Nhân sâm – Panax ginseng, Araliaceae
Tên khác: Sâm Cao ly, Sâm Triều Tiên, Sâm Hàn Quốc.
Tên khoa học: Panax ginseng C. A. Meyer, họ Nhân sâm (Araliaceae).
Mô tả cây: Cây thuộc thảo, sống lâu năm, cao 0,5-0,7 m. Lá kép mọc vòng. Lá gồm 3-5 lá chét mọc thành hình chân vịt. Lá chét hình trứng, mép lá có răng cưa. Hoa tự hình tán mọc ở đầu cành, bắt đầu ra hoa từ năm thứ ba. Mùa hoa từ tháng 6-7. Quả mọng hơi dẹt khi chín có màu đỏ, trong chứa 2 hạt. Rễ củ dày, nạc, hình củ carot, màu trắng kem đến vàng nhạt, có nhiều rễ phụ, dài khoảng 5-25 cm, đường kính từ 5-30 mm.
Nhân sâm trồng có thân rễ kém phát triển. Vết tích lụi tàn hằng năm của lá trên củ có thể cho thông tin về số tuổi của cây.
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ củ (Radix Panacis), thường chỉ dùng làm thuốc các củ từ 4-6 tuổi. Có thể dùng ở dạng tươi hoặc khô. Đào củ, rửa sạch đất cát, chần qua nước sôi, cắt bỏ rễ con và bỏ lớp vỏ ngoài, phơi sấy khô để có bạch sâm. Các củ tốt có thể chế biến thành hồng sâm bằng cách hấp rồi phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học: Chứa saponin (chủ yếu thuộc nhóm dammaran thuộc nhóm protopanaxadiol và protopanaxatriol được gọi là các ginsenosid), polysaccharid, tinh dầu, hợp chất polyacetylen, gintonin….
Ginsenosid chính của Nhân sâm là G-Rg1 và Rb1. Ginsenosid Rf giúp phân biệt Nhân sâm và Sâm Mỹ. Hồng sâm có thêm các thành phần saponin kém phân cực hơn do bị cắt đường do quá trình chế biến như G-Rg3, G-Rh1…
Công dụng và cách dùng: Nhân sâm có tác dụng bổ, tăng lực, tăng sức bền vận động, giúp cơ thể chống lại các điều kiện bất lợi bên ngoài, chống stress, hạ đường huyết, bảo vệ gan…
Theo Khoa Dược – Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH
- Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
- Điện thoại: 1900 636 891
- Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
- Website: DongYQuangMinh.vn