Các loại phụ liệu dùng trong chế biến các vị thuốc cổ truyền được quy định tại Điều 1 Phụ lục I về Phương pháp chung chế biến các vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
1. Cám gạo
Sử dụng cám gạo (nếp hoặc tẻ) mới xay, màu hơi vàng nhạt, mịn, thơm..
a) Mục đích:
– Tăng tác dụng kiện tỳ.
– Làm giảm tính khô táo của vị thuốc cổ truyền (vị thuốc).
– Làm giảm tác dụng không mong muốn.
– Làm cho vị thuốc khô đều, vàng đều, và có mùi thơm.
b) Ứng dụng: Chế biến Bạch truật, Thương truật, Xương bồ…
2. Gạo
Sử dụng gạo nếp hoặc gạo tẻ, thường dùng gạo nếp.
a) Mục đích:
– Làm khô dược liệu quý.
– Làm thơm và vàng đều vị thuốc.
b) Ứng dụng: Chế biến Nhung hươu, Nhân sâm….
3. Nước vo gạo
Sử dụng nước gạo mới vo của gạo tẻ hoặc gạo nếp; nước có màu trắng, đặc, không có mùi chua, hoặc mùi lạ.
a) Mục đích:
– Loại bớt vị chát có trong dược liệu.
– Làm cho vị thuốc dễ uống hơn.
b) Ứng dụng: Chế biến Hà thủ ô đỏ, Hà thủ ô trắng, Thạch xương bồ, Xạ can…
4. Giấm
Sử dụng loại giấm thanh được chế từ các nguồn thực phẩm: bún, chuối… thể chất trong, không màu, hoặc hơi vàng, có vị chua, mùi giấm, nồng độ acid acetic từ 3,6-5,0 %, không được có các chất độc hại.
a) Mục đích:
– Dẫn thuốc vào kinh can.
– Tăng cường hoạt huyết, khứ ứ.
– Hành khí, giảm đau “thố chế trú can chi nhiệm thống”.
– Hòa hoãn tính dược, giảm tác dụng phụ.
– Làm giòn các dược liệu có thể chất cứng rắn, khử mùi hôi, tanh như xương động vật.
b) Ứng dụng: Chế biến Diên hồ sách, Tam lăng, Nga truật, Hương phụ… Miết giáp tôi giấm…
5. Rượu (tửu)
Sử dụng rượu được chưng cất từ gạo, ngô, sắn… đã được lên men, hàm lượng ethanol 30-40 %.
a) Mục đích:
– Dẫn thuốc lên thượng tiêu (làm thăng dương khí).
– Giảm tính hàn.
– Tăng cường hoạt huyết thông kinh hoạt lạc.
b) Ứng dụng: Chế biến Hoàng liên, Hoàng bá, Đại hoàng, Sơn thù du, Thục địa, Hà thủ ô đỏ, Ngưu tất, Xuyên khung, Đan sâm…
6. Dầu vừng
a) Mục đích:
– Giảm độc (khi rán dầu).
– Làm cho vị thuốc trở nên giòn, xốp, dễ nghiền tán.
b) Ứng dụng: Chế biến Mã tiền, Tam thất…
7. Dịch gừng tươi (Sinh khương)
Sử dụng những củ gừng tươi, già (chắc, thơm) rửa sạch, thái mỏng, giã nát, vắt lấy nước cốt, giã tiếp, thêm nước vài lần, vắt, để có đủ dịch tẩm thuốc. Lượng nước thêm vào phụ thuộc vào số lượng thể chất của dược liệu.
a) Mục đích:
– Tăng tính ấm cho vị thuốc (tăng tính dương).
– Tăng tác dụng chỉ ho, hóa đờm.
– Làm giảm tính ngứa, tính kích thích cổ họng của vị thuốc.
– Làm sạch và thơm vị thuốc (xương động vật).
b) Ứng dụng: Chế biến Bán hạ, Thục địa, Đảng sâm…..
8. Mật ong
Sử dụng mật luyện (mật đã được nấu sôi, vớt bỏ tạp, sáp, xác ong… rồi lọc). Mật luyện có vị thơm ngọt, màu hơi vàng, sánh. Tùy theo loại mật có thể pha thêm lượng nước thích hợp để chích tẩm.
a) Mục đích
– Kiện tỳ.
– Tăng tác dụng nhuận phế, chỉ ho, hóa đờm.
– Tăng tác dụng bổ dưỡng.
– Hòa hoãn dược tính.
b) Ứng dụng: Chế biến Tang bạch bì, Tử uyển, Khoản đông hoa, Tiền hồ, Bách hợp, Tỳ bà diệp, Cam thảo, Hoàng kỳ, Ma hoàng….
9. Văn cáp (bột vỏ hàu, hến) hoặc hoạt thạch
Sử dụng vỏ hàu, hến ngâm, rửa sạch, phơi, nung ở nhiệt độ cao, tán lấy bột mịn.
a) Mục đích:
– Để sao khô các vị thuốc là cao chế từ động vật tránh dính vào nhau hoặc chạm đáy chảo.
– Hạn chế mùi hôi, tanh của các vị thuốc.
– Làm cho vị thuốc trở nên giòn, dễ tán thành bột, khi bào chế.
b) Ứng dụng: Chế biến A giao, cao Ban long…
10. Muối ăn
Sử dụng dung dịch muối ăn sạch. Thành phần của muối ăn chủ yếu là natri clorid (NaCl).
a) Mục đích
– Giảm tính độc của vị thuốc.
– Dẫn thuốc vào kinh thận, tăng cường tác dụng bổ can thận.
– Tăng tác dụng nhuận hạ, lợi tiểu.
– Tăng tác dụng tư âm, giáng hỏa.
b) Ứng dụng: Chế Phụ tử, Ba kích, Trạch tả, Hoàng bá…
11. Phèn chua (muối kép của nhôm)
Sử dụng dung dịch phèn chua
a) Mục đích
– Tẩy rửa các chất độc, các chất gây ngứa, kích thích họng, chất nhớt.
– Bảo quản vị thuốc cổ truyền khỏi bị hỏng, thối rữa, hạn chế ôi thiu trong chế biến.
– Giúp định hình vị thuốc.
b) Ứng dụng: Chế biến Thiên nam tinh, Bán hạ, Hoài sơn…
12. Vôi tôi
Sử dụng nước vôi (nước vôi tôi), thành phần chủ yếu là Calci hydroxyd (Ca(OH)2).
a) Mục đích
– Loại bớt các chất ngứa, hạn chế hỏng, thối rữa (khi chế biến thuốc có nhiều tinh bột).
– Loại hết phần thịt, tủy, mỡ…ở xương trước khi nấu cao động vật.
b) Ứng dụng: Chế Bán hạ, Hoài sơn..
13. Cát
Sử dụng cát sạch. Cát đã được rửa nhiều lần bằng cách cho cát vào thùng nước khuấy đều, vớt bỏ tạp chất nổi, gạn bỏ nước, phơi khô.
a) Mục đích:
– Dùng cát làm vật liệu trung gian để nâng nhiệt độ sao lên cao (220-250°C).
– Truyền nhiệt đều cho vị thuốc.
b) Ứng dụng: Chế biến Mạch môn, Cẩu tích, Cốt toái bổ, Xuyên sơn giáp, Mã tiền…
14. Đất
Sử dụng đất sét vàng ở tầng sâu (những nơi ruộng sạch không có mùn, bùn, dư phẩm thuốc trừ sâu, phân hóa học…). Phơi khô, tán mịn, sấy khô; còn dùng đất lòng bếp (phục long can), hoặc đất lòng lò gạch, làm phụ liệu chế.
a) Mục đích: Ôn trung, kiện tỳ, chỉ nôn, chỉ huyết.
b) Ứng dụng: Chế biến Bạch truật, Hoài sơn…
15. Dịch vị thuốc
Sử dụng dịch của một hay nhiều loại vị thuốc để chế biến các vị thuốc có độc như: Sinh Phụ tử, Bán hạ…dịch vị thuốc thường dùng dưới dạng hỗn dịch (nước sắc, hoặc dịch ngâm rượu của một số phụ liệu); cũng có khi phối hợp giữa các phụ liệu có các nguồn gốc khác nhau.
a) Mục đích:
– Giảm độc hoặc tác dụng không mong muốn của vị thuốc….
– Hiệp đồng tăng cường hiệu quả. Tạo thêm tác dụng (mới) cho vị thuốc.
– Tăng hiệu lực điều trị.
b) Ứng dụng: dịch Cam thảo, Sa nhân…
Trên đây là nội dung tư vấn về các loại phụ liệu dùng trong chế biến các vị thuốc cổ truyền. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH
- Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
- Điện thoại: 0869 111 269
- Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
- Website: DongYQuangMinh.vn