Các Bệnh Lý Về Tuyến Giáp Thường Gặp

các bệnh tuyến giáp

1. Cường chức năng tuyến giáp

1.1. Cường chức năng tuyến giáp là gì?

Cường chức năng tuyến giáp hay cường giáp là thuật ngữ để chỉ tình trạng tuyến giáp tăng tổng hợp và giải phóng hormone. Nồng độ hormone tuyến giáp lưu hành trong máu tăng cao sẽ làm rối loạn chức năng của các cơ quan và tổ chức trong cơ thể.

Các nguyên nhân gây cường chức năng tuyến giáp bao gồm bệnh Basedow, viêm tuyến giáp, bướu đa nhân độc tuyến giáp, bướu đơn nhân độc tuyến giáp, ung thư tuyến giáp… Trong đó bệnh Basedow là thể điển hình và hay gặp nhất trong số các bệnh có cường chức năng tuyến giáp.

1.2. Triệu chứng của bệnh Basedow

Triệu chứng Basedow biểu hiện bằng sự thay đổi chức năng của nhiều cơ quan do hiện tượng dư thừa hormone tuyến giáp. Trong số các cơ quan bị ảnh hưởng rõ nét nhất như hệ thần kinh, tim mạch, tuyến giáp, mắt, da và cơ. Kèm theo đó là rối loạn chuyển hóa, rối loạn điều hòa thân nhiệt và một số tuyến nội tiết cũng chịu tác động của bệnh. Các dấu hiệu điển hình của bệnh Basedow bao gồm:

  • Bướu giáp thường là bướu lan tỏa. Bướu to độ I hoặc độ II và có tính chất của bướu mạch.
  • Triệu chứng nhiễm độc giáp: gầy sút, run tay, lo lắng bồn chồn, hồi hộp trống ngực, tim đập nhanh, mạch kích động…
  • Các biểu hiện ở mắt như lồi mắt, co cơ mi trên…
  • Phù niêm trước xương chày
  • Trường hợp nặng của bệnh là cơn bão giáp trạng. Người bệnh có thể bị suy tuần hoàn, suy hô hấp đe dọa tới tính mạng đòi hỏi thái độ điều trị tích cực khẩn trương.

1.3. Điều trị bệnh Basedow

Có 3 phương pháp điều trị Basedow. Bao gồm điều trị nội khoa, điều trị bằng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân mà lựa chọn phương án điều trị thích hợp và hiệu quả nhất. Mục tiêu điều trị trước mắt là đưa người bệnh về tình trạng bình giáp. Tiếp theo là duy trì tình trạng bình giáp trong một khoảng thời gian để đạt được khỏi bệnh bằng các biện pháp. Song song với dự phòng và điều trị biến chứng nếu có.

2. Suy giáp

2.1. Thế nào là suy giáp?

Suy giáp là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp biểu hiện ở hormone giáp dưới mức bình thường. Có thể suy giáp do các nguyên nhân ở vùng dưới đồi tuyến yên như u tuyến yên, phẫu thuật vùng tuyến yên, tổn thương vùng dưới đồi… làm giảm tiết hormone TSH. Hoặc các nguyên nhân tại tuyến giáp gây suy giáp đa dạng như sau phẫu thuật tuyến giáp, sau điều trị iod phóng xạ, sau chiếu xạ vùng cổ, sau dùng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp…

2.2. Triệu chứng suy giáp

Triệu chứng điển hình của suy giáp là các dấu hiệu do giảm chuyển hóa cơ thể. Như suy nhược cơ thể, tăng cân nhiều, thân nhiệt thấp, sợ lạnh, táo bón, nhịp tim chậm. Người bệnh có da vàng sáp hoặc da xanh xao do thiếu máu. Lông tóc khô cứng, rụng lông nách, lông mu, lông mày. Móng tay khô giòn dễ gãy. Lưỡi to dày, giọng nói trầm, ngáy to khi ngủ…

Nếu không được điều trị, một số ít trường hợp có thể có biến chứng hôn mê do suy giáp. Nếu gặp phải thì tiên lượng rất nặng.

2.3. Điều trị suy giáp

Mục tiêu điều trị là đưa người bệnh về tình trạng bình giáp và duy trì tình trạng bình giáp thường xuyên, lâu dài. Đồng thời dự phòng và điều trị các biến chứng do suy giáp. Quá trình điều trị cần kết hợp điều trị nguyên nhân gây suy giáp. Kèm theo đó bổ sung hormone tuyến giáp thay thế cho người bệnh. Liều lượng và loại hormone bồi phụ tùy thuộc vào mức độ suy giáp và đặc điểm của người bệnh (tuổi, bệnh kèm theo…).

3. Bướu giáp đơn thuần

3.1. Khái niệm bướu giáp đơn thuần

Bướu giáp đơn thuần được định nghĩa là tình trạng tuyến giáp lớn nhưng không kèm suy giáp hay cường giáp, không bị viêm hoặc u. Bệnh thường gặp ở nữ giới. Tỷ lệ cao hơn trong các giai đoạn dậy thì, thai kỳ, tuổi mãn kinh.

Có ba thể bướu giáp đơn thuần là thể lan tỏa, thể nhiều nốt và thể một nốt. Nguyên nhân hay gặp là do thiếu iod tuyệt đối (bướu giáp dịch tễ). Hoặc do tác dụng của các chất làm phì đại tuyến giáp như trong một số loại thức ăn.

3.2. Triệu chứng của bướu giáp đơn thuần

Bệnh thường kín đáo không có triệu chứng gì đặc biệt. Hoặc được phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát. Sờ tuyến giáp thấy bướu to, ranh giới rõ, không dính vào da. Tuyến giáp di động theo nhịp nuốt, không đau. Đa phần bướu giáp lan tỏa có mật độ mềm. Cũng có khi mật độ chắc thường thấy trong bướu giáp thể nhân.

Nếu bướu giáp lớn có thể gây chèn ép cơ quan và tổ chức xung quanh. Như chèn ép khí quản gây khó thở, chèn ép dây thần kinh quặt ngược gây nói khó, nói khàn, nói hai giọng…

3.3. Điều trị bướu giáp đơn thuần

Trường hợp bướu giáp nhỏ, không có triệu chứng lâm sàng thì chỉ cần theo dõi định kỳ bằng khám lâm sàng và siêu âm tuyến giáp để đánh giá độ lớn. Bướu giáp to hoặc có triệu chứng có thể áp dụng các biện pháp như điều trị ức chế giáp thông qua ức chế TSH tuyến yên. Hoặc điều trị với I131 nhằm làm giảm thể tích bướu cổ. Trường hợp bướu cổ lớn gây chèn ép hay biến dạng vùng cổ có thể phải phẫu thuật.

các bệnh tuyến giáp

4. Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto

4.1. Viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto là gì?

Viêm tuyến giáp Hashimoto là một biểu hiện viêm mạn tính thâm nhiễm lympho bào.Bệnh được Hashimoto mô tả từ năm 1912 với các đặc điểm: Tuyến giáp thâm nhiễm rất nhiều tế bào lympho, tuyến giáp bị xơ hoá, teo tế bào tuyến giáp, đồng thời xuất hiện nhiều tế bào ái toan mạnh. Cơ chế bệnh sinh chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên tất cả các tác giả đều công nhận đây là một bệnh tự miễn

4.2. Triệu chứng viêm tuyến giáp Hashimoto

Viêm giáp Hashimoto có thể được chẩn đoán do các biểu hiện của viêm tuyến giáp hoặc các dấu hiệu của rối loạn chức năng giáp. Các biểu hiện viêm tại tuyến giáp bao gồm tuyến giáp to trong thời gian gần đây. Tuyến giáp có thể lớn lan toả cả hai thùy, đối xứng, theo hình dạng của tuyến giáp, mật độ đàn hồi. Cũng có thể gặp một tuyến giáp không đều đặn, có nhiếu nốt nhỏ, không đối xứng, trội lên ở một thùy, tạo một vùng cứng chắc. Có khi kèm triệu chứng đau mơ hồ ở tuyến giáp. Giai đoạn này người bệnh có thể biểu hiện tình trạng nhiễm độc giáp nhẹ.

Một số trường hợp các biểu hiện suy giáp giúp hướng tới chẩn đoán. Tuyến giáp lớn kèm suy giáp ở người lớn rất gợi ý chẩn đoán viêm giáp Hashimoto.

4.3. Điều trị viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto

Điều trị chủ yếu là hormon thay thế với L.Thyroxin nhằm ức chế TSH và điều chỉnh sự suy giáp. Không nên dùng T3 vì thuốc tác dụng mạnh, có thể làm người bệnh khó chịu và phải uống 2 lần/ngày.

Corticoid không hiệu quả trên diễn tiến tự miễn của viêm giáp Hashimoto. Thuốc chỉ có chỉ định trong rất ít trường hợp có viêm tại chỗ rõ. Về phẫu thuật rất hiếm khi có chỉ định trong viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto.

5. Ung thư tuyến giáp

5.1. Khái niệm

Ung thư tuyến giáp là loại bệnh lý ung thư tiến triển thầm lặng và có tuổi thọ kéo dài từ 15 đến 20 năm. Ung thư giáp hay gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 40 đến 60. Tuy nhiên bệnh cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi tùy thể bệnh. Có nhiều thể ung thư tuyến giáp, trong đó thể ung thư biểu mô dạng nhú chiếm 80% các loại ung thư giáp.

5.2. Triệu chứng ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu thường không có triệu chứng cụ thể. Người bệnh chỉ tình cờ phát hiện ung thư tuyến giáp khi đi khám sức khỏe tổng quát.

Biểu hiện nghi ngờ ung thư tuyến giáp là sờ tuyến giáp thấy nhân cứng, chắc, không đau.Các dấu hiệu ác tính là bướu to nhanh, mật độ trở nên cứng như gỗ. Nhất là khi có dấu hiệu chèn ép hoặc có hạch cổ. Người bệnh có thể khó nuốt, khó thở và khàn giọng đi kèm. Di căn xa chiếm tỉ lệ 1-15% trường hợp, trong đó di căn phổi thường gặp ở người trẻ. Chức năng tuyến giáp đa phần là bình thường.

Siêu âm giáp hiện là phương tiện chẩn đoán hình ảnh khá chuẩn để chẩn đoán bệnh tuyến giáp. Các dấu hiệu của một nhân giáp ác tính nghi ngờ trên siêu âm bao gồm tăng sinh mạch máu ở trung tâm, u giáp giảm hồi âm, bờ không đều, vôi hoá bên trong. Qua siêu âm người bệnh sẽ được chọc hút tế bào bằng kim nhỏ để chẩn đoán chính xác ung thư giáp thể nào.

5.3. Điều trị ung thư tuyến giáp

Điều trị ngoại khoa là phương pháp được chọn đầu tiên. Tùy tổn thương khu trú hay lan rộng người ta có thể cắt bỏ hoàn toàn một thùy cùng với phần eo. Hoặc cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp kèm theo nạo vét hạch.

Nếu nhu mô giáp còn khả năng cố định được iod phóng xạ thì I131 có thể phá hủy các tổ chức ung thư đã biệt hóa. Iod phóng xạ cũng có thể dùng sau khi phẫu thuật để diệt trừ các di tích ung thư còn sót. Hóa trị liệu it tác dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp.

Có thể nói, các bệnh tuyến giáp ngày nay dễ dàng phát hiện được qua thăm khám sức khỏe định kỳ cũng như siêu âm tuyến giáp. Phát hiện sớm các bệnh tuyến giáp giúp cho tiên lượng điều trị đạt kết quả tốt hơn.

Xem Thêm: Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ SUY GIÁP    

Nguồn: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x