Âm Địa Quyết

âm địa quyết

Tên gọi khác: Cỏ âm địa

Tên khoa học: Botrychium ternatum (Thunb.) Sw.

Họ: Âm địa (Botrychiaceae)

Công dụng: dùng trị sang độc, sưng nóng do phong nhiệt, trị ho

>>> Xem thêm: An Điền Cỏ

1. Mô tả

Cây nhỏ, thuộc loại dương xỉ, có thân rễ ngắn. Thân nhẵn, mọc đứng, cao 30 – 40 cm.

Lá có phần không sinh sản, dạng tam giác dài 5 – 17 cm, rộng 8 – 15 cm, xẻ lông chim 3 – 4 lần; lá chét mọc đối dài 4 – 6 cm, rộng 2 – 3 cm, gốc tròn, đầu nhọn, chia thành nhiều thùy nhỏ, cách nhau.

Túi bào tử xếp thành bông, các bông lại tụ họp thành chùy có cuống dài khoảng 10 cm, đính vào giữa phần không sinh sản của cuống lá. Bào tử hình tròn, hơi có cạnh, không màu.

Mùa sinh sản: tháng 5 – 7.

2. Phân bố, sinh thái

Chi Botrychium ở Việt Nam hiện chưa được nghiên cứu nhiều về thực vật học. Tuy nhiên, theo Phạm Hoàng Hộ (2000) đã ghi nhận được 3 loài.

Âm địa quyết là loại dương xỉ nhỏ, sống nhiều năm, phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi. Hiện đã biết chắc chắn có ở vùng núi Hoàng Liên Sơn thuộc huyện Sa Pa (Lào Cai), Phong Thổ và Than Uyên (Lai Châu); vùng núi Lang Biang thuộc huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Ngoài ra, cũng có thể tìm thấy ở một số vùng núi khác tại tỉnh Hà Giang hoặc Yên Bái. Trên thế giới, âm địa quyết cũng phân bố tại phía nam Trung Quốc, Ấn Độ và cũng có thể có ở vùng bắc Lào.

Cây ưa ẩm, hơi chịu bóng, thường mọc bám vào đá hay trên đất thành khóm hay đám nhỏ ở vùng rừng kín thường xanh, độ cao từ 1.300m trở lên. Cây sinh sản bằng bào tử và bằng cách để nhánh từ thân rễ, song hiện tại chưa nắm được quá trình nảy mầm của bào tử.

Bộ phận dùng:

Thân, rễ.

3. Thành phần hoá học

Lá chứa luteolin, ternatin [Trung dược từ hải I, 1994; Compendium of Indian Medicinal Plants, vol.5, 1998]

4. Tác dụng dược lý

Ternatin, hoạt chất chiết được từ thân rễ âm địa quyết có khả năng ức chế tác dụng gây độc tế bào do các virus DNA và RNA và làm giảm nhiễm virus. Trong các virus thử, ternatin có hoạt tính chống virus DNA mạnh hơn, đặc biệt là adenovirus. Hiệu quả còn mạnh hơn đối với virus trần, không có vỏ, đặc biệt là virus bại liệt (poliovirus) [Rastogi, 98, V – 135].

5. Tính vị, công năng

Thân rễ cây âm địa quyết vị ngọt, đắng, tính lạnh, không có độc, có công năng thanh nhiệt, giải độc, bình can tán kết. Theo sách Trung Dược Chí, thì âm địa quyết vị ngọt, hơi đắng, tính mát; có công năng chữa đầu thống (nhức đầu), khải huyết (ho ra máu), hoa mắt, đinh nhọt thũng độc [TDTH. 1993. 1 – 2331].

6. Công dụng

Thân rễ cây âm địa quyết được dùng trị sang độc, sưng nóng do phong nhiệt. Liều dùng 12-15g, sắc nước uống, ngày một thang.

Ở Ấn Độ, người ta dùng cây để chữa thương tích và dùng thân rễ để chữa lỵ [Chopra, 2001: 40]. Thân rễ còn được dùng để bổ dạ dày, chữa hen, viêm phế quản, hoa để chữa sốt [Kirtikar, 1998: 2753].

Ở Trung Quốc, thân rễ được dùng chữa nhức đầu, ho ra máu, ỉa ra máu, hoa mắt, thùng độc [TDTH. 1993 – 2331]

Bài thuốc có âm địa quyết

Nam nữ sau khi nôn mua ra máu, người có hư nhiệt: Dùng âm địa quyết, tử hà sa, quán chúng, cam thảo, mỗi vị đều 12g, sắc nước uống, ngày một thang.

Nguồn: Theo Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

>>> Xem thêm: Bổ Phế Kiện Phế Vương

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x