Thảo quả
Tên tiếng Việt: Thảo quả, Mác hầu (Tày), Đò ho, Thảo đậu khấu.
Tên khoa học: Amomum tsao-ko Crév. et Lem.
Tên đồng nghĩa: Amomum aromaticum Roxb.
Họ: Zingiberaceae (Gừng)
Công dụng: Khử hàn, trừ đờm chữa ho, đau bụng, nôn, dễ tiêu, sốt rét, kích thích tiêu hóa, giải độc (Quả).
Mô tả cây
Thảo quả là một loại cỏ sống lâu năm, cao chừng 2,5-3m. Có thân, lá, hoa và quả được mô tả cụ thể như sau:
- Thân rễ mọc ngang, to thô, có đốt, đường kính chừng 2,5-4cm, giữa có màu trắng nhạt, phía ngoài có màu hồng thơm, mẫm, rất chóng thành xơ.
- Lá mọc so le, có lá có cuống ngắn, có lá không có cuống, bẹ lá có khía dọc, phiến lá dài 0,60-0,70m, rộng tới 0,20m, nhẵn, mặt trên có màu xanh sẫm, mặt dưới hơi mờ, mép nguyên.
- Cụm hoa thành bông mọc từ gốc, dài chừng 13-20cm, hoa màu đỏ nhạt.
- Quả từ 8 đến 17 trên mỗi bông, khi chín có màu đỏ nâu dài khoảng 3-4cm, đường kính 2-3cm, khi còn tươi mặt bóng nhẵn, vỏ ngoài dày 5mm. Trong quả chia thành 3 ngăn, mỗi ngăn có chừng 7 hạt có áo hạt hình tháp ép vào nhau, rất thơm.
Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
Thảo quả được trồng và mọc hoang ở những vùng khí hậu mát miền Bắc Việt Nam, chủ yếu tại Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu. còn thấy ở một số tỉnh Hoa Nam Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam).
Cây thảo quả được đưa vào trồng ở Việt Nam vào khoảng năm 1890, từ các tỉnh biên giới Việt-Trung. Người ta trồng thành rừng rộng, ở độ cao 1000-1.500m,diện tích hiện nay khoảng 700—800ha.
Thu hái
Thu hoạch vào các tháng 10-12, khả năng ước lượng khoảng 500 tấn mỗi năm.
Chế biến
Cách chế biến sau khi thu hái thảo quả với lượng lớn thông thường được làm như sau:
- Khi hái về người ta phơi trên phên thua và sấy lửa nhẹ luôn 3 hay 4 ngày đêm cho đến khi khô.
- Khi quả thảo quả khô, màu sẽ ngả xám mâu nhạt, nhiều nát nhăn dọc và thường được phủ một lớp phấn trắng, mỗi quả cân nặng chừng 4g.
- Khi sấy không nên để lửa quá già, vỏ có thể bị cháy sém mà trong ruột hạt chưa thật khô, dễ bị vụn. Sau đó đóng bao,mỗi bao 50 đến 100kg. Để nơi khô ráo.
- Khi nào dùng mới bóc vỏ ngoài lấy hạt, nếu bóc lấy hạt ngay sẽ chóng mất mùi thơm.
Các phương pháp chế biến thảo quả khác:
Vì sấy thảo quả dễ bị cháy phần vỏ trong khi ruột hạt chưa đủ độ chín thơm nên thường người ta có các phương pháp nướng, rang, sao thảo quả sao cho chín bên trong mà không bị cháy lớp vỏ ngoài. Cụ thể có các cách như sau:
- Thảo quả nướng ủ tro nóng: Đem quả Thảo quả còn cả vỏ nướng vào tro nóng đến khi có mùi thơm thì lấy ra bóc bỏ vỏ ngoài.
- Thảo quả nướng bọc bột mỳ: Cũng có thể dùng bột mỳ nhão, làm áo bọc ngoài quả rồi mới nướng, đến khi áo bột đen đi thì lấy ra bóc bỏ vỏ.
- Thảo quả sao cát: Đem cát rang nóng già; cho nhân Thảo quả vào sao đến khi có màu vàng hơi đen. Rây bỏ cát.
- Thảo quả sao cám: Tương tự với sao cát. Đem Thảo quả (10kg) cùng cám (1kg) sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng. Rây bỏ cám.
- Thảo quả trích gừng: Trước tiên giã 2kg gừng tươi, vắt lấy nước cốt, tẩm đều vào Thảo quả, để hút hết nước. Sao đến khi khô cho mùi thơm.
Thành phần hoá học
Trong thảo quả có chừng 1-1,5% tinh dầu. tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm ngọt, vị nồng cay dễ chịu (Đỗ Tất Lợi, 1957).
Năm 1989, Nguyễn Xuân Dũng và cộng sự đã nghiên cứu thấy trong tinh dầu thảo quả có các thành phần chủ yếu: 1-8 cineol (30.61%), trans-2 undecanal (17,33%), citral B (gernial)(10,57%), -terpineol (4,34%).
Cho đến nay, hơn 300 hợp chất đã được phát hiện trong quả Thảo quả, ít nhất 209 trong số đó đã được phân lập và xác định. Theo đặc điểm của cấu trúc lõi, các hợp chất này có thể được phân loại thành terpenoid, phenylpropanoid,acid hữu cơ và các hợp chất khác. Nhìn chung, có 32 terpenoid, 157 phenylpropanoid, 19 acid hữu cơ, và một pyrrole. Vì Thảo quả có mùi thơm và cay nên tinh dầu của nó đã thu hút nhiều sự chú ý của các nhà khoa học.
Công dụng và liều dùng
Thảo quả là một vị thuốc, đồng thời là một gia vị. thảo quả tường được dùng để thêm vào một số bánh kẹo, đặc biệt loại kẹo chè lam. Trong thuốc, thảo quả chỉ mới thấy dùng trong phạm vi nhân dân.
Trong các sách cổ, người ta cho thảo quả có vị cay, chát, tính ôn và không độc, vào hai kinh Tỳ và Vị, có năng lực táo thấp, khử hàn, trừ đờm, chữa sốt rét, tiêu thực, hoá tích dùng làm thuốc kiện tỳ, giải độc, chữa đau bụng, nôn mửa, hôi mồm.
Theo sách Cây thuốc ở Việt Nam Ấn phẩm của WHO liên kết với Viện dược liệu Hà Nội: Thảo quả có tác dụng như: kháng khuẩn và làm dịu dạ dày, được dùng để giảm chứng khó tiêu, đầy hơi, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và ho. Hạt của cây này cũng được dùng làm nước súc miệng để điều trị đau răng, viêm nướu và bệnh nha chu.
Theo y học hiện đại, Thảo quả được sử dụng để hỗ trợ điều trị ung thư, viêm nhiễm, bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh đường tiêu hóa, v.v.
Liều dùng hàng ngày: 3 đến 6g dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác, sắc hay làm thành thuốc viên.
Đơn thuốc có thảo quả dùng trong nhân dân
Chữa hôi miệng
Thảo quả dã dập, ngậm vào miệng, nuốt nước.
Chữa sốt, sốt rét, đặc biệt dùng trong trường hợp sốt ít, rét nhiều, đại tiểu tiện quá nhiều, không ăn được
Thảo quả 10g, kha tử 10g, sinh khương 7 miếng, táo đen 2 quả, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống.
Chữa sốt rét mới khỏi, giúp tiêu hoá, ăn ngon cơm
Thảo quả 4g, Bạch chỉ 4g, Tứ tô 4g, Cao lương khương 2g, Xuyên khung 4g, Thanh quất bì 4g, Cam thảo 4g. Sắc uống.
Chữa đau bụng, đầy trướng, Tỳ hư tiết tả
Thảo quả phối hợp Sa nhân, Thần khúc, Mạch nha, Cam thảo, Gừng, Táo (lượng bằng nhau). Sắc nước uống.
Chữa Tỳ Vị nóng lạnh bất hoà, xích bạch lỵ, sốt, đại tiện ra máu
Thảo quả, Địa du, Chỉ xác, Cam thảo (lượng bằng nhau), Táo nhỏ, mỗi lần dùng 6g, thêm Gừng, sắc nước uống.
Chữa chứng hàn thấp, tích đọng bên trong, trướng đầy, tức ngực đau bụng
Thảo quả (nướng chín) 5g, Hậu phác 9g, Thanh bì 6g, Đinh hương 3g, Cam thảo 3g, Cao lương khương 5g, Hoắc hương 9g, Thần khúc 6g, Gừng sống 9g, Đại táo 9g. Sắc uống.
Lưu ý khi sử dụng Thảo quả
- Theo đông y, phàm âm huyết không đủ mà không không hàn thấp thực tà không nên dùng.
- Người bị cảm nắng mà đi tả dữ dội, nước tiểu đỏ, miệng khô đắng thì không nên dùng.
- Người thuộc chứng âm hư, thiếu máu mà không hàn thấp, thực tà không được dùng.
Bảo quản Thảo quả
Bảo quản để nơi khô ráo và đậy kín, vì dễ bị mốc. Tránh quá nóng để giữ tinh dầu. Nếu chớm mốc phải phơi hay sấy nhẹ.
Nguồn: Cuốn Danh Lục Cây Thuốc Việt Nam, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH
- Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
- Điện thoại:1900 636 891
- Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
- Website: DongYQuangMinh.vn