Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách Phòng Ngừa Biến Chứng Cột Sống

Gai cột sống chỉ không đáng ngại khi chúng ta phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nếu để bệnh chuyển nặng, chèn ép lên dây thần kinh và làm hẹp ống tủy sống có thể gây đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, thậm chí bạn sẽ phải đối diện với nguy cơ rối loạn tiểu tiện và mất cảm giác.

Gai cột sống là gì?

Gai cột sống là những khối xương có chiều dài vài milimet, nhẵn và tròn ở đầu “mọc lên” ở các cạnh của đốt sống (thường xuất hiện ở mặt trước và mặt bên, hiếm khi có ở mặt sau). Gai xương là kết quả nỗ lực của cơ thể nhằm sửa chữa và bù đắp những tổn thương mà xương, dây chằng và gân trong đốt sống đang phải gánh chịu.

Dọc theo cột sống, những chiếc gai xương có thể phát triển ở bất kỳ cấp độ nào, nhưng phổ biến nhất là ở cột sống cổ, cột sống lưng giữa và cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, gai xương cũng không bỏ qua các khu vực khác như vai, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, hông, cùi (chỏ) tay, mắt cá chân…

Không phải ai cũng cảm nhận được rõ ràng sự tồn tại của gai xương trên đốt sống bởi vì có khi gai xương đến mà không mang theo bất kỳ triệu chứng gì bất thường. Điều này phụ thuộc vào vị trí gai xương mọc lên cũng như mức độ ảnh hưởng của gai xương lên các bộ phận của cột sống.

Triệu chứng của bệnh gai cột sống

Các triệu chứng gai cột sống biểu hiện rõ nét nhất là khi xương cột sống bắt đầu gây chèn ép lên dây thần kinh cột sống. Ở mỗi vị trí, triệu chứng và dấu hiệu nhận biết gai cột sống sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:

Triệu chứng gai đốt sống cổ

  • Đau cổ.
  • Cứng cổ.
  • Khó quay đầu.
  •  Nhức đầu.
  • Cơn đau lan tỏa từ cổ đến một hoặc cả hai vai.
  • Đau nhói hoặc tê ở một hoặc cả hai cánh tay rồi lan xuống bàn tay.
  • Co thắt cơ bắp.
  • Khó thở, khó nuốt và khó nói chuyện.
  • Sự cân bằng và phối hợp các cử động ở cổ, vai, cánh tay gặp khó khăn.

Triệu chứng gai đốt sống lưng giữa (cột sống ngực)

  • Đau, ngứa ran và yếu ở một hoặc cả hai cánh tay.
  • Đau, ngứa ran và tê ở chân.
  • Đau, ngứa ran và tê ở ngực hoặc thân.
  • Căng và co thắt cơ bắp.
  • Khả năng di chuyển hạn chế và thiếu linh hoạt.

Triệu chứng gai đốt sống thắt lưng

  • Đau ở thắt lưng khi đi hoặc đứng.
  • Khó chịu, tê và ngứa ran vùng mông.
  • Co thắt cơ bắp.
  • Cơn đau lan tỏa xuống một hoặc cả hai chân.
  • Cúi người về phía trước (từ thắt lưng) cảm thấy bớt đau hơn.

Thực tế, khi chúng ta cảm nhận được từng triệu chứng kể trên cũng là giai đoạn nặng của gai đốt sống. Lúc này, dây thần kinh và tủy sống đã bị chèn ép gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn thân, chứ không riêng hệ xương khớp.

Nguyên nhân dẫn đến gai cột sống

Bản chất của gai đốt sống là một hậu quả của thoái hóa xương khớp. Dựa trên việc phân tích hình ảnh chụp X-quang, người ta tổng kết được là hơn 80% những người trên 40 tuổi có dấu hiệu của gai cột sống (Theo EMedicine – Kho kiến thức y tế lâm sàng trực tuyến thuộc WebMD). Và những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bất thường của xương tức những gai xương bao gồm:

Thoái hóa khớp

Gai đốt sống chủ yếu sinh ra từ thoái hóa khớp – Bệnh lý xương khớp phổ biến và vô cùng nguy hiểm. Đặc trưng của thoái hóa khớp là sự hao mòn bề mặt sụn làm gia tăng lực ma sát giữa hai đầu xương.

Việc cọ xát gây tổn thương xương cột sống và lúc này, cơ thể tự động kích hoạt cơ chế làm lành bằng cách sinh ra xương mới. Thế nhưng, phần xương mới gia tăng quá mức lại chính là mầm mống của gai xương.

Thoái hóa đĩa đệm

Tuổi tác sẽ gây ra hiện tượng mất nước của đĩa đệm cột sống (lớp nệm lót giữa các xương có chức năng giảm trọng lực và ma sát chuyển động). Đĩa đệm bị mất nước sẽ từ từ khô lại và suy giảm cả về chất lượng lẫn kích cỡ.

Đĩa đệm bị teo lại khiến cho xương cọ xát vào nhau. Lâu dần, xương cũng sẽ bị bào mòn và việc tăng sinh xương là điều không thể tránh khỏi.

Viêm khớp

Vì nằm giữa các đốt sống, thế nên khi khớp cột sống bị viêm, đĩa đệm không tránh được tổn hại. Và khi đĩa đệm bị hư hại, áp lực sẽ dồn ép lên sụn khớp. Theo thời gian, cấu trúc sụn bị phá vỡ làm giảm độ vững chắc và thế cân bằng của cột sống. Để giải quyết vấn đề này, cơ thể tự động bật cơ chế “đẻ thêm xương” bao quanh các mặt đốt sống để ổn định cột sống.

Các yếu tố khác

Ngoài 3 nguyên nhân chính mô tả ở trên, gai cột sống có thể xuất phát từ nhóm yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Di truyền: Gia đình có người bị gai cột sống, tỉ lệ mắc căn bệnh này sẽ cao hơn.
  • Chấn thương: Hậu quả của những lần va chạm mạnh khiến xương có nhu cầu tạo xương mới nhiều hơn.
  • Bệnh lý xương khớp: Một số bệnh xương khớp như Lupus, gout hay hẹp cột sống cũng kích thích sự sản sinh xương.
  • Thiếu dinh dưỡng, béo phì, vận động sai tư thế: Không loại trừ những yếu tố này bởi đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa xương khớp.

Đương nhiên, gai cột sống có thể “tự nhiên” sinh ra nhưng sẽ không tự nhiên mất đi. Vậy nên, chúng ta cần phải tìm giải pháp kiểm soát sự tăng trưởng quá mức của những “nhánh xương nhỏ bé” này để tránh gây chèn ép lên dây thần kinh và tủy sống dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh gai cột sống

Phạm vi ảnh hưởng của gai đốt sống đến chức năng cột sống nói riêng và sức khỏe toàn thân nói chung tùy thuộc vào diễn tiến của bệnh. Nếu gai cột sống mức độ nhẹ thì chỉ dừng lại ở việc gây đau nhức, nhưng nếu chuyển nặng sẽ chèn ép lên dây thần kinh – Nguồn gốc của các bệnh nguy hiểm là đau dây thần kinh liên sườn và đau thần kinh tọa.

Đáng lo ngại hơn là tình trạng rối loạn đại tiểu tiện và mất cảm giác. Biến chứng gai cột sống này xảy ra khi ống tủy bị thu hẹp lại do sự hiện diện của các gai xương.

Chẩn đoán gai cột sống

Xét nghiệm hình ảnh hiển thị cụ thể vị trí cột sống bị gai xương và mật độ gai xương giúp bác sĩ đưa ra giải pháp điều trị thích hợp nhất. Dưới đây là những kỹ thuật chẩn đoán gai cột sống đang được ứng dụng trong chẩn đoán bệnh gai cột sống hiện nay:

X-quang

Hình ảnh X-quang cho thấy hiện trạng các gai xương trên các mặt của cột sống. Từ đó, bác sĩ sẽ biết được gai xương có làm ảnh hưởng đến khớp nối hay đĩa đệm giữa các đốt sống không?

MRI (Chụp cộng hưởng từ)

Nếu chụp X-quang chỉ thu được hình ảnh trên bề mặt của cột sống, thì quét MRI có thể phản ánh sắc nét tình trạng các đĩa đệm, bao gồm cả mức độ thoát vị đĩa đệm. Đồng thời, kỹ thuật cộng hưởng từ MRI còn giúp bác sĩ nhìn rõ dây thần kinh và dây chằng ở trong cột sống, từ đó chẩn đoán dây thần kinh có bị chèn ép hay không một cách chính xác nhất.

CT (chụp cắt lớp)

Chụp cắt lớp hiển thị sống động hình ảnh cắt ngang của cột sống. Nhờ đó, bác sĩ có thể nhận diện ống cột sống có bị thu hẹp bởi gai xương không?

Mặc dù, xét nghiệm hình ảnh đã phản ánh đầy đủ vị trí, hình dạng và phạm vi ảnh hưởng của gai cột sống, thế nhưng bác sĩ vẫn không quên trao đổi với bệnh về lịch sử Y tế. Những thông tin về tiền sử bệnh tật, diễn tiến của các triệu chứng và cả việc gia đình có thành viên bị gai xương hay bệnh lý xương khớp không? Sẽ củng cố thêm độ chính xác của kết quả chẩn đoán.

Làm thế nào để phòng ngừa biến chứng gai cột sống

Gai xương là hậu quả của thoái hóa cột sống, thế nên không có một cách cụ thể nào để “chạy trốn” khỏi chúng. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm nguy cơ phát triển của gai xương ở các vị trí trên cột sống bằng cách xây dựng lối sống khoa học và thói quen sinh hoạt lành mạnh:

  • Duy trì cân nặng hợp lý (chỉ số IBM chuẩn của nam giới là từ 20-25, còn nữ là từ 18-23).
  • Tập thể dục thường xuyên (tối thiểu 30 phút 1 lần và 5 lần 1 tuần).
  • Giảm thiểu lối sống ít vận động (ngồi lâu, đứng lâu) bằng cách nghỉ giữa giờ, tập duỗi cơ xen kẽ với giờ lao động tĩnh tại.
  • Duy trì tư thế vận động đúng (không cúi khom lưng và không nghiêng cổ sang một bên quá lâu).
  • Không nâng vật nặng quá mức chịu đứng của cơ thể.
  • Không hút thuốc, hạn chế rượu bia và đồ có gas.
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tăng cường thực phẩm có lợi cho xương khớp.

Nguồn: Tổng hợp

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x