Y Học Cổ Truyền Và Bệnh Truyền Nhiễm

Bệnh truyền nhiễm là loại bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan từ người này sang người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như đã nói ở phần mở đầu chuyên đề. Nếu như vấn đề đề kháng kháng sinh đặt ra nhiều thách thức cho nền y học hiện đại (YHHĐ) thì may thay, y học cổ truyền (YHCT) cũng có kháng sinh thực vật, cũng có chống viêm, hạ sốt, giảm đau… và những phương thuốc bổ dưỡng nâng cao sức đề kháng, giảm hiện tượng kháng thuốc, thúc đẩy quá trình hồi phục sức khỏe sau giai đoạn nhiễm trùng, tuy nhiên chưa được quan tâm đúng mức.

Việc kết hợp hai nền y học là điều nên làm, nhằm phục vụ cộng đồng, người bệnh, giúp đẩy lùi bệnh tật. Do vậy việc tìm hiểu khả năng thuốc YHCT điều trị bệnh nhiễm trùng là vấn đề đáng quan tâm.

Quan niệm YHCT về bệnh truyền nhiễm

Đông y có ghi nhận và bàn luận về bệnh nhiễm trùng đầu tiên trong sách Hoàng đế nội kinh, ra đời khoảng thế kỷ I hoặc II trước công nguyên. Sách bàn luận về “nhiệt bệnh”, một loại bệnh mà với biểu hiện lâm sàng có thể xem như là tương ứng với các loại bệnh nhiễm trùng ngày nay. Sau đó, Trương Trọng Cảnh (142-210) thế kỷ thứ III thời Đông Hán trước công nguyên, có cho ra đời bộ sách Thương hàn luận, trong đó có Thương hàn tạp bệnh luận và Kim quỹ ngọc hàm kinh. Thương hàn luận là sách viết về bệnh Ngoại cảm do thời tiết khí hậu và vi sinh vật trong môi trường (là các thuộc tính Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hoả) gây bệnh, trong đó có mô tả trận dịch bệnh gây chết 2/3 người trong gia tộc của ông. Sự hiểu biết về bệnh truyền nhiễm tiến triển mạnh mẽ suốt thời Minh và Thanh khi có nhiều người ở phía Nam Trung Quốc mắc và chết vì các loại bệnh có sốt. Nhiều thầy thuốc thời kỳ này nhận thấy rằng các hội chứng bệnh này khác với các hội chứng miêu tả trong Thương hàn luận, vì thế phải có cách chẩn đoán và điều trị khác với Thương hàn. Ngô Hựu Khả, Diệp Thiên Sĩ (1666), Ngô Cúc Thông (1736-1820), Ngô Hựu Khả đời Thanh, là 3 thầy thuốc nổi tiếng nhất trong thời kỳ này, đã thiết lập nên trường phái mới, gọi là Ôn bệnh.

Ôn bệnh là tên gọi của loại bệnh ngoại cảm có đặc điểm:

  • Khởi bằng sốt cao.
  • Bệnh cảnh thiên về Nhiệt.
  • Diễn biến theo quy luật nhất định, phân biệt các giai đoạn bệnh thành các bệnh cảnh theo hệ thống Vệ – Khí – Dinh – Huyết.
  • Bệnh thường diễn biến cấp tính, nhanh, nặng nề, nhiều biến chứng trầm trọng nếu không can thiệp kịp thời.
  • Nếu phát thành dịch thì được gọi là Ôn dịch.

Theo trường phái này, một bệnh dịch, từ “một người lây cho cả nhà, từ một nhà lây ra một phố, từ một phố lan ra cả thôn”. Khi diễn tiến, bệnh ảnh hưởng đến phần biểu, sau đó nhập lý, theo tuần tự Vệ, Khí, Dinh, Huyết. Ngoài ra, nguyên nhân gây ra dịch bệnh thì “không màu không mùi, không hình, không dạng”. Dịch bệnh có thể truyền từ người này sang người khác qua “thiên” (không khí) hoặc địa (tiếp xúc trực tiếp), và tác động đến người có chính khí hư, quan điểm khá tương đồng với bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch của YHHĐ.

Vệ phận chứng là giai đoạn sớm của bệnh truyền nhiễm. Các triệu chứng lâm sàng do tà khí xâm phạm vào cơ thể gây sốt, sợ lạnh nhẹ, ho khan không đàm, đau đầu, đau mỏi toàn thân, khô họng. Ngoài ra, còn thêm các triệu chứng đặc trưng cho từng loại tà khí gây bệnh như phong hàn, phong nhiệt, thấp nhiệt hay đàm thấp. Trong giai đoạn này, pháp trị là sớm trừ đi phong hàn hoặc phong nhiệt, dùng các vị thuốc như Quế chi, Ma hoàng, Kim ngân hoa, Liên kiều để làm giảm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh khi tà khí còn ở phần nông của cơ thể. Chức năng của vệ phận tương tự như hàng rào miễn dịch ở niêm mạc và hệ miễn dịch sơ khai trong y học hiện đại. Các thảo dược nêu trên có chứa các thành phần hoạt chất như Alkaloid, Flavon, Tinh dầu có tác dụng làm tăng sự ổn định của hàng rào niêm mạc, giảm tính thấm quá mức của niêm mạc ruột, thúc đẩy nhu động ruột, duy trì hàng rào cơ học của đường tiêu hóa, tăng dòng máu đến niêm mạc ruột, tăng cường chức năng thực bào, điều đó minh chứng thuốc YHCT có tác dụng điều hòa miễn dịch bằng cách điều chỉnh hoặc cân bằng sự tiết các cytokine của các tế bào miễn dịch niêm mạc như các IgA.

Khí phận là giai đoạn tiến triển của bệnh, tà từ biểu vào lý. Biểu hiện lâm sàng gồm có sốt cao, mặt đỏ, đau ngực, ho, đàm nhiều, khó thở. Ngoài ra, còn thêm các chứng bụng căng chướng, táo bón. Điều trị YHCT tập trung vào thanh nhiệt giải độc, sử dụng các vị thuốc như Đại thanh diệp, Xuyên tâm liên, Đại hoàng, Hoàng liên. Theo YHHĐ, đáp ứng miễn dịch thích ứng của cơ thể đang chống lại tác nhân gây bệnh và triệu chứng lâm sàng trong giai đoạn này là do miễn dịch quá mức (miễn dịch bệnh lý) gây tổn thương cơ thể. Làm gián đoạn diễn tiến bệnh trong giai đoạn này bằng các thuốc thanh nhiệt ở khí phận, là những dược liệu có tính kháng sinh, kháng viêm, nhuận trường… có thể làm giảm tử vong do nhiễm trùng nặng.

Dinh phận và huyết phận là do sự xâm nhập của tà khí vào đến tạng phủ. Biểu hiện lâm sàng bao gồm sốt cao, nóng lòng bàn tay bàn chân, kích thích bứt rứt, mụn nhọt phát ra da, xuất huyết. Y học cổ truyền tập trung điều trị thuốc lương huyết, hoạt huyết để khử ứ, chỉ huyết. Mặt khác, y học hiện đại xem giai đoạn này là giai đoạn nguy kịch của bệnh truyền nhiễm, bệnh sinh của giai đoạn này là rối loạn đông máu, suy đa cơ quan, nhiễm trùng huyết, do độc tố của vi khuẩn gây ra hội chứng đáp ứng viêm toàn thân. Giai đoạn này YHCT thường dùng các dược liệu như Kim ngân hoa, Liên kiều, Thanh hao, Chi tử, Cỏ mực có tác dụng kháng sinh, kháng viêm mạnh, phối hợp với bổ khí như Hoàng kỳ, Ngân hạnh, Cam thảo có tác dụng kháng oxy hoá, thu dọn gốc tự do, và giúp giảm tổn thương mô – tế bào.

Nguyên tắc điều trị bệnh truyền nhiễm trong YHCT

Tuỳ thuộc vào thể chất, cơ địa của người bệnh, mà diễn biến bệnh truyền nhiễm có thể diễn biến có theo quy luật hoặc không theo quy luật. Tuy nhiên, một điều không thay đổi là thầy thuốc cần nhận rõ trong biện chứng (chẩn đoán) dựa trên phản ứng của chính khí đối với tà khí. Chính khí là sức khoẻ của cá nhân người bệnh – sức đề kháng của cơ thể, Tà khí là nguyên nhân gây bệnh. Sức khoẻ tốt – sức đề kháng mạnh thì phản ứng cơ thể sẽ mạnh mẽ với tác nhân xâm nhập, bằng ngược lại cơ thể sẽ phản ứng yếu ớt – hư nhược.

Theo YHCT, chính khí là loại vật chất tinh vi trong cơ thể, được tạo nên bởi Khí tiên thiên (bẩm thụ di truyền từ cha mẹ) và Khí hậu thiên (do nuôi dưỡng từ nguồn ăn uống và hít thở khí trời), có chức năng giúp cơ thể đề kháng, điều hòa, sửa chữa và loại trừ tác nhân gây bệnh (với diễn tả này, có thể hình dụng hoạt động miễn dịch của YHHĐ). Tà khí là những nguyên nhân tác động gây bệnh bao gồm từ yếu tố môi trường như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa hoặc trạng thái tinh thần, hoặc do ăn uống, đều có thể làm tổn thương cơ thể gây cản trở hoạt động sinh lý bình thường. Cả rối loạn miễn dịch và rối loạn vi môi trường đều được xem như là yếu tố gây bệnh. Do đó, chức năng của chính khí là chống lại tà khí theo YHCT thì tương tự như chức năng bảo vệ và tự ổn định hóa của hệ miễn dịch. Khi tà khí tấn công cơ thể, chính khí đấu tranh chống lại chúng.

Bệnh sinh của nhiễm trùng với các biểu hiện lâm sàng phức tạp không chỉ liên quan đến tác nhân gây bệnh, mà có thể là liên quan đến cả sự suy giảm chính khí. Trong quá trình diễn tiến của bệnh truyền nhiễm, phản ứng của cơ thể là sự đấu tranh giữa chính khí và tà khí tăng lên, gây ra thực chứng. Cùng với diễn tiến của bệnh truyền nhiễm, chính khí dần trở nên hư yếu dẫn đến hư chứng. Do đó, điều trị bệnh truyền nhiễm theo y học cổ truyền không chỉ trực tiếp chống lại tác nhân gây bệnh mà còn phải nâng cao chính khí của cơ thể giúp điều chỉnh miễn dịch của cơ thể để loại trừ tác nhân gây bệnh.

Quan niệm chỉnh thể của YHCT là tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại ngoại tà bằng cách kết hợp điều trị ức chế tác nhân gây bệnh và điều chỉnh chức năng của các cơ quan và hệ miễn dịch. Trong nhiễm trùng nặng, như thực chứng, loại trừ các sản phẩm bệnh lý bằng cách thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, khử ứ, không chỉ làm giảm giải phóng các hóa chất trung gian gây viêm mà còn cải thiện các rối loạn vi tuần hoàn và xơ hóa mô. Trong hư chứng, khi chức năng của cơ thể suy yếu, kháng sinh hoặc kháng virus liều cao là chưa đủ, YHCT dùng thêm thuốc bổ khí dưỡng âm để tăng cường hiệu quả điều trị.

Điều trị YHCT còn phải tuân theo khí hậu, địa phương, và theo từng cá thể. Điều này phù hợp với đặc trưng dịch tễ học của bệnh truyền nhiễm, bao gồm các yếu tố như dân số, khí hậu, vùng địa lý. Ngay từ thế kỷ XVII, các thầy thuốc như Hải Thượng Lãn Ông đã nhận ra rằng các bệnh nhiễm trùng là bệnh “theo thời khí”, nó được gây ra bởi các yếu tố gây bệnh có tính lan truyền. Do đó, khí hậu, địa lý và yếu tố cá thể là các yếu tố quan trọng giúp ước đoán tính chất của bệnh và tác nhân gây bệnh. Năm 2003, dịch SARS thiên về khí hậu hàn thấp, khí hậu này thích hợp cho sự sao chép của virus. Sau đó, dịch biến mất dần từ miền nam đến miền bắc khi khí hậu ấm dần lên vào tháng 6 năm 2003. Mặc dù bệnh tay chân miệng xảy ra ở tất cả các mùa, nhưng dịch xảy ra vào mùa hè khi nhiệt độ và độ ẩm cao. Do đó, YHCT xem xét dịch tay chân miệng chủ yếu là thấp nhiệt. Các bệnh lây theo đường động vật tiếp xúc, như sốt xuất huyết dengue, virus Zika, chủ yếu xảy ra ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, do đó được xem là do thấp nhiệt theo y học cổ truyền.

Mỗi cá nhân khác nhau sẽ có biểu hiện lâm sàng theo YHCT khác nhau dù mắc cùng một bệnh truyền nhiễm theo YHHĐ. Các nghiên cứu thấy rằng người già, có viêm phế quản mạn thường có chứng huyết ứ sau khi nhiễm trùng ở phổi. Các xét nghiệm cận lâm sàng thấy rằng hematocrit, sự hoạt hóa các enzyme tiêu sợi huyết, hàm lượng nitric oxide, vận tốc máu chảy, sự kết tập tiểu cầu khác biệt giữa bệnh nhân có lâm sàng sốt, nặng ngực, khó thở ở nhóm có huyết ứ so với nhóm bệnh nhân không có chứng huyết ứ. Do đó, điều trị nhiễm trùng phổi ở người già có bệnh tim phổi mãn tính YHCT thường dùng thêm thuốc hoạt huyết. Trong một số nghiên cứu còn đề xuất rằng tính nhận cảm đối với một bệnh, do gen, thì tương tự với học thuyết thể tạng theo YHCT. Vì vậy, quan niệm y học và chăm sóc sức khỏe theo hướng cá thể hóa ngày càng được quan tâm.

Bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn

Kết hợp YHCT và YHHĐ làm cải thiện lâm sàng trong điều trị các bệnh lý truyền nhiễm do vi khuẩn. Các nghiên cứu cho thấy khi kết hợp thuốc YHCT với kháng sinh thường quy Tây y làm nâng cao hiệu quả lâm sàng trong điều trị viêm phổi cộng đồng và thúc đẩy tái phục hồi sớm ở bệnh nhân, làm giảm tỉ lệ tử vong. Các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng dùng Xuyên tâm liên với thành phần hoạt chất chính là andrographolide sulfonate, khi kết hợp với piperacillin và sulbactam làm cải thiện có ý nghĩa hiệu quả lâm sàng trên viêm phổi ở người cao tuổi: ho, đau họng… Xuyên tâm liên (một mình hoặc kết hợp điều trị thường quy) có tác dụng đáng kể trong việc cải thiện các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp cấp toàn bộ khi so sánh với chăm sóc thông thường và các liệu pháp thảo dược khác. Bằng chứng cũng cho thấy phối hợp Xuyên tâm liên giúp rút ngắn thời gian ho, đau họng khi so sánh với điều trị thường quy. Không có tác dụng ngoại ý nặng nào được báo cáo và tác dụng ngoại ý nhẹ chủ yếu là trên đường tiêu hóa⁽1⁰⁾.

Viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất gây tử vong ở bệnh nhân đột quỵ. So với điều trị triệu chứng đơn thuần, tỉ lệ phục hồi và hiệu quả của bài thuốc Thanh kim hóa đàm thang (thành phần gồm Hoàng cầm, Chi tử, Tri mẫu, Qua lâu nhân, Triết Bối mẫu, Mạch môn, Trần bì, Phục linh, Cát cánh, Tang bạch bì, Cam thảo) kết hợp với bài Tiểu thừa khí thang trong điều trị viêm phổi do biến chứng sau đột quỵ. Bệnh nhân viêm phổi với biến chứng nhiễm trùng huyết khi kết hợp điều trị kháng sinh Tây y với Sinh khương tán (Cương tàm, Thuyền thoái, Khương hoàng, Đại hoàng) làm cải thiện triệu chứng lâm sàng có ý nghĩa, đồng thời điểm APACHE2 giảm có ý nghĩa, các cytokine viêm như CRP, TNF-α, IL-6 cũng giảm.

Kết hợp thuốc YHCT và YHHĐ nổi bật trong hỗ trợ điều trị bệnh lao, đặc biệt lao kháng thuốc. Một phân tích gộp cho thấy Bách hợp cố kim thang kết hợp với thuốc kháng lao Tây y nâng cao hiệu quả gấp 1.28 lần so với chỉ dùng thuốc kháng lao Tây y đơn độc, dựa theo đánh giá tổn thương phổi, âm tính trên xét nghiệm đàm. Điều trị theo lý luận y học cổ truyền của lao bao gồm điều hòa âm dương khí huyết của toàn thân, kiện tỳ khí, bổ hư, trừ đàm thấp. Các thuốc này không chỉ cải thiện đáp ứng miễn dịch, giảm tổn thương phổi mà còn giảm tác dụng phụ của thuốc Tây y như nôn ói, tổn thương gan, thận, ngăn chặn hình thành dòng lao kháng thuốc.

Áp dụng nguyên tắc phù chính khu tà theo YHCT còn tạo hiệu quả điều trị nhiễm trùng kháng trị. Khi sử dụng kháng sinh phổ rộng, thời gian dài sẽ gây mất cân bằng hệ vi sinh đường hô hấp và tiêu hóa, dẫn đến các nhiễm trùng kháng trị. Viêm phổi kháng trị hình thành phụ thuộc vào các yếu tố như ký chủ, vi sinh vật và thuốc kháng sinh, trong đó vai trò quan trọng và yếu tố ký chủ. Hầu hết các nhiễm trùng kháng trị do vi khuẩn đa kháng và nhiễm trùng đa tác nhân. Thường xảy ra ở người già do có kèm theo tình trạng giảm miễn dịch và nhiều bệnh lý nền. Điều trị nhiễm trùng kháng trị bằng y học cổ truyền dựa trên chẩn đoán bệnh cảnh, thể tạng của bệnh nhân, giai đoạn lâm sàng. Bệnh sinh trong nhiễm trùng nặng và kháng trị theo y học cổ truyền là do hư chứng của khí huyết âm dương với sự trỗi lên của tác nhân gây bệnh nên cần phải tập trung vào phù chính đồng thời khu tà.

Trong một nghiên cứu về điều trị viêm phổi bằng YHCT trên người cao tuổi, tỉ lệ tử vong giảm rõ rệt, đặc biệt ở người trên 90 tuổi. Nghiên cứu của Li và cộng sự cho thấy rằng hiệu quả của YHCT trong điều trị viêm phổi ở người trên 80 tuổi đã thất bại với điều trị kháng sinh là khoảng 40%. Điều này cho thấy đánh giá hư thực là dấu hiệu quan trọng trong điều trị.

Bệnh do virus: Y học cổ truyền làm thuyên giảm nhanh chóng các triệu chứng lâm sàng do nhiễm virus với hiệu quả nổi bật là hạ sốt. Tuy nhiên, thời gian để acid nucleic của virus âm tính so với dùng thuốc kháng virus Tây y thì chậm hơn. Một vài nghiên cứu cho thấy Ma hạnh thạch cam thang, Ngân kiều tán, Liên hoa thanh ôn có tác dụng làm giảm nhanh triệu chứng của bệnh nhân cúm và làm giảm thời gian bị bệnh. Đặc điểm của điều trị sốt cao do nhiễm virus là giảm thân nhiệt từ từ và mất ít mồ hôi mà không có hiện tượng dội ngược. Theo quy luật của YHCT, cơ chế bệnh trung tâm của nhiễm virus thuộc về chứng khí phận và dinh phận, cần phải áp dụng pháp trị là thanh nhiệt khí phận và dinh phận bằng thuốc hạ và hãn. Thuốc phát hãn giúp làm giảm sốt bằng cách làm ra mồ hôi, trong khi thuốc tả hạ giúp hạ sốt bằng cách gây nhuận tràng.

Shigeki Nabeshima và cs (2012)⁽⁷⁾ đã báo cáo tác dụng của Ma hoàng thang (Ma hoàng, Hạnh nhân, Quế chi, Cam thảo) trong điều trị bệnh nhân nhiễm cúm mùa. Kết quả thấy rằng Ma hoàng thang làm giảm thời gian sốt có ý nghĩa so với Oseltamivir. Trước đó, vào năm 2007, Tomohiro Kubo và Hidekazu Nishimura cũng báo cáo nghiên cứu của họ về tác dụng hạ sốt của Ma hoàng thang trên trẻ em nhiễm cúm. Kết quả ghi nhận thời gian sốt ở nhóm Ma hoàng thang và nhóm kết hợp Ma hoàng thang với Oseltamivir ngắn hơn có ý nghĩa so với nhóm chỉ dùng Oseltamivir⁽2⁾. Đến năm 2019, một phân tích gộp của nhóm nghiên cứu Tetsuhiro Yoshino và cs⁽⁹⁾ đã báo cáo kết quả về hiệu quả hạ sốt của Ma hoàng thang qua phân tích 12 nghiên cứu lâm sàng được công bố từ đầu đến năm 2017. Kết quả Ma hoàng thang kết hợp nhóm NAIs (neuraminidase inhibitors) hiệu quả hơn NAIs đơn độc trong việc giảm thời gian sốt. Không có tác dụng phụ nào được báo cáo trong cả hai nhóm thuốc.

Trong dịch SARS, kết hợp YHCT với corticosteroid trong giai đoạn sớm làm giảm tử vong bằng cách giảm phảm ứng viêm quá mức do miễn dịch. Các nghiên cứu dược lý về thuốc y học cổ truyền cho thấy các thuốc nhóm bổ khí và khư tà tác dụng lên nhiều mục tiêu khác nhau tạo hiệu quả ức chế trực tiếp virus, giảm tổn thương do miễn dịch, kiểm soát phản ứng viêm do virus gây ra. Một báo cáo của Yun Luo và cs (2019)⁽⁶⁾ về tình hình ứng dụng YHCT trong dịch SARS tại Trung Quốc bên cạnh việc điều trị bằng YHHĐ. Tại Quảng Đông, một báo cáo hồi cứu về 77 ca SARS nặng có tổn thương phổi lan tỏa. Dữ liệu thấy 38% bệnh nhân nhập ICU, 62% bệnh nhân có thở máy. Tất cả bệnh nhân được điều trị YHHĐ, ngoài ra còn được sử dụng thuốc YHCT theo biện chứng luận trị. Các bài thuốc thường được dùng là Ngân kiều tán, Ma hạnh thạch cam thang, Cam lộ tiêu độc đan, Thanh dinh thang, Tam nhân thang. Với việc bổ sung thêm YHCT, 91% bệnh nhân được chữa khỏi, 9% bệnh nhân tử vong. Tác giả kết luận rằng thuốc YHCT có thể giúp cải thiện triệu chứng của bệnh. Khi so sánh với nhóm chỉ dùng YHHĐ tuy tỷ lệ tử vong khác nhau không có ý nghĩa, nhưng triệu chứng đau cơ khớp giảm có ý nghĩa (P<0.05).

Tóm lại

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để minh chứng cho vai trò của thuốc YHCT trong bệnh nhiễm trùng và truyền nhiễm, nhưng ít nhất loài người đã tồn tại đến ngày nay không chỉ nhờ vào Tây y. Sự phát triển của YHHĐ đã giúp nâng cao chất lượng sống, biết một cách tường tận hơn về nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh và từ đó sản xuất ra nhiều sản phẩm cùng phương tiện điều trị tích cực và trúng đích. Chúng ta cũng không phủ nhận vai trò của YHCT, cụ thể như trong bệnh truyền nhiễm, các thảo dược có vị đắng tính hàn được dùng điều trị ôn nhiệt bệnh, được khảo sát dược lý YHHĐ có hoạt tính kháng sinh, kháng viêm, và những thảo dược này đã được sử dụng điều trị ôn bệnh hơn 200 năm trước khi kháng sinh Tây y được khám phá. Hơn thế nữa học thuyết ôn bệnh đã miêu tả tương đối gần với YHHĐ về nguồn gốc và sự lây lan của bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh, cũng như với thuật ngữ Chính khí – Tà khí đã nhận ra vai trò quan trọng của hệ thống miễn dịch trong sự tương tác với tác nhân gây bệnh, các ứng dụng trong điều trị ôn bệnh của YHCT sẽ là nguồn tham khảo vô giá cho các nghiên cứu kết hợp Đông – Tây trong điều trị bệnh truyền nhiễm nói riêng và ngăn ngừa dịch bệnh.

Tài liệu tham khảo:

  • He, Zhongping, et al. (2005), “Effects of severe acute respiratory syndrome (SARS) coronavirus infection on peripheral blood lymphocytes and their subsets”, International journal of infectious diseases. 9(6), pp. 323-330.
  • Kubo, Tomohiro and Nishimura, Hidekazu (2007), “Antipyretic effect of Mao-to, a Japanese herbal medicine, for treatment of type A influenza infection in children”, Phytomedicine. 14(2-3), pp. 96-101.
  • Leung, Ping-Chung (2007), “The efficacy of Chinese medicine for SARS: a review of Chinese publications after the crisis”, The American journal of Chinese medicine. 35(04), pp. 575-581.
  • Li, Jiang-Hong, et al. (2016), “Efficacy and safety of traditional Chinese medicine for the treatment of influenza A (H1N1): A meta-analysis”, Journal of the Chinese Medical Association. 79(5), pp. 281-291.
  • Liu, Jianping, et al. (2004), “Chinese herbal medicine for severe acute respiratory syndrome: a systematic review and meta-analysis”, Journal of Alternative & Complementary Medicine. 10(6), pp. 1041-1051.
  • Luo, Yun, et al. (2019), “Application of Chinese medicine in acute and critical medical conditions”, The American journal of Chinese medicine. 47(06), pp. 1223-1235.
  • Nabeshima, Shigeki, et al. (2012), “A randomized, controlled trial comparing traditional herbal medicine and neuraminidase inhibitors in the treatment of seasonal influenza”, Journal of Infection and Chemotherapy. 18(4), pp. 534-543.
  • Yang, Yang, et al. (2020), “Traditional Chinese medicine in the treatment of patients infected with 2019-new coronavirus (SARS-CoV-2): a review and perspective”, International journal of biological sciences. 16(10), p. 1708.
  • Yoshino, Tetsuhiro, et al. (2019), “The use of maoto (Ma-Huang-Tang), a traditional Japanese Kampo medicine, to alleviate flu symptoms: a systematic review and meta-analysis”, BMC complementary and alternative medicine. 19(1), p. 68.
  • Hu, Xiao-Yang, et al. (2017), “Andrographis paniculata (Chuān Xīn Lián) for symptomatic relief of acute respiratory tract infections in adults and children: A systematic review and meta-analysis”, PloS one. 12(8), pp. e0181780-e0181780.

Nguồn: ĐH Y dược TP. HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x