Bách bộ – Stemona tuberosa Lour, Stemonaceae

Tên khác: Dây ba mươi

Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour., Stemonaceae (họ Bách bộ).

Mô tả cây: Dây leo bằng thân quấn, thân nhỏ, nhẵn dài 6-8 m hay hơn. Lá mọc đối hoặc so le, phiến hình tim, gân lá hình cung chạy từ cuống lên đầu lá. Phiến lá có nhiều nếp nhăn ngang đặc sắc. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, cuống dài 2-4 cm, mang 1-2 hoa to, màu vàng lục. Quả nang, hình trứng thuôn, chứa nhiều hạt. Rễ chùm gần đến 30 củ hoặc hơn.

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ củ (Radix Stemonae) hình trụ cong queo, dài 10-20 cm, đường kính 1-2 cm. Đầu trên đôi khi còn vết tích của cổ rễ, đầu dưới thuôn nhỏ. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang thấy mô mềm vỏ khá dày, màu vàng nâu; lõi giữa màu trắng ngà. Đào lấy rễ củ lúc trời khô ráo, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ ở hai đầu, đem đồ vừa chín hoặc nhúng nước sôi. Loại nhỏ để nguyên, loại to bổ đôi rồi phơi nắng hoặc sấy ở 50-60 oC.

Thành phần hóa học: Rễ củ Bách bộ có alkaloid (stemonin, tuberostemonin, isotuberostemonin, hypotuberostemonin, stemin, croomin oxytuberostemonin), ngoài ra còn có glucid, lipid, protid, acid hữu cơ (citric, malic, succinic…)

Công dụng và cách dùng: Bách bộ được dùng chữa ho mới hoặc ho lâu ngày, ho gà, ho lao, viêm phế quản mạn tính. Dùng ngoài trị chấy, rận, ghẻ lở, giun kim, ngứa âm hộ.

Ghi chú: Một số loài Stemona khác như S. pierrei Gagnep. và S. xasorum Gagnep. cũng được dùng.

Theo Khoa Dược – Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x