HỌC THUYẾT THỦY HỎA VÀ HAI BÀI THUỐC LỤC VỊ HOÀN, BÁT VỊ HOÀN

Hiểu biết học thuyết thủy hỏa

Khái niệm về thuỷ hoả

Mọi thứ trong trời đất dù là vô hình, hữu hình đều do sự vận động của trời đất mà có, hay nói cách khác là do có sự giao hợp lẫn nhau giữa khí trời và khí đất. Khí trời là dương, trong khí trời có cả ảnh hưởng của mặt trời. Đất là âm, trong khí đất có cả hơi nước ở đất. Khí trời, khí đất là khí vô hình; ánh lửa, hơi nước là khí hữu hình. Vì thế khi nói là khí âm dương là đã có sự trung hoà lẫn nhau giữa khí và chất. Khí là dương, chất là âm. Trong chất là âm có ánh lửa thuộc dương, hơi nước thuộc âm, trong khí dương có khí trời thuộc dương, khí đất thuộc âm. Đó là trong dương và âm đều có âm dương.

Trời đất hoá dục muôn vật đều phải do sự xâm nhập của khí âm dương trong bốn mùa, rồi mới có thể phát triển được công năng: sinh trưởng, thu, tàng; để làm chung thuỷ cho muôn vật. Vì vậy trời đất lấy 2 khí âm dương mà hoá sinh muôn vật. Thuỷ hoả là chỗ bình hiện rõ ra của âm dương, mà âm dương là tính hình của thuỷ hoả. Như vậy thông qua thuỷ hoả mới hiểu được âm dương và cũng thông qua âm dương mới hiểu được sự tương quan và tác động lẫn nhau giữa thuỷ và hoả.

a. Thuỷ – hoả trong thiên nhiên

Thuỷ là nước, chỗ nhiều nước nhất là biển; gốc của nước là mặn. Nước còn có nhiều dạng khác nhau, ở nhiều chỗ khác nhau: nước thể lỏng, hơi, mây, mù, sương, mưa, tuyết, nước trong đất, nước ở trong động vật và thực vật. Nước ở trong ko gian: sông, ngòi, suối…

Hoả là lửa, chỗ có nhiều lửa nhất là mặt trời. Lửa có nhiều dạng khác nhau, ở nhiều chỗ khác nhau: lửa mặt trời, lửa trong lò, trong lòng đất, trong sấm, chớp…

Thuỷ hoả luôn có hai mặt đối lập nhau về thể, tính, năng, dụng:

b. Sự giao hợp của thuỷ hoả

Mọi sự sống trên trái đất đều do sự giao nhau của thuỷ và hoả. Mặt trời chiếu xuống, hơi nước bốc lên, thì mới có mây mưa- mới có mọi sinh vật trên trái đất.

Ta thấy mọi sự sống đều phải nhờ có mặt trời, có nước. Nếu chỉ có mặt trời mà ko có nước thì tất cả sẽ bị đốt khô hoặc nếu chỉ có nước mà ko có mặt trời thì tất cả tối tăm lạnh lẽo thì làm gì có sự sống được. Cho nên mọi sự sống xuất hiện đều do ở sự giao tiếp lẫn nhau giữa thuỷ và hoả. Thuỷ hoả giao nhau gọi là thuỷ hoả ký tế, ký tế thì sinh ra vật. Ngược lại thuỷ hoả ko giao tiếp với nhau gọi là thuỷ hoả vị tế.

Ánh sáng mặt trời nuôi sống mọi vật gọi là ôn dưỡng, nước nuôi sống muôn vật gọi là nhu dưỡng. Ôn là ấm ko phải là nóng, nhu là mát chứ ko phải là ướt… làm có sự ôn, sự nhu là nhờ có thuỷ hoả giao nhau. Sự sống được bình thường là do ôn dưỡng và nhu dưỡng luôn luôn ở trong sự cân bằng tương đối.

c. Thuỷ hoả trong con người

Trong cơ thể con người, làm nền sự ôn dương gọi là dương khí, làm nền sự nhu dưỡng gọi là âm huyết. Dưỡng khí, âm huyết luôn luôn tồn tại và hỗ căn lẫn nhau, hai mà một, một mà hai. Đó là sự hiện hình của âm dương, cũng là thực thể của thuỷ hoả giao hợp với nhau trong nhân thể.

Thuỷ hoả tiên thiên là nguồn gốc sinh ra con người. Từ nam giới (dương) và nữ giới (âm), có giao hợp thì mới sinh được con cái. Âm dương có giao nhau thì thuỷ hoả mới tụ lại, bốn thứ ấy hợp lại là một thì gọi là giao khí, giao khí; là thứ khí có từ ban đầu gọi là nguyên khí, cũng gọi là bẩm khí tiên thiên… Từ khí có bẩm khí tiên thiên mới phát triển thành hình thể và thần khí của con người. Hình thể là âm từ thuỷ mà hoá thành, thần khí là dương mà sinh ra. Chính vì có âm dương; thuỷ hoả giao hoà lẫn nhau mà thể ôn của người ta là 370C. Mỗi khi âm, dương; thuỷ, hoả mất cân bằng thì thể ôn của người sẽ thay đổi và khi ko còn thể ôn nữa là chết.

Người ta vì có chân thuỷ, chân hoả trong bẩm khí tiên thiên nên trong cơ thể mới luôn luôn có sự ôn dưỡng và nhu dưỡng. Nhưng để thực hiện việc ôn dưỡng và nhu dưỡng khí với huyết chứ ko phải chân thuỷ, chân hoả. Chân thuỷ, chân hoả là cái gốc bẩm sinh từ tiên thiên mà do thận làm chủ. Khí huyết là cái ngọn; sinh ra từ hậu thiên do tâm can, tỳ phế là chủ về khí.

Có chân thuỷ, chân hoả mới có nguồn sinh ra khí huyết, có khí huyết thì chân thuỷ, chân hoả mới có công dụng hoá sinh và tồn tại. Cho nên khi nói đến khí là có sự liên hệ đến hoả đến dương; khi nói đến huyết là có sự liên hệ đến thuỷ đến âm. Hải Thượng Lãn Ông nói; “Toàn bộ nhan thể ko ra ngoài hai chữ âm dương tức là thuỷ với hoả, mà hai chữ thuỷ hoả tức là khí huyết”.

Nguồn gốc của học thuyết thuỷ hoả

Học thuyết thuỷ hoả hay là học thuyết tâm thận do Hải Thượng Lãn Ông, danh y nước ta thế kỷ XVIII dựa trên định lý đã xây dựng nên. Trên cơ sở đó Ông đưa ra phương pháp trị liệu “Giáng tâm hoả, ích thận thuỷ” làm phương châm điều hoà 2 quá trình “thuỷ hoả”, lập lại cân bằng âm dương, làm tiêu tán bệnh tật. Với phương châm đó Hải Thượng Lãn Ông đã sử dụng thành công 2 bài thuốc cổ phương: lục vị và bát vị để bổ thuỷ, bổ hoả; đồng thời ông là người đã sử dụng pháp biến phương tinh thông từ bài thuốc này để điều trị hơn 50 chứng và bệnh.

Ông nói: “Nhà y mà ko hiểu rõ chân tướng của tiên thiên thái cực, ko nghiên cứu tác dụng thần diệu của thuỷ hoả vô hình mà ko thể trọng dụng được những bài thuốc hay như lục vị, bát vị làm thuốc còn thiếu sót hơn một nửa”.

Lục vị hoàn, bát vị hoàn : hai bài thuốc chính điều trị thủy hỏa tiên thiên

BÁT VỊ HOÀN

– Công thức bài thuốc

  • Thục địa 8 lạng
  • Hoài sơn 4 lạng
  • Sơn thù 4 lạng
  • Đơn bì 3 lạng
  • Bạch linh 3 lạng
  • Trạch tả 3 lạng
  • Nhục quế 1 lạng
  • Phụ tử 1 lạng

Bào chế, viên với mật bằng hạt ngô đồng mỗi lần uống 60 – 70 viên lúc đói bụng, nấu nước muối làm thang mà uống, uống xong một lúc thì ăn thức ngon chận lên.

– Phân tích bài thuốc và ý nghĩa của bài thuốc

  • Thục địa bổ thận, điều tinh, sinh huyết, là thuốc thánh để bổ âm là đầu vị; Sơn thù vị chua vào can thận, chủ đóng kín mà tính chua liễm hợp với nó, Sơn thù làm ấm can, đuổi phong, cố tinh ích khí. Hai vị thục địa và sơn thù là chất nhu nhuận.
  • Bạch linh, Sơn dược vào để giúp tỳ vị, khiến cho từ chỗ đó mà sinh ra hóa nguyên, và làm cho hậu thiên phát triển mãi mãi ko cùng. Linh có thể vào tỳ, thấm được thấp nhiệt ở trong tỳ mà thông với thận, giao với tâm, tác dụng của nó đều chủ về thông lợi đỡ cho vị Sơn dược có tính trệ. Vả lại, sắc trắng thuộc kim, có thể bồi dưỡng bộ phận phế lại có ý nghĩa “con hư thì bổ mẹ”. Sơn dược vị ngọt vào tỳ mà bổ tỳ yên được kẻ thù của thủy cho nên dùng làm thần và lại thanh hư nhiệt ở phế lại hay cố tinh bổ thận. Đơn bì để trừ nhiệt nấp ở phần âm, còn tả được cả hỏa ẩn náu của quan tướng, lương huyết lui nhiệt. Đơn bì là hỏa ở phương nam giống đực không phải cái, thuộc dương, cho nên vào được thận, tả được âm hỏa, dẹp lui được chứng nóng âm ỉ trong xương, không có mồ hôi, Đơn bì vào can, tác dụng chủ yếu là tuyên thông để giúp Sơn thù là thuốc cố sáp. Trạch tả lợi tiểu tiện, để thanh tướng hỏa, thông cái trệ của Thục địa để dẫn các thuốc mau đến thận, có bổ có tả mà không thích công phạt. Trạch tả để tả hỏa tà, nước đọng của long lôi lại cùng phục linh thấm nhạt, chuyển vận các vị thuốc đi xuống. Trạch tả, Phục linh tính thấm tả chính là để cho mau khiến cho chóng thông xuống dưới, thận âm không giữ được bốc cháy lên trên. Dùng Trạch tả tính mạnh để đưa phần âm trong dương xuống. Trong bài bát vị, kiêm cả công lẫn bổ, đầy đủ cả âm dương, vì không có dương thì âm không thể sinh sôi nảy nở được, cho nên các vị Nhục quế, Phụ tử là loại thuốc cay nhuận, có thể bổ hỏa trong thủy, thủy hỏa được nuôi dưỡng thì thận khí trở nguyên chỗ. Phụ tử là thuốc của cả tam tiêu, cay nóng thuần dương lưu thông các kinh mạch, tính chạy mà không giữ lại, Nhục quế là thuốc kinh thiếu âm, tuyên thông huyết mạch, tính cũng bốc, hai vị ấy đều khó khống chế, cần được 6 vị kia là thứ thuần âm, vị hậu, nhuận hạ để khơi thông đưa đường rồi mới dẫn xuống thận, tự nhiên sẽ không ngại chấn động lên nữa.
  • Ý nghĩa của bài Bát vị: phương này chữa chứng tướng hỏa không đủ, hư gầy khí kém, cho nên Vương Băng cho rằng “Bổ ích nguồn chân hỏa để làm tiêu tan mây mù trong phần âm”, mạch xích nhược thì dùng rất thích hợp.

– Công dụng bài thuốc

  • Trị các chứng : mệnh môn hỏa suy, tướng hỏa không đủ không sinh được thổ, đến nỗi tỳ vị hư hàn, hư yếu, khí kém, không thiết ăn uống, đại tiện không rắn, rốn bụng quặn đau, đêm đi đái nhiều, hoặc mạch hư nhược, thổ yếu thủy thắng, thiếu hỏa hao kém; hoặc mạch rỗng ấn vào có lực, hoặc hỏa hư đờm thịnh, cùng với các chứng âm thịnh cách dương, trong thực hàn mà ngoài giả nhiệt, nên nói rằng bổ ích cho nguồn chân hỏa để tiêu tan mây mù trong phần âm là thế.

– Cách gia giảm bài Bát vị:

  • Thận hư ỉa chảy, kiết lỵ kéo dài gia Thăng ma, Phá cố chỉ, Ngũ vị; bội Linh, Trạch; khử Mẫu đơn.
  • Mạch bộ xích bên phải vi tế mà phần dương kém quá bội Quế Phụ.
  • Mạch bộ xích bên trái hồng sác mà phần âm quá thiếu thì bội Thục địa, hoặc chưng thành cao, hoặc nấu trước đi.
  • Mạch bộ quan bên trái vô lực, can khí không đủ bội Sơn thù
  • Mạch bộ quan bên phải vô lực, tỳ vị kém, bội Linh, Trạch; không có thấp trện thì giảm Linh
  • Vị hỏa nhiều quá sinh chứng phát vàng, sốt về chiều, miệng lở hay đói, khát nhiều, giảm Trạch tả, bội Đơn bì
  • Can hỏa thịnh nóng như nấu, ngọc hành đau, tiểu tiện ngắn xẻn, bội Thục địa, Đơn bì
  • Vị khí yếu, trung khí hư hàn, dễ trướng dễ tiết, khử Mẫu đơn, bội Linh, Trạch, Quế, Phụ.
  • Đàn bà kinh bế, huyết ít, có nhiệt, bội mẫu đơn, Thục địa; Hư hàn khử Đơn bì bội Phụ tử, Nhục quế
  • Táo khô có dương không âm, khử Trạch tả, bội Thục địa, gia Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất hay khát uống nhiều bội Linh, Trạch; không khát có nóng như nấu bội Đơn bì, khử Trạch tả, dùng Linh tẩm sữa
  • Cô dương bốc nổi lên, vì thận hư không thu nạp đóng kín lại được, gia Ngưu tất, Ngũ vị tử để giúp sức cho Sơn thù vị chua có tính thu liễm
  • Dương hư tinh tổn gia Lộc Nhung, Hà xa đều là vị thuộc tính huyết hữu tình, để giúp công năng bổ mạnh cho loài thảo mộc
  • Thận hư không thu nạp dược khí về nguyên chỗ là ra chứng hư trướng hư suyễn, nôn tức, khí nghịch lên, thượng tiêu phần nóng, bội Ngưu tất để giúp sức cho Linh, Trạch dẫn đi xuống, gia Ngũ vị để giúp sức cho thu liễm lại
  • Thận hư không bế tàng được, khí hư dưới dồn chạy ngươc lên mà thành chứng thần tả(đi ỉa lúc mờ sáng), gia Bổ cốt chỉ, Thỏ ty để bổ phần dương của tỳ thận, có tác dụng cho cả tiên thiên và hậu thiên
  • Âm dương đều hư, nóng rét qua lại, giống sốt rét mà không phải sốt rét thì gia Sài hồ, lạnh nhiều thì bội Quế phụ, nóng nhiều thì bội Đơn bì, khát thì gia Mạch môn, Ngũ vị. Bệnh mới mắc lúc đó nguyên khí chưa suy thì tạm gia Hy thiêm để khu tà, tà lui rồi thì bổ ngay là tốt, nóng rét thì âm dương đều hư cả, không nên để lâu, vì đuổi tà cũng là giúp chính khí.
  • Vừa mửa vừa ỉa, âm dương kiệt quệ, mửa nhiều có phù nhiệt bốc lên thì bội Đơn bì, gia Ngũ vị để thu lại, tả nhiều thì bội Linh, Trạch để thấm đi, lại bội Ngũ vị, Cố chỉ để thu lại, đóng lại, gia Mạch môn (sao gạo), Ngũ vị (sao mật). Vong âm, trung tiện luôn (khí là dương, dưới không có âm đóng kín mà thoát ra, cho nên vong dương, cũng gọi là vong âm) gia Thăng ma để đưa lên, Cố chỉ để đóng kín lại.
  • Chứng hư bĩ giả đầy trướng, giả tích khối, khử Mẫu đơn, bội quế phụ, gia Ngưu tất, Ngũ vị.
  • Chứng hư lâu ngày, đau bụng liên miên gia Ngô thù ,Tiểu hồi
  • Thận hư đau sán khí gia Xuyên luyện Quất hạch, Ngô thù, Hoàng bá sao đen, khử Phụ tử.
  • Đờm dãi vít lấp, thủy hư thì khử Phụ, hỏa hư thì Thục địa sao khô mà dùng
  • Các chứng phát sốt của trẻ em khử Quế Phụ, gia Mạch môn Ngũ vị, có nóng rét gia Sài hồ Bạch Thược, kinh giật gia Quy Thược, Tần giao, Câu đằng. Hư trướng thì dùng Quế chút ít. Các chứng trẻ em hư hàn khử Phụ; quyết lạnh dương thoát lại nên dùng Phụ; nếu hỏa hư kém cả âm huyết hư thì nên dùng Quế khử Phụ
  • Trẻ em nhiệt uất đau bụng đi ỉa như rót khử Quế Phụ, giảm Thục địa sao khô bội Trạch tả, gia Thăng ma, khát nhiều gia Mạch Môn, Ngũ vị
  • Trẻ em hư nhiệt phát ban khử Quế Phụ, bội Đơn bì, gia Quy Thược
  • Đàn bà huyết khô kinh bế người gầy đen, tóc ngắn, tính nóng nẩy, hay đau bụng trước khi hành kinh, khát uống nước luôn, đau lưng, sốt về chiều hầm hập, khử Phụ giảm bớt lượng Quế, Trạch; bội Sơn thù, gia Quy Thược, Đỗ trọng sao rượu
  • Đàn bà có chứng Bạch đới thì khử Phụ, bội Trạch tả, có đau mà trệ xuống gia Thăng ma, không thì gia Phá cố chỉ.
  • Đó là cách dùng tá sứ thỏa đáng thì có thể hợp chung thành một tễ để giúp thêm thành công.

– Phép dùng thang tống Bát vị hoàn

  • Dùng nước muối nhạt làm thang tống, là vì muối nhuận xuống, làm mềm chất rắn, có hư hỏa thì dẫn xuống
  • Dùng nước lã đun sôi làm thang tống là vì nó không nhanh không chậm không nóng không ráo
  • Dùng nước cơm sôi làm thang tống là vì nó là chân vị điềm đạm của tỳ, rất chóng sinh ra tinh, có ý nhân bổ thận mà bổ tới cả tỳ
  • Dùng rượu nóng làm thang vì nó dẫn sức thuốc đi rất nhanh, mùa đông có thể ngăn được hàn tà từ bên ngoài
  • Dùng bài Bổ trung làm thang tất vì có chứng nguyên khí hãm xuống, đã muốn bổ nguồn gốc lại sợ thuốc chạy xuống thái quá, trên hư dưới thực, nên phải đưa trung khí lên, để cho nguyên khí ở tam tiêu còn mãi
  • Dùng bài Lý trung làm thang, tất vì tỳ vị trầm hàn nên trước phải điều lý trung châu rồi mới thông xuống được.
  • Dùng bài Sinh mạch làm thang là vì kim sinh thủy làm cho mẹ con nuôi nhau, khí của phế dồn xuống thận làm vệ khí lại dẫn được xuống hai tạng kim và thủy để sinh âm
  • Dùng bài Quy tỳ làm thang là muốn cho tiên thiên thủy hỏa, hậu thiên khí huyết đều được tự nhuận
  • Dùng Nhân sâm Trần mễ làm thang là để cho dẫn xuống tỳ thận mà sinh dương khí
  • Cách dùng thang tống như đã kể trên để chiêu thuốc hoàn đều là vì bệnh cấp không thể để dây dưa, tiêu bản đều phải chiếu cố tới cả, cho nên phải mượn khí mạnh của thuốc sắc để làm công trước mở đường, vận tống thuốc hay của thủy hỏa nạp xuống đan điền, để giữ cho nguyên dương được vững chắc mãi, công dụng của thuốc sắc vừa đi qua thì tính của thuốc hoàn lại nảy sinh tác dụng, từ căn bản cho đến tam tiêu, cứ còn mãi mãi khí dương hòa ý nghĩa rất sâu xa.

– Sự cấm kỵ của bài Bát vị

  • Hoặc có người dùng Hà thủ ô làm đầu vị trong bài này thì một bài thuốc hai đầu vị biết theo bên nào?
  • Hoặc có khi phối hợp với Sâm kỳ thì thuốc bổ thận chạy vào âm kinh, thuốc bổ khí chạy về dương phận mà hai bên giằng giữ nhau ko yên được chỗ, lại quấy rối, khích động hư dương bốc lên không gì dẫn về kinh được
  • Hoặc có người dùng Táo, Quy, Truật để kiêm chữa cả tâm tỳ. Nào có biết rằng Thục địa bổ tinh huyết càng phải nhờ Sơn thù vị chua, chát để giữ vững lại. Còn như Quy cay mà chạy vào phần dinh là thuốc của phần huyết mà không phải là thuốc của phần tinh, chua thì thu, cay thì tán rất khác nhau xa, huyết với âm tinh đều nên phân biết cho rõ. Vả lại trong bài lục vị, bát vị đều có đủ cả âm dương khiến cho thủy hỏa hun nấu gây thành tinh huyết. Bạch truật có công năng làm cho khô cho ráo, chạy riêng vào tỳ vị, gia vào đó thì lại làm cho hao kém mất sức hun nấu, chân âm còn nhờ vào đâu mà sinh ra được. Còn như Táo nhân là thuốc phần khí của thượng tiêu tâm tỳ, không phải là thuốc thích hợp với tinh huyết ở thận
  • Hoặc thêm vị như Câu kỷ, Phúc bồn, Liên nhục….có sức chậm chạp, nếu thêm một vị càng hãm lại một phần, khó kiến hiệu nhanh.
  • Hoặc thêm vị Tiên mao tuy có sức mạnh, nhưng bẩm tính không giống nhau thì ở cùng đội ngũ sao được, mỗi bên đều cậy có sức mình, làm rối loạn phép thường.
  • Hoặc gia Bào khương, Chích thảo là thứ thuốc chữa trung tiêu, không thể xuống dưới được. Vả lại Thục địa khí nhuận ngọt ấm, là thuốc nhuần bổ chân âm, bỏ lẫn vào thuốc cay nóng, ấm trung tiêu thì chẳng những mất hết tính nhu nhuận, mà vị Thục địa cũng không còn chút sức nào nữa. Cho nên bài Địa hoàng hoàn xưa nay ko ai gia thêm Khung, Quy, Khương, Thảo là vì thế.

BÀI LỤC VỊ

– Thành phần

  • Thục địa 8 lạng; Sơn thù 4  Sơn dược 4
  • Mẫu đơn bì 3; Trạch tả 3;   Phục linh 3
  • Các vị tán nhỏ trộn với Thục địa cho mật ong vào viên bằng hạt ngô đồng mỗi lần uống 70-80viên, với nước muối nhạt, nên uống khi đói lòng, uống xong ăn thức ăn nhẹ để chận lên làm cho thuốc không ở mãi trong dạ dày mà đi thẳng xuống hạ tiêu để tả khí xung nghịch

– Phân tích BT

  • Thục địa: Tư âm trấn tinh là quân
  • Sơn thù: Dưỡng can nhiếp tinh; Sơn dược: Kiện tỳ cố tinh, hai vị là thần
  • Trạch tả: Thanh tả thận hỏa
  • Đan bì: Thanh tả can hỏa
  • Phục linh: Đạm thẩm lợi thấp. Ba vị này là tá và sứ
  • Ba vị đầu có tác dụng bổ, ba vị sau có tác dụng tả. Bài thuốc vừa bổ âm, giáng hỏa chữa chứng âm hư sinh nội nhiệt

– Tác dụng

  • Chữa chứng can thận bất túc, chân âm suy tổn,tinh khô huyết kém. Lưng đau chân nhức, di tinh ỉa ra máu, tiêu khát, lâm lịch bí đái, khí bị vít lấp, đờm dãi, mắt mờ, mắt hoa, tai ù, tai điếc, khô cổ, đau họng với các chứng thận hư phát sốt, đổ mồ hôi, đổ mồ hôi trộm, ỉa ra máu, mất máu, thủy tà dồn lên thành đờm (bệnh lâu ngày, âm hỏa bốc lên, tân dịch sinh đờm mà không sinh huyết nên làm mạnh chân thủy để chế bớt tướng hỏa thì đờm tự nhiên tiêu), thủy hư huyết hư phát sốt , ho hen khát nước (thận hư thì đưa nhiệt lên phổi mà sinh ho hen, ấn mạnh đến xương thì nóng bỏng tay) hoặc thận âm suy tân dịch không giáng xuống được, hư hỏng vẩn đục mà thành đờm, hoặc đến nỗi ho xốc hoặc đầu choáng váng (dâm dục quá độ thận khí không thể trở về nguyên chỗ đó là khí hư mà đầu choáng váng, thổ huyết, băng huyết, rong huyết, can không giữ được huyết đến nỗi huyết chạy càn bậy, đó là chứng huyết hư mà đầu choáng váng).
  • Lại chữa chứng tiểu tiện không rốn được, thận hư sinh khát, mất tiếng, răng không chắc, đau răng vì hư hỏa, buồn phiền vật vã vì huyết hư, lưỡi khô đau, gót chân đau, các chứng ghẻ lở ở hạ bộ, các chứng hư thũng ở đầu mắt, phàm các bệnh sốt ở trẻ em mà theo loại chứng dương đều chữa được rất tài, nên bảo rằng” làm mạnh chủ thủy để chế bớt dương quang” là thế

– Công năng bài Luc vị

  • Bài Lục vị chuyên bổ thận thủy, bài bát vị đã bổ thận thủy lại bổ cả tướng hỏa, người trẻ thủy suy hỏa vượng nên dùng Lục vị, người già thủy hỏa đều suy kém nên dùng Bát vị. Huống chi tuổi già, chân thủy ở thận đã hư, tà hỏa nhân đó lấn vào mà làm hư nhiệt, tiêu khát, tiểu tiện không rốn được lên lịch bí đái, không có Quế phụ để ôn tán liệu có được không. Người ta sợ nóng nhưng không biết thứ hỏa bổ ấy là nguyên khí chân dương. Nguyên khí của chân dương khi đã hồi phục được thì hư hỏa tà âm ế phải tiêu trừ đi, thật là thuốc thánh để chữa chứng thủy tràn lên thành đờm, phương thần để chữa chứng huyết hư phát nóng, duy tư dưỡng phần âm mà hỏa tự nhiên xuống, chứ bất tất phải giáng hỏa. Như vị thục địa tính ấm, đơn bì tính mát, Sơn dược tính săn chắc, Bạch linh tính thẩm thấu, Sơn thù tính thu, Trạch tả tính tả bài thuốc đã bổ thận lại kiêm cả bổ tỳ. Sách   “ Bổ ích tỳ vị để bồi bổ cho mẹ của vạn vật: thu tinh khí bị hư hao lại, nuôi khí tư dưỡng thận, chế hỏa lợi thủy, khiến cho bộ máy thông lợi mà tỳ thổ khỏe chắc, thật là có bổ có tả để thành công bình bổ, rõ là phương thuốc hay xưa nay không thay được”

– Ý nghĩa BT

  • Đó là phương thuốc thuần âm, vị trọng mà nhuận hạ. Thuần âm là khí của thận, vị trong là chất của thận, nhuận hạ là tính của thận, không dùng bài này thì không thể khiến cho thủy về đúng nguyên chỗ của nó. Trong đó chỉ có thục địa là đầu vị của tạng này còn 5 vị kia dùng để giúp sức. Sơn dược là thuốc âm kim. Quẻ cấn biến trong quẻ khảm, rắn đọng mà sinh kim cho nên vào thủ thái âm làm vinh nhuận da dẻ, thủy phát từ nguồn cao cho nên khơi thủy phải khơi từ núi, vị sơn dược làm cho thái âm thổ bền chắc để làm nguồn của thận thủy, thủy thổ hợp thành mộc khí thẳng xuống dưới rốn, như vậy Sơn thù là thuốc âm mộc, can thận đều ở dưới mượn chất chua chat để thu liễm sự an tràn, thủy hỏa lên xuống tất phải do kim mộc làm đường lối cho nên cùng với sơn dược làm chủ đi xuống bên tả bên hữu để giữ khởi thấm ra, 2 vị ấy không tách rời nhau
  • Đơn bì là thuốc của Thủ túc quyết âm, thiếu âm đưa được tâm hỏa xuống bàng quang, thủy hỏa sánh đôi, tả tâm bổ thận; lại có thêm vị phục linh thẩm thấp để đưa dương xuống, Trạch tả mặn tiết để đưa âm xuống, nào khơi nào tháo, làm cho nước không chỗ nào không chảy vào bể. Ấy là ý nghĩa mầu nhiệm về chế phương này. Một thuyết nói: “ Trạch Tả tả thủy ở bàng quang mà tai mắt được sáng suốt, sáu kinh đều chữa cả mà chuyên chú công dụng về can thận, không thiên lệch về hàn táo mà bổ được âm, thêm được huyết”. Nếu uống được luôn thì công hiệu khó mà kể cho hết – làm tai tỏ, sáng mắt, ý nói thấm lợi được thấp nhiệt ở hạ tiêu, thấp nhiệt đã hết thì khí trong trẻo đưa dược lên trên cho nên nuôi được 5 tạng, mạnh được âm khí, bổ hư tổn khỏi choáng váng đầu có công năng làm cho tỏ tai sáng mắt, vì vậy cổ phương thường dùng. Người đời nay thường hay ngờ bài này làm cho lòa mắt. Vì uống sai liều lượng, thận thủy lợi quá mà lòa mắt, nếu theo cổ phương phối hợp nhiều ít rất đúng, không thể thêm bớt được.

– Gia giảm bài lục vị

  • Thận khí hoàn là bài thuốc bổ thủy vì cho rằng thục địa là thuốc đại bổ tinh huyết nhưng không biết một khi tinh huyết đủ thì chân dương tự nhiên sinh ra, huống chi những vị sơn dược, sơn thù đều làm cố sáp được tinh giữ dược khí; khí là hỏa, hỏa ở trong thủy là chân dương. Bài thuốc này không lạnh không ráo, tính rất bình đạm, rất hay lạ, có gia giảm cũng chỉ nên trong số vài ba bốn vị mà thôi. Ngày nay người ta cứ hay tìm trong bản xem có vị nào bổ thì tùy tiện thêm vào [ không biết rằng] vị đó có bổ nhưng không có tả,[ số lượng] vị khách nhiều hơn vị chủ, thành ra sức thuốc không tập trung, làm cho công dụng bài lục vị bị giảm sút,[ có khi đến mức] không có tác dụng gì nữa. Dùng bài này người đời thường phạm 4 lỗi; không phải là thứ thục của đất hoài khánh thì sức thuốc kém, không được 9 lần chưng, 9 lần phơi thì không chín; ngờ tính nê trệ của thục mà giảm lượng đi làm vị đứng đầu bị kém yếu, cho trach tả chỉ có tính tả mà giảm đi làm cho chức năng của vị “sứ” kém đi.
  • Hình thể gầy đen khô khốc thì bội Thục địa, khử Trạch tả, nếu tiểu tiện không thông lợi thì gia Mạch môn, Ngũ vị, nhất thiết cần dùng Trạch tả. Đấy không phải là thủy không lợi mà thực là tinh tự hao kiệt.
  • Có chứng sốt âm (sốt về chiều hoặc về đêm hoặc cả ngày đêm nóng hầm hập luôn) thì bội Đơn bì; can hỏa thịnh quá gia Bạch thược (dùng sống), nếu thấy hỏa cháy bốc dữ dội thì gia Tri bá (dùng nước tiểu trẻ em tẩm sao khô); nếu can khí thịnh, can huyết hư, tính nóng vội hay cáu gắt thì giảm Sơn thù, bội đơn bì, gia Bạch thược, Sài hồ
  • Tỳ hư kém ăn thì bội Bạch linh, Sơn dược khử Đơn bì
  • Huyết hư âm suy bội Thục địa, Sơn thù, gia Lộc nhung
  • Thận hư đau lưng mỏi gối thì gia Đỗ trọng, Ngưa tất
  • Tinh họat, nhức đầu chóng mặt, tối mắt thì bội thục địa, sơn thù, tinh hoạt quá thì gia phá cố chỉ
  • Tiểu tiện hoặc nhiều hoặc ít, hoặc đỏ hoặc trắng thì bội Phục linh, nếu tiểu tiện nhỏ giọt thì bội Phục linh, Trạch tả kèm  thấp nhiệt thì gia chi tử, mộc thông,tiểu tiện đi luôn thì khử Trạch tả gia Ích chí( sao muối 3 lạng) cay nóng để sáp tinh giữ vững khí
  • Tâm hỏa thịnh và có ứ nhiệt bội đơn bì, gia Mộc thông
  • Tỳ vị hư yếu, da dẻ khô sáp bội Sơn dược
  • Đàn bà huyết khô kinh bế, gia Quy, Thược, Nhục quế. Tiểu tiện hoặc đỏ hoặc trắng nhiều , ít bội Phục linh
  • Các chứng huyết thuộc đại hư của đàn bà cũng nên dùng bài này. Có hư nhiệt thì bội Đơn bì, khô kiệt khử Trạch tả, bội Thục địa, ăn ít thì khử Mẫu đơn bì hàn trệ thì gia Quan quế, đau nhói thì gia Thanh bì, Nhục quế, sữa không thông thì bội Thục địa gia Mộc thông, khử Trạch tả( Trạch tả đã thấm lợi lại tổn thương phần âm mà sữa tức là huyết)
  • Các chứng sốt ở trẻ em, bệnh mới mắc hay hư đã lâu, không bệnh nào là không dùng được, thực là thánh dược đối với nhi khoa, nếu hoặc nóng quá thì bội Đơn bì, nóng cực độ thì gia Tri bá, nóng và khát thì gia Mạch môn, Ngũ vị, bội Thục địa
  • Bụng hư trướng thì Thục địa sao khô, bội Linh, Trạch, gia Ngũ vị
  • Nóng mà mửa thì gia Ngũ vị, Ngưu tất
  • Tỳ hư đi tả và kiết lỵ kéo dài thì gia Thỏ ty, phá cố
  • Ỉa mửa do nhiệt gia Ngũ vị
  • Nóng rét gia Sài hồ, Bạch thược
  • Động kinh phát sốt gia Long đởm thảo, Tần giao, Sài hồ, Bạch thược, Mộc hương
  • Can nhiệt bội Đơn, Thục
  • Đau bụng đi lỏng bội Linh, Trạch, bị lâu ngày gia Phá cố chỉ
  • Cam mắt gia Sài hồ, Bạch thược, Bạch tật lê, Cúc hoa
  • Cam nhiệt bụng to, bắp thịt róc thì Thục địa sao khô, bội Phục linh, Trạch tả, gia Xa tiền, Ngưu tất
  • Nóng biến chứng gia Thăng ma
  • Các chứng tiên thiên bất túc như chậm biết đi, chậm mọc răng, chậm mọc tóc, chậm biết nói, thóp hở, nghẽo cổ, gù lưng, dô ngực đều nên gia Lộc nhung, Lộc giác giao, nặng lắm thì gia Tử Hà sa

– Cách dùng thang tống ( giống bài bát vị)

  • Dùng nước muối nhạt làm thang tống là vì muối nhuận xuống làm mềm chất rắn, có hư hỏa thì dẫn xuống
  • Dùng nước cơm sôi làm thang tống vì nó là chân vị điềm đạm của tỳ, rất chóng sinh ra tinh, có ý nhân bổ thận mà bổ tới cả tỳ
  • Dùng nước lã đun sôi làm thang tống vì nó không nhanh không chậm, không nóng không ráo
  • Dùng rượu nóng làm thang vì nó dẫn sức thuốc đi rất nhanh, mùa đông có thể ngăn được hàn tà từ bên ngoài
  • Dùng bài Bổ trung làm thang tất vì có chứng nguyên khí hãm xuống, đã muốn bổ nguồn gốc lại sợ thuốc chạy xuống thái quá, trên hư dưới thực nên phải đưa trung khí lên để nguyên khí ở tam tiêu còn mãi
  • Dùng bài Lý trung làm thang tất vì tỳ vị trầm hàn nên trước phải điều lý trung châu rồi mới thông xuống được
  • Dùng bài Sinh mạch làm thang là vì kim sinh thủy làm cho mẹ con nuôi nhau, khí của phế dồn xuống thận mà làm vệ khí lại dẫn được xuống 2 tạng kim và thủy để sinh âm
  • Dùng bài Quy tỳ làm thang là muốn cho tiên thiên thủy hỏa, hậu thiên khí huyết đều được tư nhuận
  • Dùng Nhân sâm trần mễ làm thang để cho dẫn xuống tỳ thận mà sinh dương khí.

– 8 Sự cấm kỵ của bài Lục vị

  • Phàm hỏa hư, tỳ vị yếu dễ đi ỉa chảy thì không nên dùng nhiều.
  • Người chân âm thịnh, béo trắng, thấy có chứng sốt nóng đấy là thổ hư không thể tàng được dương thì cấm dùng.
  • Chứng vong dương tuy thấy nóng dữ, ấy là hỏa bốc ra ngoài, nguyên khí thoát thì cấm dùng.
  • Đờm ở tỳ phế bít lấp, hoặc đến nỗi phát suyễn nghịch thì cấm dùng.
  • Vì thủy thịnh mà phát thũng trướng, tuy có Linh, Tả cũng cấm dùng.

Nguồn: TRƯỜNG TRUNG CẤP Y- DƯỢC LÊ HỮU TRÁC

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x