Bạch Chỉ – Angelica dahurica, Apiaceae

Tên khoa học: Angelica dahurica (Hoffm.) Benth. & Hook.f. ex Franch. & Sav., Apiaceae (họ Hoa tán).

Mô tả cây: Cây thảo, có thể cao tới 2 m. Thân rỗng, mặt ngoài màu tím hồng, phía dưới thân nhẵn, phía trên gần cụm hoa có lông ngắn. Lá ở gốc to, cuống dài, có bẹ ôm lấy thân, phiến lá xẻ lông chim 2-3 lần, thùy hình trứng thuôn, mép có răng cưa; hai mặt đều không có lông nhưng trên đường gân của mặt trên có lông ngắn. Cụm hoa tán kép mọc ở kẽ lá hoặc ở ngọn. Hoa nhỏ màu trắng. Quả bế, dẹt. Rễ phát triển thành củ, hình dạng giống củ cà rốt; vỏ rễ vàng nhạt, bên trong màu trắng, có mùi thơm dịu.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến: Rễ Bạch chỉ (Radix Angelicae dahuricae). Thu hoạch vào mùa hạ, thu khi lá bắt đầu úa vàng. Khi trời khô ráo, đào lấy rễ củ (tránh làm sây sát và gẫy). Rửa nhanh, cắt bỏ rễ con, phân loại riêng các rễ củ có kích thước như nhau. Phơi nắng hay sấy ở 40-50 oC đến khô.

Dược liệu có hình dạng to ở gốc thân, thuôn dần về cuối, thẳng hay cong, dài 10-20 cm, đường kính phần to có thể đến 3 cm. Mặt ngoài củ có màu vàng nâu nhạt, còn dấu vết của rễ con đã cắt bỏ, có nhiều rãnh nhăn dọc và nhiều lỗ vỏ lồi lên thành những vết sần ngang. Mặt cắt ngang có màu trắng hay trắng ngà, tầng sinh libe-gỗ rõ rệt. Thể chất cứng, vết bẻ lởm chởm, nhiều bột. Mùi thơm hắc, vị cay hơi đắng.

Thành phần hóa học: Rễ củ có coumarin (imperatorin, isoimperatorin, scopoletin, byak-angelicin…) và tinh dầu.

Công dụng và cách dùng: Bạch chỉ được dùng chữacảm mạo phong hàn, nhức đầu vùng trán, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang, đau răng, mụn nhọt sưng tấy, vết thương có mủ.

Ghi chú: Liều cao có thể gây co giật, tê liệt.

Ở Việt nam còn có vị Bạch chỉ nam (rễ của cây Mác rừng – Milletia pulchra Kurz., Fabaceae).

Theo Khoa Dược – Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x