể. Diện tích rừng chè Suối Giàng bao phủ khoảng 293 ha, nằm ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… . Mặc dù Suối Giàng không phải là nơi duy nhất có những cây chè cổ thụ, nhưng xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì không đâu sánh được. Chè Suối Giàng mọc mộ cách tản mát tự nhiên trong rừng, sống bằng hơi đất, hơi sương, bằng linh khí của đất trời nên được gọi là “trà ngậm sương”.
Chè shan Suối Giàng có lá to, dày có màu xanh đậm, búp to hơn những búp của của những loại chè ở nơi khác, trên các mặt lá phủ một lớp lông tơ như tuyết phủ.
Bởi vậy, nên người dân mới gọi là chè tuyết. Sống ở độ cao trên một ngàn mét, quanh năm mây mù bao phủ, cây chè shan tuyết Suối Giàng lực lưỡng khác lạ. Quả thực, có thưởng thức hương vị chè Tuyết San Suối Giàng của đồng bào Mông mới hiểu hết được vị trí của đặc sản này trong lòng mỗi người dân nơi đây. Nhấp một ngụm nhỏ chè Tuyết Shan Suối Giàng, mới hiểu được sự đánh giá đúng đắn của một chuyên gia nước ngoài đã đến đây nghiên cứu về chè Tuyết San: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có nhiều cây chè lâu năm như ở Suối Giàng. Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị hàng đầu của chè trên thế giới”.
Nước chè Suối Giàng vàng óng như màu mật ong, khi rót nước ra trên mặt chén lan toả một làn hơi nước tựa như sương khói, cầm chén nước lên tay người ta hít thật sâu để tận hưởng cái hương thơm đầy sức quyến rũ của chè, khi uống xong dư vị cứ lưu mãi ở đầu lưỡi, đó là tinh túy của trời đất mà cây chè Suối Giàng đã dâng tặng cho con người.
Cây chè càng già, thân càng trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, lá càng xanh ngắt một vẻ đẹp tự nhiên là điều thích thú cho những ai yêu thích tự nhiên. Khi nhìn bao quát cả đồi chè mới thấy những thân chè trắng mốc dị bản đã làm nên sự hấp dẫn của vùng chè shan Suối Giàng. Do vị trí địa lý của khu vực quanh năm mây mù bao phủ, thời tiết se lạnh hơi sương, nên cây chè Shan tuyết ở đây ít khi bị sâu bệnh. Lá cây hình dáng đẹp và búp chè rất khỏe mạnh, khi pha trà thường cho ra nước sánh vàng như màu mật ong, uống vào dư vị ngọt thanh mát.
Nhiều du khách khi đến Suối Giàng thưởng thức Chè Tuyết San đã phải thốt lên rằng, hương vị chè Suối Giàng độc đáo, mùi hương cao sang không lẫn với bất kỳ loại chè nào khác, còn vị thì thật là đặc biệt, nhấp một ngụm nhỏ, hàng giờ sau vẫn thấy dư vị ngọt ngào đọng mãi không tan. Còn người dân nơi đây, khi nói về chè Tuyết San vẫn tự hào nhắc lại những đánh giá của Lê Quý Đôn:
“Uống chén thứ nhất thấy thân thể mềm mại trở lại, uống chén thứ hai thấy quá khứ hiện về hết, uống chén thứ ba thấy có thể thông cảm được với các vị tiền bối, uống chén thứ tư thấy gió thổi lất phất ở hai bên nách, cho nên không thể uống chén thứ năm được nữa”.
Chè và người tựa và nhau để sống
Chè Tuyết San Suối Giàng có sự đặc biệt bởi không chỉ ngon bởi hương vị đầy ắp hương thơm, mà còn bắt mắt ở vẻ bề ngoài như phủ một lớp tuyết trắng muốt, tỏa ra mùi hương thơm dịu. Nhưng càng ngon hơn nếu hiểu, để có chè Tuyết San, người dân nơi đây đã phải mất khá nhiều công đoạn. Để chè Tuyết San có hương vị vốn có không hề dễ dàng, đó là thành quả của những công đoạn từ thu hái đến sao, sấy, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm.
Chè Tuyết Shan Suối Giàng ngon phải được hái lúc còn sương, vì đây là thời điểm hương vị chè được tích tụ cao nhất trong mỗi búp chè.
Để có loại chè shan thượng hảo hạng cực phẩm, thì chỉ có thể hái chè shan vào vụ xuân, trước Tết Thanh Minh 1 tháng, và chỉ được hái loại 1 tôm. Loại búp chè hái trước Tết Hàn Thực gọi là thượng hạng, loại hái sau Thanh Minh là loại cực phẩm.
Công đoạn sao, sấy đòi hỏi một quy trình nghiêm ngặt nếu không hương vị chè sẽ khác, không còn vị hương ngọt vốn có nữa.
Cây chè có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Suối Giàng. Nhờ chè mà đời sống của người dân nơi đây có nhiều đổi thay, vì thế chính quyền và người dân Suối Giàng luôn quyết tâm phát huy thế mạnh để phục vụ tốt hơn cho du khách, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào Mông Suối Giàng. Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, hàng chục năm qua cây chè Suối Giàng còn được người dân ở đây khai thác mạng lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Suối Giàng có tới 98% dân cư là người H’ Mông. Họ sống với nghề hái chè và sản xuất chè từ đời này qua đời khác. Mỗi sân nhà đều có vài gốc chè, mỗi gia đình đều có người làm nghề chè. Vì vậy, chè không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn thu nhập chủ chốt của những người dân nơi đây.
Hằng năm sản lượng chè cả xã là hơn 300 tấn búp tươi, làm ra được hơn 60 tấn chè khô. Cây chè Suối Giàng là một loài cây đặc sản, là một nguồn thu chính của người dân Suối Giàng. Đặc biệt, ở Suối Giàng có cây chè shan tuyết tổ nằm ở xã Giàng B nằm trong rừng chè cổ thụ có vị trí cao nhất, chu vi gốc bằng một người ôm, tán cây rộng đến hơn 20m2. Cây trà shan tuyết cổ thụ này đã được mấy trăm năm nhưng vào chính vụ thu hoạch có thể được 20 – 25 kg chè búp tươi từ cây chè tổ. Giá chè búp tươi ở nơi đây bao giờ cũng cao hơn giá của chè búp tươi ở những nơi khác được trồng ở cùng độ cao như xã Sùng Đô, Suối Bu, Phình Hồ và cao hơn rất nhiều lần trồng dưới vùng thấp.
Ở xã Suối Giàng hiện nay số cây chè shan với có đường kính từ 20 – 30 cm thì nhiều không kể hết. Cây chè đại thụ có tuổi đời lâu nhất trên 400 năm được coi là một trong số cây chè thủy tổ của thế giới. Đến nay Suối Giàng vẫn còn hàng nghìn cây chè từ 200 tuổi trở lên, còn cây một trăm tuổi thì nhiều vô kể. Trà shan tuyết cổ thụ chín là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông ở Suối Giàng.
Lễ hội cúng chè tổ độc đáo
Năm nào cũng vậy, mỗi khi xuân về, hoa đào, hoa mận nở rộ, để tôn vinh cây chè đã mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây, chính quyền và nhân dân Suối Giàng lại tổ chức lễ cúng cây chè tổ. Lễ cúng cây chè để tri ân trời đất, tri ân cây chè đã giúp họ có cuộc sống ấm no.
Mỗi khi mở hội cúng cây chè tổ, mừng mùa chè bội thu, từ sáng sớm, trên các nẻo đường, các bản làng xã Suối Giàng, trong những bộ tả pủ, váy áo mới dệt bằng sợi lanh, náo nức xòe ô về dự hội. Nghi lễ cúng cây chè tổ là nghi lễ truyền thống trong đời sống tâm linh của người dân Suối Giàng. Người chủ lễ cúng là vị cao niên trong bản, đức độ được người dân trong bản tôn kính. Trước khi làm lễ cúng, người chủ lễ tắm rửa sạch sẽ bằng nước đun từ những loại lá cây thơm hái trên rừng, và mặc bộ quần áo mới. Lễ vật cúng là một con gà trống đen, giống gà Mông quí hiếm, lông đen, thịt đen, xương đen. Những người tham gia cúng cây chè tổ là bà con dân bản, trong đó chọn 4- 5 thanh niên trai tráng lực lưỡng, khỏe mạnh giúp chủ lễ kê bàn thờ, mổ gà, vái lạy trời đất. tổ tiên, thần linh…
Buổi sáng, khi mặt trời vừa lấp ló trên đỉnh núi thôn Giàng Cao, ánh sáng chói lòa chưa xuyên qua được màn sương mờ đục còn bao phủ khắp núi rừng, những người dân đã tập trung quanh gốc cây chè tổ. Một chiếc bàn thờ làm bằng thân cây trúc vẫn còn tươi, trên dán giấy bản, bốn tờ giấy dó màu đỏ, giữa dán giấy vàng dán ở bốn góc bàn thờ, cùng những tua giấy cắt treo bốn góc, tượng trưng cho trời đất bốn phương, tám hướng, đất đai, thần linh, tổ tiên…Trước khi làm lễ cắt tiết gà, chủ lễ thắp hương khấn vái trời đất tổ tiên và cây chè, sau đó cầm con gà đen hướng về phía mặt trời rồi khấn rằng: Hôm nay là ngày lành tháng tốt, người dân Suối Giàng có lễ mọn là một con gà trống lông đen, mào đỏ rực, tiếng gáy của nó vang khắp các núi, các khe suối được làm lễ vật để dâng lên trời đất, thần núi, thần rừng, thần bản, tổ tiên…nay cúng cho cây chè tổ. Trời đất hãy chứng giám cho lòng thành của dân bản chúng tôi…
Tiết của con gà được đặt lên bàn thờ cùng với một túm lông trên cổ của con gà vừa mới cắt tiết được dán lên tờ giấy bản nơi chính giữa bàn thờ. Sau khi luộc chín gà cùng xôi nếp, rượu ngô men lá rừng được bày lên bàn thờ, lễ cúng bắt đầu. Chủ lễ chắp tay đứng trước bàn thờ, những người tham gia cúng xếp hàng đứng phía sau, mỗi lần kêu tên trời đất, thân núi, thần rừng, tổ tiên…những người đứng sau quì xuống đất lạy trời đất và cây chè. Lời cúng của chủ lễ bằng tiếng Quan Hỏa, đại ý như thế này: Người dân Suối Giàng vô cùng biết ơn trời đất, đã cho chúng tôi cây chè quí, nay chúng tôi có một lễ nhỏ xin được dâng lên trời đất, dâng lên các thần linh, tổ tiên phù hộ cho người dân trong bản ai cũng được mạnh khỏe, phù hộ cho rừng chè tươi tốt, búp to như bàn tay trẻ con, lá to như lá chuối rừng, hái quanh năm không hết, giúp cho người dân no đủ, không còn đói nghèo…Sau khi làm lễ cúng xong, chủ lễ rót rượu ra những chiếc chén, sau đó đổ xuống đất và gốc chè, số còn lại chia cho những người cúng và một số người tham dự uống gọi là lộc trời. Tiếp đó ông cho phép hóa vàng những tua giấy treo bốn góc bàn thờ…Lễ cúng cây chè tổ hàng năm là một nét đẹp văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người Mông Suối Giàng, đó cũng chính là những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Bất kỳ loại trà nào cũng vậy đều có mùi hương đặc trưng rất riêng của nó và khi nói đến trà cổ thụ phải nói đến hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc thân yêu. Trà shan tuyết cổ thụ có rất nhiều hợp chất rất tốt cho sức khỏe, như các vitamin: A,B,C,P,… chất caffein (lưu ý cho việc uống trà có chừng mực), chất này vừa có lợi cũng vừa có hại nếu bạn uống trà quá nhiều trong một ngày. Cho nên trà sẽ thực sự bổ dưỡng nếu bạn biết cách uống trà hiệu quả.
Nguồn: Hạnh Trà
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH
- Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
- Showroom Yến Sào Quang Minh: Số 264 Lê Lợi, thị Trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội
- Fanpage: Showroom Yến Sào Quang Minh Ứng Hòa Hà Nội
- Điện thoại: 1900 636 891
- Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com