Cát cánh – Platycodon grandiflorus, Campanulaceae
Tên khác: Cánh thảo
Tên khoa học: Platycodon grandiflorus (Jacq.) A. DC., Campanulaceae (họ Hoa chuông).
Mô tả cây: Cây thảo đa niên, thân đứng cao 50-80 cm. Lá gần như không cuống, phía dưới mọc đối hay vòng 3-4 lá. Phiến lá hình trứng, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa. Lá phía trên nhỏ, có khi mọc so le.
Hoa to, hình chuông mọc riêng lẻ ở kẽ lá hay ngọn cành. Tràng hợp màu lam tím hoặc trắng. Quả nang hình trứng bao bọc trong đài tồn tại chứa nhiều hạt nhỏ.
Rễ củ có màu vàng nhạt ít khi phân nhánh.
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ (Radix Platicodigrandiflori) thu hái khi cây được 2 năm, vào mùa đông khi cây tàn lụi, rửa sạch, để nguyên hay được ngâm nước và cạo bỏ lớp vỏ ngoài, phơi hay sấy khô. Rễ hình trụ thuôn dần về phía dưới, đôi khi phân nhánh, phần trên còn sót lại gốc thân, có nhiều sẹo nhỏ, dài 5-15 cm, đường kính 0,7-2 cm. Mặt ngoài màu vàng nhạt đến vàng nâu nhạt, có nhiều rãnh dọc và nếp nhăn ngang. Thể chất dòn, mặt bẻ thô, không có xơ. Mặt cắt ngang màu trắng ngà có vân như hoa cúc. Không mùi, vị ngọt sau nhẫn đắng.
Thành phần hóa học: Thành phần hóa học chính của rễ Cát cánh là các saponin triterpen chia làm 3 nhóm: acid platycodic, acid platycogenic và acid polygalacic. Cho đến nay có khoảng hơn 75 triterpen glucosid được phân lập từ rễ Cát cánh trong đó platycodin A là thành phần chính, ngoài ra còn có platycodin C, platycodin D, deapioplatycodin D.
Rễ Cát cánh còn có flavonoid (platyconin, apigenin, luteolin, platycosid…) các acid phenol, polyacetylen, sterol, acid béo (acid linoleic) và amino acid.
Công dụng và cách dùng: Cát cánh được dùng điều trị ho, ho ra máu, viêm họng, hen suyễn, tức ngực.
Ghi chú:Tính phá huyết của Cát cánh rất mạnh. Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai.
Theo Khoa Dược – Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH
- Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
- Điện thoại: 1900 636 891
- Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
- Website: DongYQuangMinh.vn