Khoai nưa hay còn gọi là Khoai na, Củ nưa,… thuộc họ Ráy (Araceae) có danh pháp khoa học là Amorphophalus konjac K. Koch. Ngoài được dùng làm thực phẩm, Khoai nưa còn có công dụng chữa liệt nửa người hay sốt rét với các triệu chứng ăn không tiêu, đờm trệ,…
Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của Y Học Cổ Truyền, song việc dùng Khoai nưa sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Khoai nưa cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Đông Y Quang Minh tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung về Khoai nưa
- Tên gọi khác: Củ nưa, Khoai na, Quỉ cậu…
- Tên khoa học: Amorphophallus konjac K. Koch. Hoặc Amorphophallus rivieri Dur.
- Họ: Ráy (Araceae).
- Bộ phận dùng làm thuốc: Thân củ (Củ khoai nưa).
Mô tả cây Khoai nưa
Cây sống lâu năm, cao 50-70 cm. Có thân củ to hình cầu dẹt, đường kính có thể lên tới 25cm. Củ có mặt phía dưới lồi ra có nhiều u tròn, mang rễ con, còn mặt trên thì lõm xuống. Vỏ ngoài màu nâu, thịt màu vàng nhạt, ăn hơi ngứa.
Lá mọc thẳng từ thân củ, sau khi ra hoa, thường chỉ có 1 lá. Từng lá được phân ra làm ba nhánh nhỏ, các nhánh này lại tiếp tục phân thêm các đốt khác. Phiến lá đơn, màu xanh lục nâu, có đốm trắng, thường xẻ sâu thành thùy hình lông chim. Cuống dài và mập còn gọi là Dọc nưa.
Cụm hoa mang trên cuống dài, mọc thẳng đứng, cao 30-40 cm. Có 1 mo kích thước lớn, mép lượn, màu đỏ tía phía trong, màu xanh phía ngoài. Bao lấy bông mo này là trục dài gấp đôi mo, mang phần hoa cái ở dưới, hoặc đực ở trên. Hoa không có bao, hoa đực có nhị rời, hoa cái có bầu hình trứng, mùi hơi khó chịu.
Quả của cây là dạng quả mọng.
Đặc điểm sinh trưởng, thu hoạch
Đặc điểm sinh trưởng:
- Ở vùng nhiệt đới, châu Á, châu Phi, Khoai nưa được tìm thấy ở nhiều nơi. Loài thực vật này xuất hiện ở một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc…
- Ở Việt Nam có khoảng 25 loài, phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi như vùng Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang… trồng từ lâu đời. Đặc biệt, loài này xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Trung bởi đây là một nguyên liệu bổ dưỡng trong ẩm thực nơi đây.
- Cây ưa ẩm, chịu bóng, chịu hạn rất tốt nên thường mọc ở những nơi khô ráo, dưới các tán cây rừng.
- Đất xốp nhiều mùn, pH đất hơi kiềm.
- Hàng năm, cây đều ra hoa quả đều đặn. Hạt chính là phương thức tái sinh chủ yếu của loài. Sau khi hạt được gieo thì sau 2-3 năm mới có hoa.
Thu hoạch:
- Tốt nhất là nên thu hoạch sớm khi chưa già. Bởi vì lúc này, khoai thường bở và ít ngứa hơn. Nếu để quá vụ mới bới thì sượng, không bở mà ngứa còn để sang năm thì ngứa nhiều không ăn được.
- Cuối hạ đầu thu là khoảng thời gian thích hợp cho mùa hoa nở.
- Thu hoạch vào tháng 9-10.
Bào chế và bảo quản
Bào chế: Tùy theo nhu cầu sử dụng mà bào chế khác nhau:
- Sử dụng trực tiếp: Sau khi gọt vỏ thì ngâm vào nước vo gạo khoảng 12 tiếng. Rồi nấu thêm 1 tiếng với chút muối.
- Làm dược liệu: Sau khi thái mỏng củ thì ngâm qua đêm với nước vo gạo, tiếp theo ngâm thêm một đêm nữa với phèn chua. Lấy dược liệu phơi khô, nấu chung với gừng trong vòng 3 giờ (tỉ lệ 1kg khoai: 100g gừng), như vậy mới hết ngứa.
- Trường hợp thu hoạch trễ, củ già hoặc quá to thì phải kiềm hóa thêm bằng cách xử lý với vôi và tro. Chia nhỏ củ thành miếng nhỏ, ngâm một đêm với nước phèn rồi nấu trong 1 giờ với vôi mới dùng được.
Bảo quản: Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Thành phần hóa học
Theo các tài liệu, thành phần Khoai nưa bao gồm:
- 100g củ khô có tinh bột 75,16g, lipid 0,98, protein 12,5g, dẫn xuất không protein 3,27, tro 4,42, cellulose 3,67… Trong đó, tỷ lệ tinh bột nhiều gấp đôi Khoai sọ.
- Đặc biệt thành phần gây ngứa của cây là tinh bôt với tên gọi là Konjac Glucomannan với hàm lượng dồi dào.
Tác dụng của Khoai nưa
Tác dụng Y học hiện đại
Các nghiên cứu đã chỉ ra được những tác dụng tuyệt vời từ Khoai nưa như:
- Kháng khuẩn: Một số loại vi khuẩn như B typhi, Bacillus diphtheriae…
- Chống viêm: Ức chế phù bàn chân chuột nhắt trắng do albumin gây nên,
- Chống oxy hóa: Dược liệu có khả năng tiêu trừ các gốc tự do, kích hoạt chất glutathione. Ngoài ra, còn có thể phá hủy các gốc tự do bên ngoài cơ thể và bảo vệ các tổn hại đến gen.
- Giảm đường huyết: Konjac Glucomannan có chứa chất xơ không bị hệ thống tiêu hóa hấp thu đồng thời không có calo và tạo cảm giác no bụng. Chính vì vậy đã làm giảm sự hấp thu đường glucose.
- Hỗ trợ rối loạn lipid máu: Giảm nồng độ của cả Cholesterol và Glyceride.
- Bảo vệ niêm mạc ruột: Làm tăng số lông tơ, tăng độ dày niêm mạc ruột nhờ đó mà làm tăng tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Tác dụng Y học cổ truyền
- Tính vị: Vị cay, tính ấm, hơi ngứa.
- Công dụng: Thông kinh lạc, ấm tỳ vị, tăng cường tiêu hóa, tiêu sưng viêm, giảm nôn mửa, trừ đờm, sát trùng…
- Chủ trị: Trị các chứng đau nhức, ho có đờm, bụng đầy, ăn uống không tiêu, liệt nửa người, mụn nhọt…
Cách sử dụng Khoai nưa
Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Có thể sử dụng Khoai nưa tươi ăn trực tiếp hoặc dưới dạng thuốc sắc, thuốc đắp ngoài da…
- Nhân dân thường đào củ ăn khi đói, nấu canh, hoặc muối dưa.
- Khoai nưa cho bột khoai làm nguyên liệu nấu ăn, lương thực để dùng. Bột nưa trắng mịn giống như bột sắn nhưng tỉ lệ tinh bột cao hơn. Lấy bột này dùng làm bánh, nấu chè, làm miến hoặc sử dụng trong công nghiệp vải, lụa.
- Dọc nưa cũng ăn được. Sau khi thu hoạch về, tước bỏ vỏ, thái khúc, ngâm nước vo gạo cho hết ngứa rồi nấu canh, hoặc muối dưa.
- Nước tươi được giã nát từ củ có thể giảm sưng tấy của mụn nhọt, nhanh lành da.
- Ngoài ra, còn để lấy củ cho gia súc ăn.
Liều dùng:
- Dạng thuốc sắc: 4-12g.
- Dùng ngoài không kể liều lượng cố định.
Một số bài thuốc từ Khoai nưa
Hỗ trợ tiêu hóa, ăn không tiêu, đờm trệ
- Khoai nưa 12g, Trần bì 10g, Ý dĩ sao 10g, Mộc hương 10g, rễ cây Bá bệnh 10g, Xạ can 10g, Nga truật 10g. Đem tất cả vị thuốc sắc nước uống, 1 thang/ ngày có thể chia 2-3 lần uống.
Hỗ trợ điều trị u não
- Khoai nưa 30g, Thương nhĩ tử 30g, Quán chúng 30g, Thất diệp nhất chi hoa 15g, rễ Bồ hoàng 15g. Sắc Khoai trước trong 2 giờ cho mềm, rồi sắc các vị còn lại thêm nửa tiếng, ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Hỗ trợ điều trị liệt nửa người
- Củ Khoai nưa sống 10g, Phụ tử 1g, Ô đầu 1g. Đem sắc các vị thuốc trên với 600 ml nước, để lửa nhỏ tới kho cô đặc còn 100 ml thì chia thành 2-3 lần uống trong ngày.
Khoai nưa trong ẩm thực
Khoai nưa là nguyên liệu được dùng trong ẩm thực của một số quốc gia trên thế giới. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, ít calo, nhiều chất xơ, tạo cảm giác no nhanh. Bên cạnh đó, chất xơ còn giúp hỗ trợ tiêu hóa, tăng trao đổi chất, ngăn ngừa táo bón.
Tại Nhật Bản, cây được sử dụng để nấu ăn với tên gọi là konnyaku. Chế phẩm từ bột nưa rất phổ biến ở nơi này, rất dễ kết hợp với các món ăn khác. Với hương vị thơm ngon khó quên, các món ăn từ dược liệu này được rất nhiều người ưa chuộng như kem tươi, món xào, bánh, ăn chung với hải sản, nấm,…
Riêng Việt Nam, gần như các món ăn từ Khoai nưa đã tạo nên nét ẩm thực riêng của miền Trung.
Kiêng kỵ
- Mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
- Phụ nữ có thai và cho con bú cần thận trọng.
- Nên xử lý bằng nước vo gạo, vôi trước khi dùng để bớt ngứa.
Khoai nưa không chỉ là món ăn quen thuộc, mà từ lâu đã được sử dụng trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH
- Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
- Điện thoại: 0869 111 269
- Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
- Website: DongYQuangMinh.vn