Trong Đông Y, Cốt toái bổ là vị thuốc quý được dùng để chữa rất nhiều bệnh. Vậy cốt toái bổ có tác dụng gì cho sức khỏe? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về vấn đề này và cung cấp đến bạn thông tin về một số bài thuốc chữa bệnh từ Cốt Toái Bổ hiệu quả.
Thông tin chung
- Tên gọi khác: Tổ rồng, Hầu khương, Tắc kè đá, Thân khương, Tổ phượng, Hộc quyết, Thu mùn…
- Tên khoa học: Drynaria fortune.
- Họ: Dương xỉ (Polypodiaceae).
Giải thích tên gọi cốt toái bổ
Tên gọi “cốt toái bổ” xuất phát từ khả năng đặc biệt của loại cây này trong việc liền những xương bị dập gãy. Trong tiếng Thái, cốt toái bổ có ý nghĩa là đặt vào để liền lại, khi đắp thuốc từ cây này lên vết thương, nó có thể giúp liền kết các đốt sống và tổn thương xương.
Đặc điểm sinh thái của cốt toái bổ
Ở Việt Nam, cốt toái bổ phân bố ở một số tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Cây hiếm gặp hơn ở các tỉnh Miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào. Cốt toái bổ là vị thuốc rất tốt cho can thận, xương khớp. Cây được dùng để điều trị chứng răng đau, răng long, răng chảy máu do thận hư.
Cốt toái bổ có chiều cao khoảng 20–40cm, sống lâu năm, tồn tại riêng trên các hốc đá, phát triển tốt trên những đám rêu hoặc sống trên các thân cây lớn như cây đa, cây si lớn. Thân rễ mọc lan, dày và dẹt, phủ đầy lông dạng vảy màu nâu nhạt, vảy có hình ngọn giáo hẹp. Lá có hai loại: Lá không sinh sản che kín thân rễ có tác dụng hứng mùn, chiều dài 3 – 5cm, hình tim khum, mép lá có răng cưa nhọn, không có cuống, màu nâu, mặt dưới có lông, gân lá lồi lõm; lá sinh sản xẻ thùy sâu hình lá kép lông chim, có cuống dài khoảng 4–7cm, chiều dài lá 10 – 30cm, phiến lá dài có màu lục sẫm, mỗi lá có khoảng 7 – 12 cặp lá hình lông chim. Túi bào tử tròn, xếp thành hàng đều đặn giữa các gân lá dưới, không có áo túi. Bào tử nhỏ hình trái xoan, màu vàng nhạt. Mùa sinh trưởng của cây vào tầm tháng 5 đến tháng 8.
Bộ phận dùng làm dược liệu của cốt toái bổ
Phần thân và rễ phơi khô của cây cốt toái bổ được sử dụng làm thành phần trong nhiều bài thuốc Nam. Lựa chọn phần thân rễ già, loại bỏ phần rễ con và phần lá, rửa sạch đất cát rồi đem cắt thành từng đoạn, sau khi phơi hoặc sấy khô có kích thước khoảng 5 – 15cm, rộng 1 – 3cm, bề dày 3mm. Hoặc có thể dùng cách đem đun chín trước rồi phơi hoặc sấy khô thuận tiện hơn cho việc bảo quản.
Muốn loại bỏ hết phần lông bao phủ bên ngoài thân rễ, có thể dùng cách đốt cháy cho hết lông nhỏ.
Loại dược liệu này có mặt ngoài màu nâu đỏ hay nâu đen, nhiều nếp nhăn dọc thân, nhiều khi còn thấy sần sùi hay có mấu, mặt cắt ngang có màu nâu hoặc nâu pha hồng nhạt.
Cốt toái bổ có tác dụng gì cho sức khỏe?
Cốt toái bổ đã được công nhận có những công dụng tuyệt vời trong cả Đông y lẫn Tây y, như sau:
Theo Tây y
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện đến 369 hợp chất như flavonoid, proanthocyanidin, triterpenoids, axit phenolic và lignans trong cốt toái bổ. Phần thân rễ Cốt toái bổ chứa 25 – 34,89% glucose, hesperidin, 1,42% flavonoid toàn phần và 1% naringin.
Các công dụng của Cốt toái bổ theo Y học hiện đại bao gồm:
- Tăng cường sự hấp thu Canxi của xương, giúp nhanh chóng liền xương.
- Tiêu diệt vi khuẩn có hại trong đường miệng.
- Giảm lipid máu đồng thời ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch.
- Giảm đau và giúp an thần.
Theo Đông y
Cốt toái bổ là một loại thuốc trong kho tàng dược liệu Đông y có những đặc điểm sau đây:
- Tính vị: Có vị đắng và tính ấm.
- Quy kinh: Tác động vào các kinh Can và Thận.
- Công dụng: Có khả năng hoạt huyết, hóa ứ, bổ thận, củng cố gân xương, giảm đau và cầm máu.
- Chủ trị: Cốt toái bổ được sử dụng để điều trị các vấn đề như chấn thương do té ngã, đau lưng mỏi gối, đau nhức lưng, thận hư yếu, ù tai, đau răng, chảy máu chân răng và tiêu chảy kéo dài.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cốt toái bổ
Bài thuốc bổ thận chắc răng
Bài thuốc 1: Sử dụng Cốt toái bổ, giã nhỏ, sao đen, và tán thành bột mịn, sau đó thoa vào lợi.
Bài thuốc 2: Kết hợp Cốt toái bổ 16g với Thục địa 16g, Sơn dược 12g, Sơn thù 12g, Bạch linh 12g, Đơn bì 12g, Trạch tả 12g, và Tế tân 2,4g. Sau đó, sắc uống mỗi ngày.
Bài thuốc chữa tiếp cốt liệu thương
Bài thuốc 1: Hỗn hợp gồm Cốt toái bổ, lá sen, trắc bách diệp, bồ kết, với liều lượng bằng nhau, được tán thành bột mịn. Cách dùng: Uống hai lần mỗi ngày, mỗi lần 12g, pha với nước; hoặc trộn với nước nóng để tạo thành hồ, sau đó đắp bên ngoài.
Bài thuốc 2: Thành phần gồm Cốt toái bổ 15g, Sinh địa 10g, lá sen tươi 10g, và Trắc bá diệp tươi 10g, sau đó sắc lấy nước để uống. Bài thuốc này có tác dụng chữa lành vết thương, bổ trợ làm lành gân cốt tổn thương, giúp giảm viêm răng, cũng như hỗ trợ điều trị ho và chảy máu.
Bài thuốc 3: Thành phần bao gồm Cốt toái bổ 12g, Đảng sâm 16g, Hoàng kỳ 12g, Hoài sơn 16g, Ba kích 16g, Bạch truật 12g, Đương quy 12g, Cẩu tích 12g, Tục đoạn 12g, Mẫu lệ 12g, và Thiên niên kiện 8g. Bài thuốc có thể được sắc uống hoặc nấu thành cao lỏng. Tác dụng của bài thuốc này là bổ khí huyết, củng cố gân xương, thích hợp dùng cho người già suy nhược cơ thể và trường hợp gãy xương lâu liền.
Bài thuốc chữa bệnh phong thấp
Cốt toái bổ là một trong các thành phần chữa bệnh phong thấp, và có thể kết hợp nhiều thảo dược khác để chữa xương khớp.
Chuẩn bị các vị thuốc như sau: 120g rễ gắm, 40g Cốt toái bổ, 100g Vỏ chân chim, 800g rễ Rung túc, 60g Bạch hoa xà, 600g rễ Chiên chiến, 40g Bạch đồng nữ, 40g Xích đồng nam, 40g Tiền hồ, 40g Ô dược, 40g Cỏ xước, và 40g rễ bưởi bung.
Sau đó, đem các vị thuốc đã chuẩn bị nấu thành cao đặc và ngâm với rượu trắng trong vòng 3 ngày. Duy trì việc uống 2 lần mỗi ngày sẽ giúp chữa bệnh phong thấp hiệu quả.
Bài thuốc chữa thận hư yếu và tai ù
Chuẩn bị: 1 cái bầu dục lợn và Cốt toái bổ đã được tán thành bột.
Thực hiện: Đưa các dược liệu vào bầu dục lớn, nướng chín và ăn trực tiếp.
Bài thuốc chữa đau lưng gối mỏi vì thận hư yếu
Chuẩn bị: Đỗ trọng, Bổ cốt toái và Tỳ giải mỗi vị 16g, Thỏ ty tử, Dây đau xương, Rễ gối hạc và Ngưu tất mỗi vị 12g, Cẩu tích 20g, Hoài sơn 20g.
Thực hiện: Sắc uống các vị thuốc trên và dùng đều đặn hàng ngày.
Lưu ý khi sử dụng cốt toái bổ
Tuy nhiên, khi sử dụng cây cốt toái bổ, cần lưu ý một số kiêng kỵ và những điều quan trọng. Không nên dùng cho người âm hư, huyết hư và không có thực nhiệt. Nên thận trọng khi dùng cho trường hợp thiếu máu kèm nội nhiệt và ứ máu. Đồng thời, cần tránh nhầm lẫn với các loại cây khác như Ráng bay (Drynaria quercifolia) và Tắc kè đá (Drynaria bonii Christ) khi thu hái nguyên liệu.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn về cốt toái bổ có tác dụng gì cũng như một số bài thuốc với cốt toái bổ để hỗ trợ làm mạnh gân xương. Tuy nhiên, việc sử dụng bài thuốc từ cốt toái bổ cần được cân nhắc để tránh lạm dụng và tác dụng phụ không mong muốn. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc sử dụng, nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH
- Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
- Điện thoại: 0869 111 269
- Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
- Website: DongYQuangMinh.vn