Hồng hoa – Carthamus tinctorius, Asteraceae
Tên khác: Hồng lam hoa
Tên khoa học: Carthamus tinctorius L. Asteraceae (Họ Cúc).
Mô tả cây: Cây thảo sống hàng năm, cao cỡ 1m. Thân đứng, nhẵn, có vạch dọc, phân cành ở ngọn. Lá mọc so le, gần như không cuống, gốc lá tròn ôm lấy thân, mũi lá nhọn sắc, mép lá có nhiều răng cưa nhọn trông rất đặc sắc. Cụm hoa đầu ở ngọn thân, bao chung gồm nhiều vòng lá bắc (tổng bao lá bắc) có hình dạng và kích thước khác nhau. Khi chưa nở, cụm hoa đầu có màu trắng xanh. Hoa nhỏ, khi mới nở có màu vàng rồi chuyển dần sang màu đỏ cam.
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Hoa (Flos Carthami). Dược liệu có màu đỏ, mềm, mùi thơm, vị hơi đắng. Đem ngâm nước thì nước sẽ nhuộm màu vàng tươi (carthamin), ngâm kiềm thì dịch kiềm sẽ có màu đỏ (carthamon).
Thu hái hoa khi hoa đang nở, cánh hoa chuyển từ vàng sang đỏ. Phơi nắng nhẹ cho khô dần. Hạt và dầu ép từ hạt cũng được sử dụng.
Thành phần hóa học: Hoa chứa flavonoid nhóm quinochalcon: carthamin (sắc tố vàng), carthamon (sắc tố đỏ), iso-carthamin, và các flavonoid khác như luteolin, dẫn chất của quercetin,..
– Tinh dầu (caryophyllen, p-allyltoluen, 1-acetoxytetralin và heneicosan)
– Ngoài ra, hoa còn chứa alkaloid là dẫn chất của serotonin.
– Hạt chứa 20-30% dầu, giàu acid béo α-linoleic.
Công dụng: Hồng hoa có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, tán ứ, giảm đau.
– Hồng hoa dùng làm thuốc an thần, điều kinh, chữa kinh nguyệt không đều, chữa bế kinh, đau bụng kinh.
– Hồng hoa và các chất màu chiết từ Hồng hoa còn dùng để nhuộm màu thực phẩm, nhuộm màu tơ lụa.
– Dầu hạt dùng chữa thấp khớp, chữa vết loét. Hạt dùng chữa thấp khớp, dùng để xổ. Nhiều quốc gia như Ấn độ, Mexico, Mỹ, Úc, Tây ban nha sử dụng làm dầu thực vật.
Ghi chú:Phụ nữ có thai không được dùng (có thể gây sảy thai).
Theo Khoa Dược – Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH
- Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
- Điện thoại: 1900 636 891
- Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
- Website: DongYQuangMinh.vn