BÀNG QUANG TĂNG HOẠT: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

bàng quang tăng hoạt

Kết quả thống kê ở Mỹ cho thấy, có tới 30% nam giới và 40% phụ nữ ở Hoa Kỳ bị bàng quang tăng hoạt. Thế nhưng, nhiều người bệnh lại không biết hoặc ngại ngùng không dám chia sẻ khiến cho cuộc sống bị ảnh hưởng hoặc gặp phải biến chứng. Các chuyên gia Tiết niệu Thận học cho rằng, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị và chăm sóc hiệu quả tình trạng này để người bệnh có thể cảm thấy thoải mái hơn.

Bàng quang tăng hoạt là gì?

Bàng quang tăng hoạt hay bàng quang hoạt động quá mức (Overactive bladder – OAB) là tình trạng co bóp không đúng lúc của bàng quang, gây ra cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên, đột ngột và khó kiểm soát. Người bị bàng quang tăng hoạt có cảm giác muốn đi tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm và cũng có thể bị tiểu gấp. Do đó, nếu có tổng số lần đi tiểu trên 8 lần/ngày hoặc trên 2 lần vào ban đêm, bạn nên nghĩ đến chứng bàng quang tăng hoạt.

bàng quang tăng hoạt

Tình trạng bàng quang hoạt động quá mức không gây nguy hiểm, nhưng có thể khiến người bệnh cảm thấy tự ti, ảnh hưởng đến công việc và gây cản trở trong sinh hoạt hàng ngày. May mắn là bàng quang tăng hoạt có thể được chẩn đoán nhanh chóng và điều trị hiệu quả, trả lại sự tự tin cho người bệnh.

Triệu chứng bàng quang tăng hoạt

Theo các chuyên gia Trung tâm Tiết niệu Thận học, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, nếu bị bàng quang tăng hoạt, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây:

  • Cảm thấy đột ngột muốn đi tiểu và sợ bị rò rỉ nước tiểu
  • Tiểu gấp ngay khi vừa có cảm giác buồn tiểu
  • Đi tiểu thường xuyên, trên 8 lần trong 24 giờ
  • Thức dậy hơn 2 lần trong đêm để đi tiểu
  • Nguyên nhân khiến bàng quang hoạt động quá mức

Nguyên nhân gây bệnh bàng quang rất đa dạng và đến nay vẫn còn chưa được khảo sát đầy đủ. Song, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là:

Co thắt bàng quang không chủ ý

Bàng quang hoạt động quá mức xảy ra do các cơ của bàng quang co thắt một cách không chủ ý, ngay cả khi lượng nước tiểu trong bàng quang của bạn thấp. Những cơn co thắt không tự chủ này tạo ra nhu cầu đi tiểu gấp ở người bệnh. Ngoài ra, người bị co thắt bàng quang không chủ ý có thể do:

Rối loạn về thần kinh như đột quỵ, bệnh đa xơ cứng…

Bệnh tiểu đường

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ

Bất thường trong bàng quang như khối u hoặc sỏi

Các yếu tố cản trở dòng chảy của bàng quang như phì đại tuyến tiền liệt, táo bón hoặc do người bệnh từng trải qua các cuộc phẫu thuật trước đó để điều trị chứng tiểu không kiểm soát

Các yếu tố khác có thể liên quan đến các tình trạng bàng quang tăng hoạt:

Người dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc gây cảm giác khát, muốn uống nhiều nước

Người tiêu thụ quá nhiều caffeine hoặc rượu bia

Người bị suy giảm chức năng nhận thức do lão hóa, khiến cho tín hiệu từ não đến bàng quang bị rối loạn

Người đi đứng khó khăn nên khi bàng quang đầy, không kịp vào nhà vệ sinh

Người thường không tiểu sạch có thể dẫn đến các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt vì ít không gian lưu trữ nước tiểu

Các yếu tố nguy cơ

Tuổi tác: Người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị bàng quang tăng hoạt và gặp các vấn đề về đường tiết niệu do tăng sinh tuyến tiền liệt, bệnh tiểu đường…

Nhận thức suy giảm: Những người từng bị đột quỵ hoặc mắc bệnh Alzheimer cũng có nhiều nguy cơ gặp tình trạng này. Bởi não bộ mất khả năng kiểm soát việc quản lý bàng quang, thời gian tích nước và nhắc nhở đi tiểu…

Người mang thai nhiều lần: Nhóm người này sẽ dễ bị suy yếu cơ sàn chậu, dẫn đến tình trạng bàng quang tăng hoạt, tiểu không kiểm soát…

Biến chứng bàng quang tăng hoạt

Tình trạng tiểu không kiểm soát tuy không gây nguy hiểm tính mạng, nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cụ thể, khi không được điều trị đúng cách người bệnh phải đối mặt với các vấn đề sau:

  • Thường xuyên viêm nhiễm đường tiết niệu, các phần phụ
  • Cảm thấy tự ti, bất an, thậm chí là trầm cảm
  • Rối loạn giấc ngủ và chu kỳ giấc ngủ bị gián đoạn
  • Gặp nhiều vấn đề liên quan đến tình dục
  • Phương pháp chẩn đoán

Theo các chuyên gia Tiết niệu Thận học, để đưa ra phương án điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp như sau:

Hỏi tiền sử bệnh

Người bệnh sẽ được hỏi về các triệu chứng gặp phải, thời gian bao lâu và mức độ ảnh hưởng lên cuộc sống. Tiền sử bệnh sẽ bao gồm câu hỏi về các vấn đề sức khỏe trong quá khứ và hiện tại của người bệnh.

Đồng thời, người bệnh cũng nên mang theo danh sách các loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn đang dùng. Bác sĩ cũng có thể hỏi người bệnh về thói quen ăn uống, lượng chất lỏng nạp vào ban ngày và ban đêm…

Khám sức khỏe

Để tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn, bác sĩ cũng có thể sờ bụng và khám các cơ quan trong khung chậu và trực tràng… bằng các dụng cụ chuyên dụng.

Để đánh giá mức độ bất thường, người bệnh sẽ được yêu cầu ghi nhật ký bàng quang trong một vài tuần để đánh giá các triệu chứng hàng ngày. Thông tin bao gồm: số lần đi vệ sinh, thời điểm bị rò rỉ nước tiểu… để kiểm tra: thời điểm và lượng chất lỏng nạp vào; số lần và khoảng thời gian đi vệ sinh; tần suất của cảm giác khẩn cấp; thời điểm và mức độ nước tiểu bị rò rỉ…

Các phương pháp xét nghiệm khác

Xét nghiệm nước tiểu để tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng hoặc máu

Chụp bàng quang để đo lượng nước tiểu trong bàng quang sau khi đi vệ sinh.

Các xét nghiệm khác như soi bàng quang hoặc đo niệu động học cũng có thể được chỉ định khi bác sĩ cần kiểm tra sâu hơn.

bàng quang tăng hoạt

Phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh bàng quang tăng hoạt mà các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, tuân thủ nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp và có thể riêng lẻ hoặc phối hợp nhiều liệu pháp cùng một lúc. Cụ thể như sau:

Thay đổi lối sống

Để điều trị bàng quang tăng hoạt, trước tiên các bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh thay đổi lối sống. Những thay đổi này cũng có thể được gọi là liệu pháp hành vi nhằm mang đến những chuyển biến tích cực cho sức khỏe. Theo đó, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên:

Hạn chế thức ăn và đồ uống tác động lên bàng quang: Có một số loại thực phẩm và đồ uống được biết là có thể gây kích thích bàng quang, tạo nhiều nước tiểu như cà phê, trà, rượu bia, soda và đồ uống có gas, một số trái cây họ cam quýt, cà chua, sô cô la đen, thức ăn cay… Người bệnh nên thử loại bỏ một số loại thực phẩm không phù hợp ra khỏi chế độ ăn uống để cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời bổ sung thêm chất xơ như yến mạch, rau xanh… vào chế độ ăn để cải thiện tiêu hóa.

Ghi nhật ký bàng quang: Viết ra giấy số lần đi vệ sinh trong một ngày, thực hiện liên tục 1 tuần có thể giúp bạn hiểu cơ thể mình hơn. Nhật ký này cũng có thể giúp người bệnh mối liên hệ giữa thực phẩm, thuốc điều trị với tình trạng xấu đi của các triệu chứng.

Tiểu sạch 2 lần: Điều này có thể hữu ích cho những người gặp khó khăn trong việc làm rỗng hoàn toàn bàng quang. Để thực hiện biện pháp này, sau khi đi vệ sinh, bạn đợi vài giây rồi thử lại một lần nữa để tống sạch nước tiểu ra ngoài.

Tập trì hoãn đi tiểu: Để chữa bằng liệu pháp hành vi này, người bệnh nên tập đợi trước khi vào nhà vệ sinh khoảng 1-2 phút rồi dần dần tăng lên, nhằm làm tăng khả năng trữ nước của bàng quang.

Đi tiểu đúng giờ: Người bệnh cần tuân theo lịch đi vệ sinh hàng ngày, thay vì đi khi muốn với mục đích ngăn chặn cảm giác khẩn cấp và giành lại quyền kiểm soát bàng quang. Muốn làm được điều này, người bệnh cần phải trao đổi với các bác sĩ để được sắp xếp lịch trình hợp lý.

Tập các bài tập giúp thư giãn và làm khỏe cơ bàng quang: Bài tập Kegel là một lựa chọn phù hợp, giúp thắt chặt các cơ vùng chậu nhằm tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu.

bàng quang tăng hoạt
Bài tập Kegel giúp tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu

Điều trị nội khoa và ngoại khoa

Dùng thuốc theo toa: Khi các biện pháp thay đổi lối sống không mang đến hiệu quả như mong muốn, bước tiếp theo có thể là dùng thuốc. Bác sĩ có thể chỉ định bằng dùng thuốc làm giãn cơ giúp ngăn bàng quang co bóp khi chưa đầy. Một số thuốc được dùng dưới dạng uống, gel hoặc miếng dán thẩm thấu qua da.

Điều trị bằng cách tiêm botox vào bàng quang: Botox có tác dụng thư giãn cơ của thành bàng quang để giảm tiểu gấp và tiểu không tự chủ. Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ gây tê cục bộ và sử dụng ống soi đưa vào bàng quang để tiêm một lượng nhỏ botulinum vào cơ bàng quang. Tác dụng của Botox kéo dài đến 6 tháng và điều trị lặp lại khi các dấu hiệu bàng quang tăng hoạt tái phát.

Kích thích thần kinh: Phương pháp này còn có tên gọi khác là điều hòa thần kinh. Phương pháp điều trị này thực hiện gửi các xung điện đến dây thần kinh có chung đường dẫn đến bàng quang, để bàng quang hoạt động bình thường và cải thiện các triệu chứng tăng hoạt. Có hai lại kích thích thần kinh gồm: kích thích thần kinh cùng và kích thích thần kinh chày. Mỗi liệu trình thường gồm 12 lần, tùy thuộc tình trạng bệnh.

Phẫu thuật mở rộng bàng quang bằng ruột non (hồi tràng): Với những bàng quang có thể tích nhỏ, độ giãn kém… gây bàng quang tăng hoạt, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, bác sĩ sẽ can thiệp bằng biện pháp này. Tuy nhiên, nhược điểm của phẫu thuật mở rộng bàng quang bằng ruột khá lớn nên người bệnh cần được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện sau khi đã áp dụng các biện pháp can thiệp ít xâm lấn khác không thành công.

Phòng ngừa bàng quang tăng hoạt

  • Lối sống lành mạnh có thể giúp tăng cường sức khỏe tổng thể nói chung và đường tiết niệu nói riêng. Do đó, tình trạng bàng quang tăng hoạt có thể được ngăn ngừa bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh:
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên
  • Hạn chế sử dụng cà phê, rượu bia…
  • Không hút thuốc lá
  • Kiểm soát chặt các bệnh mạn tính
  • Thực hiện bài tập Kegel để làm săn chắc cơ vùng chậu

Theo:BSNT.CKI CHÂU MINH DUY

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x