Các bệnh về tuyến giáp khá phổ biến; phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 5 – 8 lần so với nam giới. Riêng Hoa Kỳ, có khoảng 20 triệu người mắc 1 số bệnh liên quan đến tuyến giáp; trong đó, 13 triệu người mắc bệnh không được chẩn đoán. Vậy các bệnh về tuyến giáp nào thường gặp? Nguyên nhân và cách chẩn đoán ra sao?
Bệnh tuyến giáp là gì?
Bệnh tuyến giáp là thuật ngữ chung chỉ những rối loạn hormone do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc quá ít. Khi hormone không tiết đủ để duy trì nhịp độ chuyển hóa bình thường của cơ thể, dẫn tới suy giáp. Ngược lại, sản xuất quá nhiều hormone, tốc độ chuyển hóa tăng bất thường, dẫn đến bệnh cường giáp. Một số bệnh khác có thể không liên quan đến quá trình sản xuất hormone của tuyến giáp như bướu giáp (nhân giáp), ung thư tuyến giáp.
Bệnh tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Trong đó, phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 5 – 8 lần so với nam giới. Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ khác có thể kể đến như:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp.
- Mắc các bệnh: thiếu máu ác tính, tiểu đường tuýp 1, suy thượng thận nguyên phát, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Turner.
- Dùng thuốc có nhiều iod (amiodarone).
- Người trên 60 tuổi, đặc biệt phụ nữ.
- Từng điều trị bệnh tuyến giáp hoặc ung thư.
Nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp
Nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp khá đa dạng. Trong đó, cường giáp và suy giáp là 2 nguyên nhân phổ biến. Song, cường giáp và suy giáp cũng được hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau.
Các nguyên nhân gây suy giáp gồm:
- Viêm tuyến giáp: xảy ra trên tuyến giáp bình thường hoặc bướu giáp. Tình trạng này có thể khiến các hormone tuyến giáp tiết quá nhiều hoặc quá ít, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
- Viêm tuyến giáp Hashimoto: bệnh tự miễn do rối loạn miễn dịch chống lại chính mô của cơ thể, khiến tuyến giáp không thể sản xuất hormone bình thường. Bệnh có xu hướng di truyền và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Riêng Hoa Kỳ, viêm tuyến giáp Hashimoto ảnh hưởng đến 2% dân số, phổ biến ở phụ nữ.
- Viêm tuyến giáp sau sinh: xảy ra ở 5% – 9% phụ nữ sau sinh.
- Thiếu iod: nguyên nhân chính gây suy giáp.
- Suy giáp bẩm sinh: tỷ lệ mắc bệnh 1/4.000 trẻ sơ sinh. Nếu không được điều trị, trẻ có thể gặp các vấn đề về thể chất, tinh thần.
- Rối loạn tuyến yên: dù hiếm khi xảy ra nhưng rối loạn tuyến yên có thể gây gián đoạn quá trình sản xuất hormone tuyến giáp.
- Điều trị cường giáp bằng iod phóng xạ.
- Tác dụng phụ của xạ trị trong điều trị 1 số bệnh ung thư.
- Phẫu thuật cắt bỏ 1 phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.
Các nguyên nhân gây cường giáp:
- Bệnh Graves: tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch dẫn đến sản xuất hormone tuyến giáp quá mức. Đây là 1 trong những dạng phổ biến nhất của cường giáp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức.
- Viêm tuyến giáp.
- Thừa iod: khi có quá nhiều iod, tuyến giáp sẽ tạo nhiều hormone hơn mức cần thiết.
- Khối u tuyến yên không phải ung thư.
- Ngoài các nguyên nhân kể trên, yếu tố di truyền và lối sống cũng có thể gây rối loạn tuyến giáp, như:
- Hút thuốc lá: chứa các chất ảnh hưởng đến tuyến giáp, gây viêm nhiễm, cản trở quá trình hấp thụ iod cũng như sản xuất hormone.
- Căng thẳng.
- Chấn thương tuyến giáp.
- Từng sử dụng 1 lượng lớn thuốc lithium và iod.
- Cường giáp và suy giáp là 2 nguyên nhân phổ biến
Dấu hiệu bệnh tuyến giáp
Khi tuyến giáp hoạt động bình thường, nhịp độ trao đổi chất trong cơ thể luôn ổn định, không quá nhanh hay quá chậm. Bất kỳ sự thay đổi nào của tuyến giáp cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, cần nhận biết bệnh sớm để có hướng điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Những dấu hiệu giúp nhận biết bệnh về tuyến giáp:
- Thay đổi cân nặng: người bệnh có thể tăng cân khi mắc suy giáp, hoặc giảm cân nếu mắc cường giáp.
- Nhạy cảm với nhiệt độ.
- Mệt mỏi, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Trầm cảm, lo lắng.
- Gặp các vấn đề ở cổ hoặc họng: sưng, đau, khó nuốt hoặc thở, khàn giọng,…
- Da khô hoặc phát ban bất thường, tóc dễ gãy rụng, móng tay giòn.
- Các bệnh về tiêu hóa: với suy giáp, người bệnh có thể bị táo bón dai dẳng. Trong khi cường giáp gây tiêu chảy, phân lỏng hoặc hội chứng ruột kích thích.
- Ảnh hưởng đến kinh nguyệt và khả năng sinh sản: bệnh tuyến giáp nếu kéo dài có thể gây rối loạn kinh nguyệt, tăng nguy cơ sảy thai, thậm chí vô sinh.
- Mắt: đỏ, sưng, mờ hoặc chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
- Chất lượng cuộc sống: sa sút trí nhớ, giảm khả năng tập trung,…
- Cơ, xương, khớp: đau cơ, khớp hoặc hội chứng ống cổ tay.
Các bệnh về tuyến giáp thường gặp
Tuyến giáp giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Cơ quan này có nhiệm vụ bài tiết, dự trữ và giải phóng 2 hormone T3 (Triiodothyronine) và T4 (Thyroxine), hỗ trợ quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động bất thường sẽ gây 1 số bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Cường giáp
Cường giáp là hệ quả khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Triệu chứng của cường giáp:
- Nhịp tim nhanh.
- Run tay, khó ngủ, đổ nhiều mồ hôi.
- Lo lắng, cáu gắt và có cảm giác nóng.
- Giảm cân ngoài ý muốn.
- Rối loạn kinh nguyệt.
Suy giáp
Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không tiết đủ hormone, từ đó làm chậm quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Bệnh gặp nhiều ở phụ nữ. Riêng Hoa Kỳ, suy giáp ảnh hưởng đến 4,3% người từ 12 tuổi trở lên.
Các triệu chứng của suy giáp:
- Cảm giác lạnh.
- Người mệt mỏi.
- Da và tóc khô, tăng cân.
- Trí nhớ kém, nhịp tim chậm.
- Trầm cảm.
- Rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến sinh sản.
- Táo bón, rụng tóc.
- Bướu cổ hoặc phì đại tuyến giáp.
Bướu giáp (bướu cổ)
Bướu giáp hay còn gọi là bướu cổ hình thành do kích thước tuyến giáp gia tăng hoặc sự phát triển tế bào bất thường. Bệnh phổ biến ở phụ nữ trên 40 tuổi. Ước tính có khoảng 15,8% dân số trên toàn thế giới mắc bướu giáp, trong khi tỷ lệ này ở Hoa Kỳ là 4,7%.
Bướu giáp do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể kể đến như:
- Thiếu iod trong chế độ ăn.
- Bệnh Graves.
- Suy giáp bẩm sinh.
- Viêm tuyến giáp.
- Khối u tuyến yên.
Triệu chứng thường thấy của bướu cổ:
- Sưng hoặc căng ở cổ.
- Khó thở hoặc nuốt.
- Khàn giọng.
Ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp xảy ra khi tế bào ác tính (ung thư) hình thành từ các tế bào của tuyến giáp. Đây là loại ung thư phổ biến.
Những yếu tố khiến người bệnh dễ mắc ung thư tuyến giáp:
- Người từ 25 – 65 tuổi, đặc biệt phụ nữ.
- Từng tiếp xúc với các tia bức xạ.
- Đã từng mắc bướu cổ.
- Mắc bệnh di truyền, chẳng hạn như ung thư tuyến giáp thể tủy.
- Tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp, bướu cổ hoặc bệnh tuyến giáp khác.
Ung thư tuyến giáp chia thành hai nhóm: ung thư tuyến giáp thể biệt hoá và ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá.
Nhóm ung thư tuyến giáp thể biệt hoá tiến triển chậm, tiên lượng tốt, gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến giáp nhú.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp loại kết hợp thể nhú và nang.
Nhóm ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá thường nhanh di căn, gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hoá.
Biến chứng của các vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) có thể gây 1 loạt các biến chứng, gồm:
- Phì đại tuyến giáp, bướu cổ.
- Gặp các vấn đề về tim mạch.
- Giảm chức năng thận.
- Tổn thương thần kinh: gây ngứa ran, tê, đau ở chân, cánh tay hoặc các vùng bị ảnh hưởng khác.
- Dị tật bẩm sinh.
- Sảy thai hoặc sinh non.
- Các vấn đề sức khỏe tâm thần: trầm cảm.
- Hôn mê phù niêm.
Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) có thể dẫn đến 1 số biến chứng như:
- Các vấn đề về mắt: mắt lồi, mờ, thậm chí mất thị lực.
- Tim mạch: nhịp tim nhanh, suy tim.
- Loãng xương.
- Da đỏ, sưng tấy, xảy ra ở cẳng chân và bàn chân.
- Nhiễm độc giáp.
Cận lâm sàng trong chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp
Chẩn đoán các bệnh tuyến giáp có thể dựa trên cả triệu chứng lâm sàng lẫn dấu hiệu cận lâm sàng. Một số phương pháp cận lâm sàng trong chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp được sử dụng gồm:
Siêu âm tuyến giáp
Là phương pháp thường được chỉ định để kiểm tra tuyến giáp. Bằng cách sử dụng sóng âm thanh để quan sát hình ảnh của tuyến giáp. Phát hiện các nhân tuyến giáp bất thường, hoặc các biểu hiện của bệnh cường giáp, suy giáp, viêm giáp,…
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
Xét nghiệm máu để chẩn đoán và kiểm tra T3, FT4, TSH. Chỉ số bình thường khi T3, FT4, TSH nằm trong ngưỡng tham chiếu. Khi các chỉ số nằm ngoài ngưỡng tham chiếu được xem là bất thường.
Các xét nghiệm máu bổ sung:
Kháng thể tuyến giáp.
Calcitonin: sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể tủy.
Thyroglobulin: chẩn đoán viêm tuyến giáp và theo dõi điều trị ung thư tuyến giáp.
Xét nghiệm anti – TPO
Peroxidase tuyến giáp (TPO) là enzyme đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hormone tuyến giáp. Xét nghiệm anti – TPO giúp phát hiện các kháng thể chống lại TPO trong máu. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh tuyến giáp, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm kháng thể TPO và các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân.
Xét nghiệm Tg và TgAb
Xét nghiệm Tg giúp chẩn đoán và đánh giá hiệu quả trong điều trị ung thư tuyến giáp.
Xét nghiệm TgAb được sử dụng để kiểm tra nồng độ kháng thể trong máu, do cơ thể tạo ra chống lại hợp chất thyroglobulin (1 loại protein được sản xuất và sử dụng bởi tuyến giáp).
Kiểm tra độ tập trung Iod
Bệnh nhân được sử dụng 1 lượng iod nhất định trước khi thực hiện kiểm tra. Nếu tuyến giáp có độ tập trung iod cao, người bệnh được chẩn đoán mắc cường giáp và ngược lại.
Xạ hình tuyến giáp
Một lượng nhỏ iod phóng xạ được người bệnh sử dụng để kiểm tra sự hấp thu của các tế bào tuyến giáp. Các iod phóng xạ sau khi vào cơ thể sẽ bị bắt giữ bởi tế bào tuyến giáp. Tiếp đó, bác sĩ sẽ theo dõi các chất phóng xạ này nhằm ghi lại hình ảnh phục vụ cho việc chẩn đoán tuyến giáp và nhân giáp.
Sinh thiết tuyến giáp
Kỹ thuật này được thực hiện khi nghi ngờ có nhân giáp ác tính. Kỹ thuật này được thực hiện bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm. Sau khi lấy tế bào và dịch nhân ra ngoài, bác sĩ sẽ soi dưới kính hiển vi để xem có bất thường hay không. Xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp.
Điều trị các bệnh lý tuyến giáp
Những bất thường nào của tuyến giáp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động trao đổi chất trong cơ thể. Do đó, cần sớm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh tuyến giáp.
Thuốc
Có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lý tuyến giáp khác nhau. Dưới đây là một số thuốc trị bệnh tuyến giáp phổ biến được sử dụng cho các bệnh tuyến giáp:
Bệnh nhân suy giáp thường được điều trị bằng viên uống thay thế hormone hàng ngày levothyroxine. Tác dụng phụ như: đau đầu, tiêu chảy,… chỉ xảy ra khi người bệnh dùng quá nhiều levothyroxine.
Thuốc kháng giáp tapazole (hay methimazole) sử dụng cho bệnh nhân cường giáp.
Thuốc chẹn beta không điều trị cường giáp nhưng giúp làm giảm các triệu chứng do dư thừa hormone tuyến giáp gây ra.
Phẫu thuật
Người bệnh được tư vấn phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc 1 phần tuyến giáp khi:
Tuyến giáp to hoặc bướu cổ lớn.
Gặp các vấn đề nghiêm trọng về mắt do tuyến giáp hoạt động quá mức.
Không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Ung thư tuyến giáp.
Iod phóng xạ
Iod phóng xạ có thể sử dụng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát và kiểm soát các triệu chứng, khi không thể loại bỏ hoàn toàn ung thư tuyến giáp bằng phẫu thuật. Iod phóng xạ cũng có thể chỉ định trong trường hợp bệnh Basedow. Một số tác dụng phụ như: mệt mỏi, đau khi nuốt, khô miệng,… và thường khỏi sau vài tuần.
Làm thế nào để phòng ngừa các bệnh lý về tuyến giáp?
Kiểm tra sức khỏe định kỳ và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh! Khi phát hiện những bất thường ở cổ hoặc bất cứ vấn đề liên quan đến sức khỏe, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra, tư vấn điều trị. Việc phát hiện và chữa trị sớm sẽ giúp ngăn bệnh diễn tiến nặng.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng giúp hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh về tuyến giáp. Trong đó, iod giúp cân bằng, kích thích sản sinh các nội tiết tố cần thiết, giảm sự hình thành các khối u tuyến giáp. Tuy nhiên, cơ thể không tự tổng hợp iod mà phải cung cấp qua đường ăn uống.
Một số loại thực phẩm tốt cho người bệnh tuyến giáp có thể lưu ý để lựa chọn:
- Thực phẩm giàu iod như rong biển, tảo bẹ, hải sản: sử dụng mức độ vừa phải và hạn chế ở bệnh nhân cường giáp.
- Bổ sung trái cây và rau xanh: mồng tơi, diếp cá, rau muống,… giúp cải thiện các triệu chứng đau cơ, mệt mỏi, nhịp tim không đều.
- Nhóm axit béo, omega 3: có trong cá hồi, thịt bò, tôm,…
- Sữa chua ít béo: chứa nhiều iod, vitamin D tốt cho tuyến giáp.
- Các loại hạt: hạnh nhân, hạt điều,… là nguồn cung cấp magie cho cơ thể, giàu protein thực vật, vitamin B, vitamin E và các khoáng chất khác hỗ trợ tuyến giáp hoạt động hiệu quả.
- Bổ sung selen: có trong thịt bò, gà, cá, hàu, phô mai,…
Xem thêm: NHỮNG BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP LIÊN QUAN ĐẾN TUYẾN GIÁP
BS.CKI ĐỖ TIẾN VŨ
Nguồn: HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH