Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ SUY GIÁP    

y học cổ truyền điều trị suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ một vài loại hormone (nội tiết tố) quan trọng cho cơ thể. Suy giáp gây rối loạn sự cân bằng chuyển hóa trong cơ thể. Tình trạng này hiếm khi gây triệu chứng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên theo thời gian, suy giáp không được điều trị có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe như béo phì, đau khớp, vô sinh và bệnh tim…

Nguyên nhân gây suy giáp là gì?

Các nguyên nhân chủ yếu gây bệnh suy tuyến giáp bao gồm:

  • Bệnh lý tự miễn: Viêm giáp Hashimoto – một loại bệnh lý tự miễn. Là nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp. Rối loạn tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể tấn công các mô của chính cơ thể bạn. Trong trường hợp này là tuyến giáp.
  • Điều trị cường giáp: thường được điều trị bằng iốt phóng xạ và các thuốc kháng tuyến giáp. Để làm giảm việc sản xuất hormone và bình thường hóa chức năng tuyến giáp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều trị cường giáp có thể dẫn đến suy giáp vĩnh viễn.
  • Phẫu thuật tuyến giáp: Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn hoặc một phần lớn tuyến giáp. Có thể làm giảm hoặc dừng hẳn việc sản xuất hormone.
  • Xạ trị: tia xạ điều trị ung thư vùng đầu và cổ có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp dẫn đến suy giáp.
  • Thuốc: Một số thuốc có thể gây ra suy giáp. Ví dụ như lithium dùng trong điều trị rối loạn tâm thần.

Các nguyên nhân ít gặp hơn đưa đến suy giáp bao gồm:

  • Suy giáp bẩm sinh: Nhiều trẻ khi sinh ra đã có tuyến giáp bị khiếm khuyết hoặc không có tuyến giáp.
  • Rối loạn tuyến yên: Một nguyên nhân tương đối hiếm của suy giáp là do tuyến yên không sản xuất đủ hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Thông thường là do một khối u của tuyến yên.
  • Mang thai: Một số phụ nữ bị suy giáp trong hoặc sau khi mang thai. Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và tiền sản giật.
  • Thiếu iốt (iodine): Khoáng vi lượng iốt, được tìm thấy chủ yếu trong hải sản, tảo biển, cây trồng trên đất giàu iốt và muối iốt – rất cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp.

Triệu chứng của suy giáp là gì?

Suy tuyến giáp nhẹ thường có các triệu chứng không rõ ràng, thêm vào đó bệnh thường phổ biến ở người cao tuổi nên các bệnh nhân thường nghĩ triệu chứng đó là do tuổi già như:

– Bướu cổ: to, nhỏ hoặc sẹo mổ ở cổ. bướu cổ có thể là triệu chứng định hướng chẩn đoán.

– Bệnh nhân mệt mỏi không rõ nguyên nhân, tăng cân dù ăn uống kém, sợ lạnh, chậm chạp, giảm trí nhớ.

– Tổn thương da, niêm mạc, lông tóc móng : thâm nhiễm da và niêm mạc làm biến đổi hình thể, mặt tròn, ít biểu lộ cảm xúc. Da khô, vàng sáp. Niêm mạc lưỡi bị thâm nhiễm làm lưỡi bị to ra, giọng khàn. Tóc khô dễ rụng.

– Triệu chứng tim mạch : nhịp chậm < 60 chu kì/phút, HA thấp, thể nặng có thể có tràn dịch màng tim. Nghe tim thấy mờ, chậm đều hoặc không đều.

– Rối loạn tiêu hóa : táo bón dai dẳng do giảm nhu động ruột. Ăn không ngon miệng

– Đau khớp hoặc các cơ.

– Phụ nữ có thể có vấn đề về kinh nguyệt.

– Người bệnh ít có hứng thú trong tình dục hơn.

Điều trị suy giáp như thế nào?

Theo y học cổ truyền: suy giáp thuộc phạm vi chứng “phù thũng” và “hư lao”, có thể do các nguyên nhân như: tiên thiên bất túc, ẩm thực thất điều, ngoại nhân… làm tổn thương khí biểu hiện chủ yếu ở các tạng tỳ, phế, thận. Dựa theo các biểu hiện triệu chứng từ nhẹ đến nặng mà ta có các thể bệnh và điều trị tương ứng.

Thuốc thang: tùy vào từng thể bệnh cụ thể như : Tỳ khí hư, Tỳ dương hư, Khí huyết lưỡng hư, Tỳ thận dương hư, Tâm thận dương hư, Phế tỳ thận dương hư…mà bác sĩ sẽ lựa chọn bài thuốc và gia giảm hợp lý. Trong đó, các bài thuốc thường được sử dụng và có hiệu quả điều trị tốt như: Tứ quân tử thang, Lục quân tử thang, Bát trân thang, Hữu quy hoàn, Chân vũ thang gia giảm… Các bài thuốc có tác dụng ích khí kiện tỳ, ôn bổ tỳ dương, bổ khí huyết, ôn bổ tỳ thận, ôn dương lợi thủy…

Điều trị không dùng thuốc:

  • Thể châm có thể kết hợp cứu ấm: mệnh môn, quan nguyên, khí hải, cách du, thân trụ, túc tam lý, tam âm giao, hợp cốc, nội quan, trung quản, đản trung…
  • Nhĩ châm: nội tiết, dưới vỏ, tuyến giáp.
  • Xoa bóp bấm huyệt giúp tăng dương khí, nâng cao chính khí.

y học cổ truyền điều trị suy giáp

  • Dưỡng sinh: thở bốn thời có kê mông và giơ chân.
  • Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Người bệnh suy giáp cần tránh những thực phẩm dưới đây:

– Thực phẩm từ đậu nành. Một số loại rau như rau bắp cải, cải xoăn, súp lơ, rau bina,…Một số loại củ quả giàu tinh bột như khoai lang, sắn, dâu tây, đào,…Một số loại hạt như hạt kê, đậu phộng,…

– Không nên ăn những thực phẩm như xúc xích, bánh ngọt,…

y học cổ truyền điều trị suy giáp

– Không nên sử dụng các loại đồ uống có chứa nhiều chất kích thích vì có thể gây kích ứng tuyến giáp của bạn. Cụ thể, nên tránh xa những loại đồ uống như cà phê, rượu bia, trà xanh,…

– Ngoài chế độ ăn uống tốt nhất cho bệnh suy giáp, bạn cũng cần chú ý đến chế độ sinh hoạt khoa học như ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên để giữ cân nặng khỏe mạnh. Nên lựa chọn những thực phẩm giàu i-ốt như rong biển, trứng, cá, sữa,…

– Selen: Một số thực phẩm giàu selen có thể kể đến như các ngừ, trứng…Lưu ý không được tự ý sử dụng các sản phẩm bổ sung selen nếu chưa có chỉ định của bác sĩ vì nếu sử dụng quá liều lượng selen có thể gây độc.

– Kẽm: Loại dưỡng chất này có thể giúp cơ thể điều chỉnh TSH và kích thích giải phóng các loại hormone khác của tuyến giáp. Những người bệnh suy giáp, nên tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa nhiều kẽm như hàu, thịt bò, thịt gà và một số động vật có vỏ khác,…

– Bên cạnh đó, bạn cũng nên ăn những loại quả mọng như cam, cà chua, chuối,… và các loại ngũ cốc như hạt chia, hạt lanh,… Những người bị bệnh suy giáp nên ăn thực phẩm lành mạnh để có thể kiểm soát tốt cân nặng của mình.

Xem Thêm: Đông Y Hỗ Trợ Trị Suy Giáp Trạng

Theo: BS CKI. Lâm Nguyễn Thùy An

Trích nguồn: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x