Theo luận trị của y học cổ truyền, hà thủ ô có 3 công dụng chính là làm đen râu tóc, có lợi cho việc sinh con và kéo dài tuổi thọ.
1. Nguồn gốc của tên gọi hà thủ ô
Nói đến hà thủ ô, nhiều người nghĩ rằng đó là tên gọi của một vị thuốc trong Đông y, kỳ thực đó vốn là danh tự của một người.
Chuyện xưa kể rằng: Vào đời Đường bên Trung Quốc có một người tên là Hà Điền Nhi ốm yếu từ nhỏ, năm 58 tuổi vẫn chưa có con, bởi vậy trong lòng phiền muộn khôn nguôi. Một hôm, họ Hà buồn quá bèn xuống núi uống rượu say đến nỗi nằm lăn ra ngủ cạnh bìa rừng mà không biết.
Khi tỉnh dậy, anh ta chợt nhìn thấy bên cạnh mình có một loại cây thân leo, từng cặp, từng cặp quấn chặt lấy nhau hồi lâu rồi buông ra và lại quấn với nhau rất là kỳ quái.
Đợi khi trời sáng, Hà Điền Nhi bèn đào lấy rễ cây đem về nhà kiên trì sắc uống. Sau nhiều tháng, tóc anh ta từ bạc trắng chuyển thành đen nhánh, thân hình trở nên cường tráng, trong 10 năm sinh liền mấy đứa con, sống thọ tới 160 tuổi.
Cháu nội của Điền Nhi là Hà Thủ Ô dùng thuốc cũng thọ tới 130 tuổi mà tóc vẫn còn đen bóng. Anh ta đem thuốc cho họ hàng và bà con làng xóm cùng dùng, bởi vậy mọi người gọi cây thuốc này là hà thủ ô.
Qua câu chuyện, chúng ta thấy hà thủ ô ít nhất có ba tác dụng: Làm đen râu tóc, có lợi cho việc sinh con và kéo dài tuổi thọ.
2. Công dụng của hà thủ ô
2.1 Hà thủ ô làm đen râu tóc
Theo quan niệm của y học cổ truyền, râu tóc có quan hệ mật thiết với tạng thận, thận tàng chứa tinh, tinh sinh huyết.
Tóc là phần thừa của huyết cho nên nếu thận hư yếu thì tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ nên sớm bạc và dễ rụng. Ngược lại nếu thận tinh sung túc thì râu tóc dày khỏe và đen bóng. Hà thủ ô có công dụng bồi bổ can thận, dưỡng huyết tư âm, bởi vậy khả năng làm đen râu tóc của vị thuốc này là điều dễ hiểu.
2.2 Hà thủ ô có lợi cho việc sinh con
Lý luận của y học cổ truyền cho rằng thận tàng tinh, chủ về việc sinh con đẻ cái. Nếu thận tinh sung túc thì sự sinh trưởng phát dục của cơ thể diễn ra thuận lợi, năng lực tính dục được khôi phục và nâng cao nên rất dễ sinh con.
Trong sách “Bản thảo cương mục”, danh y Lý Thời Trân đã ghi lại chuyện Minh Thế Tông Hoàng đế chữa khỏi được chứng bất dục bằng phương thuốc Thất bảo mỹ nhiệm đan trứ danh với chủ dược là hà thủ ô.
2.3 Hà thủ ô kéo dài tuổi thọ
Y học cổ truyền cho rằng, sự già yếu của con người cũng do quá trình suy giảm của thận tinh quyết định, bởi vậy việc sử dụng hà thủ ô lâu dài để bổ ích thận tinh cũng có tác dụng kéo dài tuổi thọ.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh hà thủ ô có tác dụng hỗ trợ điều chỉnh rối loạn lipid máu, hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng vữa xơ động mạch, bảo vệ tế bào gan, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, nâng cao khả năng miễn dịch, cải thiện hoạt động của hệ thống các tuyến nội tiết, đặc biệt là tuyến thượng thận và giáp trạng.
Ngoài ra, hà thủ ô còn có tác dụng kháng khuẩn, nhuận tràng và giải độc.
3. Bài thuốc từ hà thủ ô
3.1. Hà thủ ô 30g, gà mái 1 con, gia vị vừa đủ. Gà làm thịt, mổ bụng, rửa sạch. Hà thủ ô nghiền thành bột đựng trong túi vải buộc chặt rồi cho vào bụng gà. Tất cả đem hầm bằng nồi đất thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn trong ngày.
3.2. Hà thủ ô 60g, trứng gà 3 quả. Sắc hà thủ ô lấy nước bỏ bã rồi đập trứng vào đun chín là được
3.3. Hà thủ ô 30g, đại táo 3 quả, gạo tẻ 100g, đường đỏ 50g. Hà thủ ô ngâm nước 2 giờ rồi sắc trong 1 giờ, bỏ bã lấy nước đem nấu với gạo và đại táo thành cháo, chế thêm đường ăn trong ngày; Hoặc hà thủ ô 15-20g cho vào nồi đất hầm nhừ rồi cho thêm 100g gạo nấu tiếp thành cháo, chế thêm mật ong ăn khi đói bụng.
3.4. Hà thủ ô 20g, sơn tra 20g. Hai thứ thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút là dùng được, uống thay trà hàng ngày.
3.5. Hà thủ ô 120g, đương quy 60g, sinh địa 80g, rượu trắng 2.500ml. Các vị thuốc thái vụn gói trong túi vải rồi cho vào vò ngâm với rượu, nút kín để nơi thoáng mát khô ráo, sau 1 tuần có thể dùng được. Uống mỗi ngày 15ml vào buổi sáng.
3.6. Hà thủ ô 200g, kỷ tử 50g, long nhãn 200g, đinh hương 15g, mật ong 50g, rượu trắng 2.000ml. Các vị thuốc thái vụn ngâm với rượu trong 36 ngày là dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15-20ml.
3.7. Hà thủ ô 30g, ngưu tất 15g, sinh địa 15g, đương quy 15g. Các vị thái vụn hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
3.8. Hà thủ ô 50g, thỏ ty tử 25g, kỷ tử 25g, xích linh 50g, ngưu tất 50g, đương quy 25g, bổ cốt chi 12,5g, bạch linh 50g. Các vị tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g với mật ong pha rượu nhạt.
Cần lưu ý, khi dùng hà thủ ô nên kiêng ăn huyết động vật, hành, tỏi và củ cải. Khi bào chế không được dùng các dụng cụ bằng kim loại. Cách thức chế biến hà thủ ô khác nhau cũng cho tác dụng cũng khác nhau. Nhìn chung, hà thủ ô đã qua chế biến có công dụng bổ thận ích tinh, tư âm dưỡng huyết, còn hà thủ ô sống và tươi có công dụng thông tiện, giải độc.
Nguồn: Sức Khỏe Và Đời Sống