Liên Tâm (Tâm Sen): Đặc Điểm, Công Dụng Và Cách Dùng

Liên Tâm (Tâm Sen): Đặc Điểm, Công Dụng Và Cách Dùng

Tâm sen (hay còn gọi là liên tâm, tim sen) là phần mầm của cây sen được tách ra từ hạt. Đây vừa là dược liệu quý trong Đông y, vừa được người dân sử dụng như một loại trà.

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

  • Tên Tiếng Việt: Tâm sen.
  • Tên khác: Liên tâm, liên tử tâm, nhụy sen, phôi sen.
  • Tên khoa học: Embryo Nelumbinis (Nelumbo nucifera Gaertn Nelumbonaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cây sen là một loại thực vật có hoa, mọc dưới nước. Thân rễ hình trụ, mọc ăn sâu xuống dưới lớp bùn được gọi là ngó sen (ngẫu tiết ). Lá sen hình tròn, đường kính rộng khoảng 60cm, trũng ở giữa, có cuống dài, mọc vươn cao qua mặt nước, được đông y sử dụng làm thuốc với tên gọi là liên diệp.

Liên Tâm (Tâm Sen): Đặc Điểm, Công Dụng Và Cách Dùng
Hoa sen thường có màu trắng hoặc hồng và sống ở trong nước

Hoa sen có nhiều cánh xếp chồng lên nhau, màu trắng hoặc đỏ hồng. Hoa mới mọc thì các cánh úp vào nhau ôm lấy đài hoa tạo thành búp. Sau đó bung nở và xòe rộng ra hai bên. Quả chứa nhiều hạt được gọi là liên nhục. Bên ngoài hạt sen được bao bọc bằng một lớp vỏ màu xanh, nhẵn. Nhân hạt màu trắng đục, có hai mảnh, khi tách đôi sẽ thấy chồi mầm bên trong được gọi là liên tâm (tâm sen).

Đặc điểm dược liệu

Tâm sen được tạo thành từ 4 mảnh lá non xếp gập vào nhau tạo thành một khối hình trụ, nhỏ, chiều dài chỉ khoảng 10mm (bằng hoặc nhỏ hơn chiều dài hạt sen một chút ), đường kính tim sen khoảng 1mm.

Một đầu tâm sen có màu xanh lục sẫm, đầu còn lại màu vàng tươi chính là phần sẽ phát triển thành rễ và thân của cây sen sau này.

Liên nhục
Tâm sen là phần mầm nhỏ nằm tại vị trí ở giữa hạt sen

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây sen ưa sống trong nước nên thường mọc hoang ở những nơi có nước. Cây phát triển mạnh ở các khu vực nhiệt đới, đặc biệt là các nước châu Á như: Việt Nam, Thái lan, Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ…

Ở nước ta, sen được trồng nhiều trong các ao, hồ, đầm lầy để làm dược liệu, thực phẩm hay làm trà. Một số nhà còn trồng sen trong các chậu chứa đầy nước để làm cảnh.

Tâm sen được thu hoạch sau thời điểm ra hoa, thường là vào mùa hè. Những quả sen đã chín già sẽ được cắt về gỡ lấy hạt. Sau đó lột bỏ lớp vỏ bên ngoài hạt, tách làm đôi lấy phần mầm sen màu xanh bên trong.

Dược liệu được đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ từ 40 – 50 độ C cho đến khi khô.

Liên Tâm (Tâm Sen): Đặc Điểm, Công Dụng Và Cách Dùng
Liên tâm nằm trong hạt sen, có vị đắng và thường dùng để hãm trà

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng là tâm sen (mầm trong hạt sen).

Thành phần hoá học

Dược liệu chứa các hoạt chất hóa học như sau:

  • Asparagin
  • Neferin
  • Alkaloid
  • Pronuxiferin
  • Nelumbin – chất làm nên vị đắng của tâm sen
  • Metylcoripalin
  • Lotusin
  • Acid amin…

Công dụng của tim sen

Theo y học cổ truyền

  • Tâm sen có vị đắng, tính hàn, quy vào kinh Tâm. Dược liệu này có tác dụng trấn kinh, an thần, thanh tâm, giúp tinh thần thoải mái để có được giấc ngủ ngon.
  • Công dụng thanh tâm: Tim sen có tính hàn, có lực giải nhiệt tạng tâm khá mạnh. Dùng để trị các chứng bệnh do ôn nhiệt, tà nhiệt bị giữ lại ở lớp màng bên ngoài của tạng tâm. Các chứng bệnh này có biểu hiện như chóng mặt, nói lảm nhảm, sốt… Có thể tăng công hiệu bằng cách kết hợp cùng mạch môn hay huyền sâm.
  • Trấn kinh, an thần: Trị các chứng tim đập mạnh và nhanh, hồi hộp lo âu, phiền muộn. Có thể tăng công hiệu khi kết hợp cùng trắc bách diệp, sơn táo nhân.
  • Giúp dễ ngủ: Dành cho người mất ngủ do nguyên nhân cơ địa thực nhiệt, với các triệu chứng như khô miệng, táo bón, chất lưỡi đỏ, bốc hỏa.
  • Bên cạnh đó, tâm sen còn có công dụng cầm máu, sáp tinh, giáng áp. Chủ trị di tinh, mộng tinh cho nam giới, bệnh thổ huyết, cao huyết áp.
Liên Tâm (Tâm Sen): Đặc Điểm, Công Dụng Và Cách Dùng
Trà tim sen có tác dụng an thần

Theo y học hiện đại

  • Chống co thắt cơ trơn: Tâm sen chứa demethylcoclaurin có tác dụng giải co thắt cơ trơn.
  • Hạ huyết áp, ổn định nhịp tim: 2 alkaloid chiết xuất từ tâm sen là liensinin và alkaloid không kết tinh (có tác dụng hạ áp mạnh hơn liensinin). Khi liensinin chuyển hóa thành amoniac bậc 4 thì có tác dụng hạ áp kéo dài hơn. Ngoài ra, tâm sen chứa isoquinoline có tác dụng làm giãn nở các mạch máu, cải thiện tình trạng bồn chồn và tim đập nhanh.
  • Trị mất ngủ, an thần: Tác dụng trị mất ngủ, an thần của tâm sen yếu hơn so với lá sen. Tâm sen thường được phơi khô rồi hãm với nước nóng dùng như trà.
  • Chống thao cuồng kích động, ức chế loạn thần kinh gây hung hăng tăng vận động: Tâm sen có tác dụng chống thao cuồng kích động, ức chế loạn thần kinh gây hung hăng tăng vận động. Tác dụng này được tăng lên khi phối hợp với aminazin. Vì vậy có thể dùng tâm sen chung với aminazin để điều trị tâm thần phân liệt nhằm giảm liều và giảm độc tính của aminazin.
  • Chống oxy hóa: Tâm sen có nhiều thành phần chống oxy hóa, chống các gốc tự do và tăng cường sức khỏe. Trà tâm sen giúp hỗ trợ giảm mụn trứng cá, hạn chế dầu bóng và làm sáng da.
  • Hỗ trợ tiêu hóa: Tâm sen giúp cải thiện tiêu hóa nhờ trong thành phần có nhiều chất xơ.
  • Hỗ trợ giảm cân: Tâm sen giảm sự hấp thu chất béo và carbohydrate. Tâm sen có L-Carotene thúc đẩy quá trình trao đổi chất nên có khả năng giúp giảm cân.
  • Chống xuất huyết: Trong tim sen chứa quercetin và các flavonoid có cơ chế hoạt động bằng cách cải thiện sức bền thành mao mạch, giúp kiểm soát chảy máu, đặc biệt hiệu quả trong việc chống xuất huyết.
  • Hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường: Thức uống này giúp kiểm soát lượng đường trong máu khá tốt và giúp ích cho những người đang mắc bệnh tiểu đường. Với hoạt chất alkaloid trong tim sen, loại trà này có hiệu quả trong việc giảm thiểu sự gia tăng nồng độ glucose sau bữa ăn.
  • Chống trầm cảm: Với thành phần isoliensinine và liensinine trà tim sen có đặc tính an thần, giúp bạn thư giãn, giảm căng thẳng. Loại trà này có tác dụng làm dịu và hỗ trợ chống trầm cảm.

Liều dùng & cách dùng

Liều lượng dùng ngày 2 đến 4g dạng thuốc sắc, hãm, hoàn, tán. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác.

Liều dùng & cách dùng
Liều lượng và cách dùng tim sen

Bài thuốc kinh nghiệm

  • Trị cao huyết áp: Sao vàng 4g liên tâm, hãm với nước sôi và dùng trong ngày, uống thay trà. Có thể dùng phối hợp với hạt muồng hoặc hoa hòe và sắc lấy nước đặc uống. Dùng mỗi ngày sẽ giúp giảm huyết áp, điều hòa nhiệt độ cơ thể.
  • Trị mất ngủ cho người tiểu tiện ít, nóng trong: 5g cam thảo, 8g liên tâm tán bột mịn và pha cùng 200ml nước sôi. Uống khi nguội, uống hết trong ngày.
  • An thần, ngủ ngon: 10g hoa lài tươi, 10g táo nhân, 20g lá cây vông nem, 5g tâm sen sao thơm. Tán bột mịn (trừ hoa lài) rồi hãm cùng 1 lít nước sôi. Chờ cho thuốc nguội thì cho thêm hoa lài tươi vào. Uống làm nhiều lần trong ngày.
  • Điều trị hồi hộp lo âu, căng thẳng, tâm phiền muộn, khó ngủ: 15g tóc tiên, 20g thảo thuyết minh đã sao khô, 8g liên tâm. Cho các tất cả các vị thuốc vào ấm và đổ lượng nước sôi vừa đủ vào. Ủ trong khoảng 20 phút và gạn uống dần thay trà.
  • Chống rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp: 3g liên tâm ủ thành trà cùng nước sôi trong 15 phút. Gạn uống thành 2 lần.
  • Điều trị các chứng bệnh gây ra do huyết nhiệt, dưỡng tâm an thần: 100g gạo tẻ và 5g tâm sen. Nấu gạo và tâm sen thành cháo, cho thêm đường phèn. Dùng từ 2 – 3 lần trong ngày. Có thể dùng cho người bị táo bón mãn tính, người cao tuổi suy nhược cơ thể.

Có thể bạn quan tâm: Liên Nhục (Hạt Sen): Vị Thuốc Thơm Bùi, Dễ Dùng

Lưu ý khi sử dụng liên tâm

  • Liều lượng sử dụng tham khảo từ 4 – 10g/ngày.
  • Có thể sắc uống độc vị, hãm trà hoặc kết hợp cùng các vị thuốc khác.
  • Liên tâm có thành phần alkaloid giúp chữa mất ngủ nhưng có độc tính, nếu không sử dụng đúng cách có thể gây ngộ độc và dẫn đến nhiều hậu quả khác đối với sức khỏe.

Trên đây là công dụng và một số bài thuốc từ liên tâm. Mặc dù có công dụng chữa mất ngủ và an thần rất tốt nhưng tâm sen vẫn có tính độc. Vì vậy Đông Y Quang Minh khuyên bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn hoặc thầy thuốc Đông y để có hướng điều trị phù hợp.

Nguồn: Tổng hợp

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại: 0869 111 269
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x