Ba Kích – Morinda Officinalis , Rubiacae

Tên khác: Cây ruột gà

Tên khoa học: Morinda officinalis F.C.How, Rubiaceae (họ Cà phê)

Mô tả cây: Cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn, dài hàng mét. Thân non màu tím, có lông, sau nhẵn. Cành non có cạnh. Lá mọc đối, hình mũi mác hay bầu dục, 6-14 × 2,5-6 cm, có lông; cuống ngắn; lá kèm mỏng, ôm sát thân. Cụm hoa mọc thành tán ở đầu cành, hoa nhỏ, lúc đầu màu trắng sau vàng. Quả hình cầu, rời nhau hay dính liền thành khối, khi chín màu đỏ, mang đài tồn tại ở đỉnh. Rễ hình trụ tròn hay hơi dẹt, cong queo, dài trên 3 cm, đường kính trên 0,3 cm. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc nâu nhạt, có nhiều vân dọc và ngang. Mặt cắt có phần thịt dày màu tím xám hoặc hồng nhạt, giữa là lõi gỗ nhỏ màu vàng nâu, vị hơi ngọt và hơi chát. Rễ khi phơi khô có nhiều chỗ nứt ngang sâu tới lõi gỗ giống như ruột gà do đó có tên là ruột gà.

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ (Radix Morindae) đã phơi hay sấy khô, có thể đào lấy rễ quanh năm, rửa sạch đất cát, loại bỏ rễ con, phơi khô tới khi không dính tay, đập nhẹ cho bẹp, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Rễ hình trụ tròn hay hơi dẹt, cong queo, dài 3 cm trở lên, đường kính 0,3 cm trở lên. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc nâu nhạt, có nhiều vân dọc và ngang. Nhiều chỗ nứt ngang sâu tới lõi gỗ. Mặt cắt có phần thịt dày màu tím xám hoặc màu hồng nhạt, giữa là lõi gỗ nhỏ màu vàng nâu. Vị ngọt và hơi chát.

Ba kích nhục: Lấy Ba kích sạch đồ kỹ hoặc luộc qua, khi còn đang nóng rút bỏ lõi gỗ, cắt đoạn, phơi khô.

Diêm ba kích nhục: Lấy Ba kích sạch trộn với nước muối ăn cho đều, đồ kỹ, rút lõi gỗ, cắt đoạn phơi khô. Cứ 100 kg Ba kích dùng 2 kg muối và lượng nước vừa đủ hòa tan, lọc trong.

Chích ba kích: Lấy Cam thảo giã dập, sắc lấy nước, bỏ bã. Cho Ba kích sạch vào, đun đến khi mềm xốp có thể rút lõi gỗ, lấy ra rút lõi khi còn nóng, cắt đoạn, phơi khô. Cứ 100 kg Ba kích dùng 6 kg Cam thảo.

Thành phần hóa học: Rễ Ba kích có iridoid glycosid (monotropein, asperulosid, asperulosid tetraacetat) và anthraquinon (physcion, rubiadin). Polysaccharid (mono và oligosaccharid) cũng là những thành phần quan trọng. Ngoài ra còn có các acid hữu cơ và một ít tinh dầu.

Công dụng và cách dùng: Theo y học cổ truyền, Ba kích được dùng chữa liệt dương, di tinh, tử cung lạnh, phụ nữ khó mang thai, kinh nguyệt không đều, bụng dưới đau lạnh, phong thấp tê đau, gân xương yếu.

Y học cổ truyền Trung hoa dùng Ba kích để điều trị loãng xương.

Ghi chú: Không dùng cho người bị táo bón.

Theo Khoa Dược – Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x