Bài Thuốc Lục Vị (Lục Vị Địa Hoàng Hoàn)

Bài Thuốc Lục Vị (Lục Vị Địa Hoàng Hoàn)

Lục vị là bài thuốc cổ phương kinh điển dùng bổ âm, giúp phục hồi phần âm của các tạng phế, thận, vị và tân dịch bị hư tổn.

Lục vị dùng trong các bệnh mà huyết dịch bị kém (thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết), do viêm nhiễm lâu ngày, hoặc do rối loạn các hoạt động thần kinh thực vật.

Nguồn gốc bài thuốc Lục vị (Lục Vị Địa Hoàng Hoàn)

Bài thuốc Lục vị hay Lục Vị Địa Hoàng Hoàn đã được lưu truyền từ nhiều đời nay, bài thuốc được mệnh danh là một trong những thập đại danh phương của nền “Y Học Cổ Truyền” Trung Quốc. Tên gọi gốc của Lục Vị Địa Hoàng Hoàn là “地黄圆(丸)“. Phương thuốc được tìm thấy trong cuốn Tiểu Nhi Dược Chứng Trực Quyết của danh y thời Tống tên Tiền Ất.

Danh y Tiền Ất quan niệm trẻ em là thuần dương vô âm, khí dương non, thuần khí thì không có phép bổ dương nên ông đã tạo ra Lục Vị Địa Hoàng Hoàn dựa trên bài thuốc Bát vị thận khí hoàn của Thánh y Trọng Cảnh, loại bỏ 2 vị quế phụ, chuyên chữa bệnh trẻ nhỏ.

Nhiều danh y kiệt xuất sau này coi Lục Vị Địa Hoàng Hoàn là “Á khoa chi thánh dược”. Hải Thượng Lãn ông coi Lục Vị Địa Hoàng Hoàn là bài thuốc thánh bổ âm.

Thành phần của bài thuốc Lục vị

  • Thục địa: 8 lạng
  • Sơn thù du: 4 lạng
  • Sơn dược: 4 lạng
  • Phục linh: 3 lạng
  • Trạch tả: 3 lạng
  • Đan bì: 3 lạng

Công dụng bài thuốc Lục vị

Tư bổ phần âm của can, thận, trị chân âm suy kém, tinh khô, huyết kiệt, đau lưng, mỏi gối, hoa mắt, ù tai, chóng mặt, tiêu khát.

Giải thích phương thuốc Lục vị

Phương thuốc này dựa trên nguyên tắc tam bổ, tam tả: 3 vị mang tính bổ là thục địa bổ thận âm, sơn thù du bổ can, hoài sơn  bổ tỳ; 3 vị mang tính tả là phục linh tả tỳ, trạch tả tả thận thủy, mẫu đơn bì tả can. 3 vị tả được xếp sánh đôi với 3 vị bổ, để cùng tác dụng vào 3 tạng can, tỳ, thận. Việc sử dụng từng cặp thuốc, vừa bổ, vừa tả như vậy, tác dụng bổ các tạng mà không gây ra nê trệ.

Bài Thuốc Lục Vị (Lục Vị Địa Hoàng Hoàn)
Các vị thuốc làm nên bài thuốc Lục Vị
  • Thục địa có vị ngọt tính ấm, quy kinh can, thận; tác dụng chính là quân dược, tư âm bổ thận, sinh huyết sinh tin
  • Sơn thù du có vị chua, sáp, tính ấm quy kinh can, thận; tác dụng ôn can trục phong, ích tinh sinh huyết, sáp tinh bí khí.
  • Sơn dược có vị ngọt tính bình quy kinh phế, tỳ, thận; giúp bổ hậu thiên để dưỡng tiên thiên. Hoài sơn kết hợp với Sơn thù giúp đồng bổ thận ích tinh, một ích tỳ khí, một dưỡng can huyết, hai vị đồng bổ can tỳ. Can tỳ đồng bổ giúp sinh khí huyết hoá thận tinh.  Ba vị kết hợp gọi là “Tam bổ”, tuy nhiên Thục địa dùng lượng lớn nhất nên phương trọng ở bổ thận âm.
  • Trạch tả có vị ngọt, tính hàn, quy kinh thận, bàng quang có tác dụng chính giúp  lợi thấp, thông nhĩ minh mục. Kết hợp Thục địa – bổ tả phối hợp giúp hư được bổ, tả được trọc và đồng thời làm giảm tính nê trệ của Thục địa.
  • Đan bì có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn, quy kinh tâm, can, thận; tác dụng thanh tiết hư nhiệt, làm hạ tính ôn sáp của sơn thù du.
  • Phục linh tác dụng thẩm thấp nhiệt ở tỳ, thông thận giao tâm, hỗ trợ Sơn dược kiện tỳ. Ba vị được gọi là “Tam tả”

Tam bổ, Tam tả kết hợp, tương phản tương thành, bổ hư lại khứ tà, dĩ tả trợ bổ, trong bổ có tả giúp phương thuốc Lục vị địa hoàng hoàn tư bổ thân âm, điền tinh ích tủy.

Cách gia giảm bài thuốc

Lục Vị Địa Hoàng Hoàn là bài thuốc cơ sở để tu bổ thận âm. Tuỳ theo chứng bệnh và thể trạng cơ thể từng người mà gia giảm phù hợp.

  • Với trường hợp trị di tinh, hoạt tinh nên tăng lượng hoài sơn, sơn thù trong thành phần bài thuốc.
  • Với tình trạng âm hư kèm huyết nhiệt hoả vượng có thể thay thục địa bằng sinh địa và tăng lượng đan bì.
  • Thận hư thuỷ thũng hoặc thấp nhiệt thì tăng lượng trạch tả và phục linh trong thành phần bài thuốc.
  • Can huyết hư thì nên có kết hợp thêm đương quy và bạch thược để dưỡng huyết nhu can bổ thận.
  • Hư thận đi tiểu nhiều lần thì bỏ gia ích tử nhân, ngũ vị tử, trạch tả và tăng lượng hoài sơn.
  • Trị chứng đau lưng mỏi gối thì có thể thêm các vị đỗ trọng, ngưu tất vào thành phần lục vị địa hoàng hoàn.
  • Phụ nữ sau sinh ít sữa, sử dụng lục vị địa hoàng hoàn nên tăng thục địa và bỏ trạch tả gia mộc thông.
  • Trường hợp phế thận âm hư thì kết hợp gia thêm ngũ vị tử, mạch môn để liễm phế nạp thận.
  • Chữa sốt rét cho trẻ em thì nên gia thêm vị thuốc sài hồ và bạch thược.
  • Chữa đầy hơi dùng thục địa sao và gia thêm trạch tả, bạch linh.
  • Trẻ em sốt nóng kèm kinh giật gia long đởm thảo, bạch thược, sài hồ, tần giao.

Nguồn: Tổng hợp

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại: 0869 111 269
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x