Vị Trí Và Tác Dụng Của Huyệt Chu Vinh

Vị Trí Và Tác Dụng Của Huyệt Chu Vinh

Huyệt chu vinh là một huyệt đạo vùng ngực, thuộc đường kinh túc thái âm Tỳ. Theo Y Học Cổ Truyền, huyệt chu vinh được sử dụng trong điều trị đau thần kinh liên sườn, ho, màng ngực bị viêm.

Giải thích tên gọi huyệt Chu Vinh

Huyệt vị này còn có tên gọi khác là huyệt Châu Vinh. Huyệt được mô tả lần đầu trong Giáp Ất Kinh và là huyệt thứ 20 của kinh Tỳ. Tên gọi huyệt Chu Vinh được cắt nghĩa như sau: Từ “Vinh” mang ý nghĩa vinh thông, ý chỉ huyệt này ở phía trên tiếp với huyệt Trung Phủ có tác dụng tiếp khí, thông kinh, điều khiển khí của tạng Tỳ, tán tinh, quét sạch phía trên phế và điều vinh cho toàn thân.

Chúng ta cũng có một cách giải thích khác về tên gọi của huyệt: Từ “Chu” hoặc “Châu” mang ý nghĩa chỉ toàn bộ cơ thể, “Vinh” ý chỉ sự nuôi dưỡng. Huyệt vị này thuộc kinh túc thái âm Tỳ, mà tạng Tỳ là chủ của cơ nhục toàn thân. Tạng này có chức năng kiểm soát sự lưu thông của huyết dịch trong cơ thể, từ đó phân phối những chất cần thiết. Bên cạnh đó, kinh khí khắp cơ thể đều đến đây trước khi được phân phối ra để nuôi toàn bộ cơ thể. Vì thế, huyệt được đặt là Chu Vinh ý chỉ sự nuôi dưỡng toàn bộ.

Vị Trí Và Tác Dụng Của Huyệt Chu Vinh

Vị trí của huyệt Chu Vinh

Huyệt nằm tại khoang liên sườn 2, cách đường giữa bụng 6 thốn. Chúng ta cũng có thể xác định vị trí của huyệt thông qua vị trí của huyệt Thiên Khê (đo lên 2 gian sườn), dưới huyệt Trung Phủ (cách 1 gian sườn).

Về khía cạnh giải phẫu dưới da, vùng này là cơ ngực bé, cơ ngực to, các cơ gian sườn 3, cơ răng cưa lớn và bên trong là phổi. Cơ vùng này có thần kinh vận động là dây thần kinh liên sườn to, dây thần kinh ngực bé và dây thần kinh ngực to. Da vùng huyệt Chu Vinh được chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D2.

Những tác dụng của huyệt Chu Vinh

Theo những nghiên cứu của Y học cổ truyền, huyệt Chu Vinh có thể ứng dụng để điều trị các bệnh lý sau:

Chứng đau thần kinh liên sườn

Đây là hội chứng tổn thương các rễ thần kinh liên sườn xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Vận động với cường độ mạnh, sai tư thế, chấn thương, mắc các bệnh lý liên quan,… Bệnh lý này thường khiến người bệnh gặp những cơn đau nhói từng đợt hoặc kéo dài dọc theo dây thần kinh liên sườn.

Đau dây thần kinh liên sườn gây đau nhói khó chịu
Đau dây thần kinh liên sườn gây đau nhói khó chịu

Theo Đông y, đau dây thần kinh liên sườn là chứng bệnh được mô tả trong phạm vi chứng hiếp thống nghĩa là đau một hoặc hai bên mạng sườn. Hai bên mạng sườn là đường tuần hoàn của kinh túc quyết âm và kinh túc thiếu dương. Vì vậy, việc đau mạng sườn phần lớn là có quan hệ mật thiết đến bệnh của can đởm. Các nguyên nhân đến từ:

  • Hai kinh can và đởm bị phong hàn xâm phạm làm cho kinh khí bị bế tắc gây cảm giác đau.
  • Tâm trạng giận dữ bi ai, uất ức làm can khí rối loạn và gây khí trệ.
  • Khí trệ khiến huyết vận hành kém, lâu ngày gây nên tình trạng huyết ứ. Bên cạnh đó, tình trạng huyết ứ cũng có thể đến từ việc bị chấn thương gây cảm giác đau đớn.
  • Mắc chứng hiếp thống do đàm ẩm lưu trú ở cạnh sườn.
  • Tình trạng thấp nhiệt ở trung tiêu ôn kết tại can đởm làm can đởm sơ tiết mất điều đạt khiến bệnh nhân cảm thấy đau.
  • Huyết táo, can hư làm can mạch không được nuôi dưỡng tốt.

Bệnh ho

Theo Y học cổ truyền, ho được mô tả trong phạm vi của chứng “khái thấu”. Trong đó, “khái” nghĩa là ho có tiếng nhưng không có đờm và “thấu” nghĩa là ho đờm nhiều.

Bên cạnh đó, Đông y còn cho rằng nguyên nhân chủ yếu gây ho là do nội thương và ngoại cảm. Trong đó, ngoại cảm thường do phong hàn và phong nhiệt xâm phạm vào phế làm phế khí không thông suốt và điều hòa khiến cơ thể mắc bệnh. Nội thương là do sự vận động hóa kém mà sinh ra đờm của tỳ dương và phế âm.

Từ những nguyên nhân, các bác sĩ sẽ đề ra những liệu pháp điều trị nhằm hỗ trợ thúc đẩy khí huyết. Song song với đó, các phương pháp điều trị này sẽ giúp phế khí lưu thông điều hòa, thông kinh mạch, loại trừ những tà khí gây bệnh, tăng cường sự hoạt động của phủ tạng,…

Phương pháp khai thác huyệt Chu Vinh điều trị bệnh

Để tác động lên huyệt Chu Vinh, các bác sĩ Đông y thường chủ yếu áp dụng hai phương pháp: Châm cứu và bấm huyệt.

Hướng dẫn cách châm cứu:

  • Châm xiên 0,3 – 0,5 thốn. Không châm sâu vì có thể châm vào phổi.
  • Cứu 3 – 5 tráng.
  • Ôn cứu 5 – 10 phút.

Hướng dẫn bấm huyệt:

Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ của người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn huyệt đạo phù hợp. Sau đó, người thực hiện sẽ tiến hành các thủ thuật tác động lên huyệt như:

  • Ấn huyệt: Dùng sức ở đầu ngón tay cái đè vào vị trí huyệt và giữ khoảng 10 – 20 giây.
  • Day huyệt: Dùng lực ngón cái hoặc ngón giữa ấn lên huyệt rồi di chuyển theo đường tròn.

Để nâng cao hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể phối hợp huyệt Chu Vinh với một số huyệt sau:

Một số cách phối hợp huyệt Chu Vinh trên lâm sàng

  • Phối hợp với huyệt Đại Trường Du: Điều trị chứng ăn không tiêu.
  • Phối hợp với huyệt Phế Du, Cao Hoang, Chiên Trung và huyệt Xích Trạch: Điều trị ho suyễn.

Tóm lại, huyệt Chu Vinh có thể được tác động độc lập hoặc phối hợp với các huyệt vị khác để điều trị các bệnh lý về ho, đau thần kinh sườn. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phác đồ điều trị chính xác nhất.

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại: 0869 111 269
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x