Thổ nhân sâm

Thổ nhân sâm

Tên tiếng Việt: Thổ cao ly sâm, Thổ nhân sâm, Đông dương sâm, Cứa ly sinh (Thái), Mằm sâm đăm (Tày)

Tên khoa học: Talinum paniculatum (Jacq.) Gaertn.

Tên đồng nghĩa: Talinum patens (Jacq.) Willd.

Họ: Portulacaceae (Rau sam)

Công dụng: Bổ, chữa cơ thể suy nhược ốm yếu ho, đau dạ dày (Rễ sắc uống).

 

 

Mô tả

  • Cây thảo, sống hàng năm hoặc sống dai, cao 30 – 50cm. Thân hình trụ nhẵn, phân cành ngay từ gốc.
  • Lá mọc so le, dày, gần như không cuống hoặc có cuống rất ngắn, hình bầu dục hoặc hình trứng, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, gân lá mờ, hai mặt nhẵn gần như cùng màu.
  • Cụm hoa là một chùy kép mọc ở đầu cành, gồm nhiều hoa nhỏ màu hồng; đài có 2 răng nhỏ; tràng 5 cánh nhọn; nhị nhiều; bầu thượng hình cầu.
  • Quả nhỏ, hình cầu, khi chín màu đỏ nâu; hạt dẹt, màu đen nhánh.
  • Mùa hoa quả: tháng 5-11

Phân bố, sinh thái

  • Chi Talinum Adans hiện có 2 loài là thổ nhân sâm và một loài khác là T. triangulare (Jacq.) Willd. được trồng lấy lá và ngọn non làm rau ăn. Cả hai đều có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, sau phát triển ra các vùng khác của thế giới (M. A. Rifai, 1994 in J. s. Siemonsma và Kasem Piluek, PROSEA N° 8 Vegetable, 268 – 269).
  • Ở Việt Nam, thổ nhân sâm vừa là cây mọc tự nhiên, vừa là cây trồng để làm thuốc. Cây mọc tự nhiên thưòng thấy ở các vùng núi đá vôi như huyện Yên Minh, Quản Bạ tỉnh Hà Giang; Chiêm Hóa – Tuyên Quang; Quảng Hòa, Hà Quảng, Trà Lĩnh – Cao Bằng; Tràng Định, Bắc Sơn – Lạng Sơn; Thủy Nguyên – Hải Phòng; Kỳ Sơn – Nghệ An… Độ cao phân bố từ 400 đến 1300 m. Thổ nhân sâm là cây ưa ẩm, ưa sáng, thường thấy trên các hốc mùn đá, kẽ đá nơi dãi nắng, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm. Sau mùa hoa quả, phần trên mặt đất có thể bị tàn lụi vào mùa đông. Quả thổ nhân sâm khi già tự mở, hạt phát tán ra xung quanh, do đó trong tự nhiên thường thấy cây mọc thành đám, gồm nhiều thế hệ khác nhau.
  • Trong các năm 1960 – 1980, ở các tỉnh phía bắc, thổ nhân sâm được thu mua nhiều từ nguồn tự nhiên và trồng trọt. Nguồn thổ nhân sâm mọc tự nhiên hiện nay đã trở nên hiếm dần, do nạn phá rừng.

Cách trồng

  • Thổ nhân sâm được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía bắc lấy lá làm rau ăn, củ làm thuốc. Cây có thể trồng được ở các vùng lạnh như Lào Cai, Hà Giang… và vùng nóng như đồng bằng, trung du Bắc Bộ.
  • Thổ nhân sâm được nhân giống bằng hạt. Vào mùa xuân, hạt được gieo thẳng trên ruộng sản xuất, không qua vườn ươm.
  • Cây không kén đất, đất nào cũng trồng được, trừ những nơi úng ngập. Đất cần cày bừa lên thành luống cao 20 – 25cm, bón lót 10 – 15 tấn/ha phân chuồng, rạch thành hàng cách nhau 20cm. Hạt gieo theo hàng, sau tỉa cây để lại khoảng cách 10 – 15cm cho một cây.
  • Thường xuyên làm cỏ, xới xáo, vun gốc, bón thúc bằng nước phân chuồng, nước giải hoặc đạm pha loãng.

Bộ phận dùng

Rễ, thu hái vào mùa thu, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, thái mỏng, tẩm nước gừng hoặc nước đường, để chín. Còn dùng lá.

Thành phần hóa học

  • Rễ thổ nhân sâm chứa 1 – hexacosanol, 1 – octacosanol,1 – triacontanol, campestrol, stigmasterol, β- sitosterol, β – sitosteryl – β – D – glucosid (Komatsu Manki và cs, 1982)

Tính vị, công năng

Thổ nhân sâm có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ trung ích khí, nhuận phế, sinh tân, kiện tỳ và điều kinh.

Công dụng

  • Trong y học cổ truyền, thổ nhân sâm dược dùng làm thuốc bổ, chữa cơ thể hư nhược, ra mồ hôi váng đầu, ù tai, hoa mắt, trẻ em tỳ hư tiết tả, phụ nữ đới hạ. Còn dùng chữa bệnh phổi, ho, sốt nóng.
  • Liều dùng: 20 – 30 g/ngày, dưới dạng thuốc sắc. Có khi người ta dùng rễ hoặc lá thổ nhân sâm nấu với thịt để ăn. Ở Indonesia, thổ nhân sâm được dùng làm thuốc kích thích sinh dục (aphrodisiac).

Bài thuốc có thổ nhân sâm

  • Chữa bệnh phổi, ho, sốt nóng, mồ hôi trộm: Rễ thổ nhân sâm 9 -15g, đường kính 60g. sắc nước uống, hoặc nghiền thành bột luyện với mật ong chế thành hoàn uống.
  • Chữa trẻ em tỳ hư, tiêu chảy: Thổ nhân sâm 150g, gạo tẻ 60g. Hai vị sao vàng nghiền thành bột luyện với mật ong chế thành hoàn. Uống mỗi lần 6g, ngày 2 lần.
  • Chữa bệnh đái nhiều: Thổ nhân sâm 60g, rễ kim anh 60g, sắc nước, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
  • Thuốc bổ: Thổ nhân sâm 20g, rễ vú bò 20g, rễ hà thủ ô 20g, rễ bạch truật nam 20g, rễ gai 20g, hoài sơn 16g, rễ sài hồ nam 12g, cam thảo dây 8g, trần bì 8g, gừng 3 lát. Rễ vú bò thái nhỏ sao với nưóc đường. Rễ hà thủ ô (loại đỏ hoặc trắng) ngâm nước vo gạo một ngày một đêm, rửa sạch, tẩm nước đậu đen (100g đậu đen nấu với 5 lít nước còn 2 lít), đem nấu đến khi rễ mềm là được, rồi phơi khô, thái nhỏ, sao qua. Tất cả sắc với 400 ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Một đợt điều trị kéo dài 5 – 7 ngày.

Nguồn: Cuốn Danh Lục Cây Thuốc Việt Nam, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại:0869 111 269
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x