Đay Sợi – Hibiscus Cannabinus L

Đay Sợi - Hibiscus Cannabinus L

Đay sợi

Tên gọi khác: Đay, kê náp.

Tên khoa học: Hibiscus cannabinus L.

Họ: Bông (Malvaceae).

Công dụng: Lá đay sợi để nhuận tràng và tẩy, chữa thiểu năng mật, có thể nấu canh, thay rau, dùng ngoài đắp lên vết thương đau, bầm giập.

Đay Sợi - Hibiscus Cannabinus L

Mô tả

  • Cây thảo, sống hằng năm, mọc đứng, cao khoảng 2m hoặc hơn. Thân phình ở gốc, hơi có cạnh, gần như nhẵn.
  • Lá mọc so le, hình lưỡi mác chia nhiều thùy chân vịt, dài 4 – 7 cm, rộng 1 – 2 cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép hơi có răng cưa; cuống lá dài hơn lá, mềm và nhẵn; lá kèm hình chi.
  • Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm dài mang lá; hoa màu vàng, gốc màu đỏ tía; đài phụ gồm 8 phiến hẹp, rời nhau ở gốc, dài 1 cm; đài có lông màu trắng nhạt với những hàng sợi mảnh như gai, lá đài hình tam giác nhọn, dài gấp đôi đài phụ; tràng hình nêm dài khoảng 5 cm; nhị nhiều đính trên một cột; bầu có lông.
  • Quả hình tháp, có lông cứng dạng sợi, bao bọc bởi đài và đài phụ tồn tại, màu vàng, khi chín nứt làm 5 mảnh; hạt nhẵn, màu nâu nhạt, có những vảy nhỏ màu trắng nhạt.
  • Mùa hoa: tháng 8 – 9.

Phân bố, sinh thái

Đay sợi có nguồn gốc từ châu Phi, song không rõ đã được nhập trồng ở Việt Nam từ bao giờ, có thông tin rằng, cây cũng chỉ mới đưa vào từ thời Pháp thuộc. Cây được trồng nhiều tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam và Ninh Bình. Vào khoảng năm 1944 – 1945, khi người Nhật Bản đô hộ nước ta đã bắt nhân dân ở đồng bằng Bắc Bộ nhổ lúa để trồng đay, hậu quả đã gây nên nạn đói khủng khiếp vào thời gian này.

Đay sợi là loại cây đặc biệt ưa sáng, ưa ẩm và có mức độ sinh trưởng rất nhanh. Cây gieo trồng bằng hạt, chỉ sau 4 tháng có thể cao tới 3,5m và ra hoa quả nhiều. Hoa đay có tuyến mật nên cũng là nguồn thức ăn để nuôi ong mật. Ngược lại, ong mật cũng là tác nhân thụ phấn quan trọng của cây đay sợi.

Bộ phận dùng

Lá và hạt.

Thành phần hóa học

  • Hạt chứa dầu béo giống như dầu lạc, radium, thorium, robidium. Hạt chứa acid amin: lutidin arginin, tyrosin và lysine (CA, 1931, 25, 3376) và đã tìm thấy một flavonol khác là myricetin (The wealth of India (1959) vol 5, p.77).
  • Hoa chứa glucosid cannabistricin và flavonoid canabiscetin [Võ Văn Chỉ 1996, Từ điển Cây thuốc Việt Nam, tr. 611].
  • Người ta tìm thấy trong loài kê náp còn chứa lignin (5,95%), furfuraldehyd (11 – 30%), đường, pectin tanin, polysacharid.

Tác dụng dược lý

Tác dụng độc với cây trồng và độc với nấm:

  • Tinh dầu cây đay sợi đã xác định có 58 thành phần, trong đó hàm lượng nhiều gồm có (E) – phytol 28,16%; (Z) – phytol 8,02%; n – nonanal 5,70%; benzen – acetaldehyd 4,39%; (E) – 2 – hexenal 3,10%; và 5 – methyl – furfural 3,00%, có tác dụng độc trên cây rau diếp và cỏ mần trầu.

Tác dụng độc tế bào:

  • Đã nghiên cứu tác dụng kháng khuẩn và tác dụng độc tế bào của 6 lignan được phân lập từ cao chiết bằng aceton của lõi và vỏ cây đay sợi. Hai hợp chất (2 và 3) có tác dụng độc tế bào rất mạnh trên các dòng tế bào HeLa, Hep-2 và A-549 (theo thứ tự là dòng tế bào ung thư cổ tử cung người, dòng tế bào ung thư dạng biểu mô người và dòng tế bào ung thư phổi người); còn 5 chất có tác dụng mức độ vừa trên tế bào HeLa khi nghiên cứu các chất này trên kỳ phân chia của chu kỳ tế bào. Tất cả các ligan đều không biểu hiện tác dụng kháng vi sinh vật (Moyir Let al., 2007).

Tác dụng điều hòa miễn dịch:

  • Lá cây đay sợi đã được dùng từ lâu đời trong y học dân gian Ấn Độ và châu Phi để chữa các bệnh về máu, họng, mật, sốt và trong thời kỳ sinh đẻ.
  • Cao lá đay sợi có thể điều hoà được đáp ứng trung gian của đại thực bào và hoạt tính đó là nguyên nhân việc sử dụng trong điều trị (Lee Y.G. et al., 2007).

Tính vị, công năng

Lá đay sợi vị chua có công năng kiện vị, gây xổ tẩy. Hạt kích dục và làm béo.

Tài liệu Ấn Độ [Kirtikar và Basu, 1998, I: 327] ghi: hạt đay sợi vị cay, chua; có công năng làm ăn ngon, kiện vị, kích dục và làm béo; hạt làm thông mật, kiện vị…

Công dụng

Lá đay sợi để nhuận tràng và tẩy, chữa thiểu năng mật. Dùng lá tươi giã nát lấy dịch uống. Lá có thể nấu canh, thay rau. Hạt giã nát, dùng ngoài đắp lên vết thương đau, bầm giập. Hạt có nhiều chất béo, có thể ép dầu ăn hoặc chế xà phòng Vỏ thân để làm sợi, dệt bao tải, lưới đánh cá.

Ở Ấn Độ, lá đay sợi được dùng để tẩy, còn để chữa kiết lỵ, các bệnh về máu, về mật và đau họng [Kirtikar và Basu, 1998, I: 325]. Hoa để làm tăng tiết mật. Hạt dùng ngoài chữa đau và chấn. thương, đụng giập. Dùng trong để kiện vị, làm béo người, còn được coi là kích dục (Chopra “t al., 2001). Thường trồng trên các cánh đồng đi lấy sợi [Srivastava, 1989: 69]

Bài thuốc có đay sợi

Chữa thiểu năng mật, làm tăng tiết mật: Hoa cây đay sợi 20 – 30g hoặc lá tươi 30 g rửa sạch, giã nát, ép lấy dịch (rất chua), thêm đường và hồ tiêu vừa đủ rồi uống (Chopra et al., 2001).

Nguồn: Cuốn Danh Lục Cây Thuốc Việt Nam, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại:1900 636 891
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x