Ở nước ta, có một loại cỏ hoang tên là cỏ tháp bút và trong y học, nó được gọi là cây mộc tặc.
Mọi người giải thích thế này: xưa kia, người ta dùng thân của loại cỏ này để đánh vào gỗ, làm cho gỗ nhẵn hơn vì thân của nó có các đốt và rất ráp. Do đó, đối với gỗ (mộc) thì loại cỏ này như kẻ thù, vì vậy mà gọi là mộc tặc.
Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, cỏ tháp bút (mộc tặc) có tên khoa học là Equisetum arvense, thuộc họ Mộc tặc. Tuy nhiên, trên thực tế, có ít nhất 3 loại cây đều được gọi là mộc tặc và công dụng của chúng đều đáng quý như nhau.
Mộc tặc (木贼) là vị thuốc khá quen thuộc trong y học cổ truyền và có ít nhất 3 loại cây đều được gọi là mộc tặc, bao gồm:
I. Cây cỏ tháp bút
Sở dĩ gọi là cỏ tháp bút là vì đầu cành của loại cỏ này có nhiều vòng xếp khít nhau như tháp và hình dáng thì giống như ngọn bút lông ngày xưa. Loài này có tên khoa học là Equisetum arvense và có các tên khác như: tiết cốt thảo, mộc tặc thảo, bút đầu thái…
Ở Trung Quốc, nó được dùng làm thuốc với tên gọi “vấn kinh” (问荆), trong đó, chữ “kinh” là để chỉ một loại cây mà ngày xưa người ta hay dùng để đánh những kẻ phạm tội.
Theo y học cổ truyền, cỏ tháp bút có vị ngọt đắng, tính bình và có các công dụng sau:
- Lợi tiểu.
- Cầm máu.
- Điều trị chảy máu ruột, trĩ, lỵ ra máu.
- Điều trị đau mắt, ho hen.
Về hiệu lực của thuốc thì cỏ tháp bút được đánh giá là có tính công phạt mạnh. Sách Đồ kinh bản thảo còn ghi: “Mộc tặc chữa chứng đau mắt, tiêu màng mộng, tan khối tích, trừ gió độc liễm vào ruột, khỏi đi lị và chữa cả chứng phụ nữ kinh nguyệt liên miên, băng huyết, xích bạch đới”.
Một số phương thuốc cụ thể từ cỏ tháp bút
1. Điều trị rong huyết, băng huyết kéo dài dai dẳng và rong huyết sau mãn kinh
Thành phần bài thuốc: 20 g thân và nhánh cỏ tháp bút.
Thực hiện: đem dược liệu sao lên rồi cho vào ấm, nấu lấy nước uống.
2. Điều trị chứng tiêu chảy ra máu không ngừng
Chuẩn bị thành phần: 20 g cỏ tháp bút.
Thực hiện: nấu lấy nước uống nhưng lưu ý phải uống vào lúc đói.
3. Điều trị chứng mắt có màng mộng, giúp lợi gan mật và tiêu ích báng
Chuẩn bị: từ 6 – 8 g thân và cành cỏ tháp bút.
Thực hiện: cho thuốc vào nồi, thêm nước vào và sắc lấy nước uống.
Ghi chú: Cũng thành phần trên nhưng nếu dùng điều trị rong kinh và băng huyết thì đem thuốc sao lên rồi mới nấu.
Bên cạnh đó, ở Trung Quốc, loại cỏ này còn được dùng với các công dụng khác như:
- Hạ huyết áp.
- Làm giảm mỡ máu.
- Làm mạnh gan.
- Giúp sáng mắt.
- Điều trị chảy máu cam, ho ra máu, đại tiện ra máu.
Ngoài ra, trong trường hợp chảy máu ngoài da do thương tích, chúng ta cũng có thể hái cỏ này để cầm máu: dùng tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vết thương (nếu dùng ở dạng khô thì nghiền mịn rồi rắc lên da).
II. Cây mộc tặc
Loài cây này có tên khoa học là Equisetum hyemale và ở Trung Quốc, nó được gọi là “mộc tặc” (木贼).
Theo các tư liệu, loại mộc tặc này có hai công dụng cơ bản là “chỉ huyết” và “chỉ lệ” – tức cầm máu và cầm nước mắt (4). Cụ thể, nó có các công dụng sau:
- Tốt cho mật.
- Điều trị đau họng.
- Điều trị chảy nước mắt khi gặp gió, mắt sưng đỏ có màng mây.
- Giúp cầm máu, điều trị lỵ ra máu.
- Điều trị sốt rét.
- Làm tiêu tích khối.
- Điều trị phong thấp.
- Điều trị phong hàn, đinh độc.
Liều lượng: mỗi ngày dùng từ 1 – 3 chỉ (1 chỉ là 3, 75 g), nếu dùng ngoài da thì tán mịn rồi rắc lên.
III. Khiên nhược mộc tặc (cỏ tháp bút)
Ngoài hai loại cây kể trên thì còn một loài nữa cũng được dùng làm vị “mộc tặc”. Loài này có tên khoa học là Equisetum debile, ở Trung Quốc gọi là “bút quản thảo” (笔管草) hay “khiên nhược mộc tặc” (纖弱木賊), ở Việt Nam gọi là “cỏ tháp bút”.
Theo công trình Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1) thì loại này cũng có nhiều công dụng tương tự như hai loại trên (ngoài ra thì còn dùng trong trường hợp cảm mạo, viêm gan vàng da và tiểu ra sỏi). Tuy nhiên, người ta ít khi dùng loại này một mình mà thường kết hợp cùng các vị thuốc khác như:
1. Điều trị viêm gan, viêm thận, viêm bàng quang, tiểu đỏ, nước tiểu vàng thẫm và tiểu ra sỏi
Chuẩn bị: cỏ tháp bút, lá mã đề, mộc thông, sinh địa, rễ tranh và cỏ xước (nếu không có cỏ xước thì dùng ngưu tất), mỗi loại 15 g.
Thực hiện: Cho các vị trên vào ấm và sắc lấy nước uống (lưu ý chia thành 3 lần uống và mỗi lần như thế thì uống cùng 5 g bột hoạt thạch.
2. Điều trị chứng tiểu ra cặn trắng
Chuẩn bị: cỏ tháp bút và rễ cây mía dò, mỗi loại 12 g.
Thực hiện: nấu lấy nước uống đều đặn mỗi ngày cho đến khi khỏi bệnh.
Lưu ý
Về thời gian sử dụng: Vị thuốc này có tác dụng lợi tiểu tiện mạnh nhưng nếu dùng lâu và nhiều quá thì lại gây hại cho sức khỏe, thậm chí làm tiểu ra máu.
Về đối tượng: Những người mắt đỏ do nóng nhiệt hoặc mắc các chứng do âm hư hỏa vượng gây ra thì không nên dùng. Bên cạnh đó, những người không có phong hàn thì cũng không được dùng mộc tặc.
Nguồn: Cây Thuốc Quý Hòa Bình
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH
- Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
- Showroom Yến Sào Quang Minh: Số 264 Lê Lợi, thị Trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội
- Fanpage: Showroom Yến Sào Quang Minh Ứng Hòa Hà Nội
- Điện thoại: 1900 636 891
- Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com