Triệu Chứng Và Những Biến Chứng Bệnh Cường Giáp

Cường giáp nếu không điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, bất thường về mắt, các vấn đề về kinh nguyệt và sinh sản…

Cường giáp là bệnh lý có liên quan đến tuyến giáp. Tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng trong nhiều chức năng chính của cơ thể bạn, bao gồm: Điều hòa thân nhiệt; Kiểm soát nhịp tim; Kiểm soát quá trình trao đổi chất (quá trình biến đổi thức ăn được đưa vào cơ thể thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động).

Khi tuyến giáp của bạn hoạt động bình thường, cơ thể trở nên cân bằng và tất cả các hệ thống hoạt động bình thường.

Cường giáp là gì?

Cường giáp, còn gọi là tuyến giáp hoạt động quá mức. Là tình trạng tuyến giáp tạo ra và giải phóng lượng hormone tuyến giáp cao. Tình trạng này có thể làm tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể.

Các triệu chứng thường gặp của cường giáp bao gồm nhịp tim nhanh, sụt cân, thèm ăn và lo lắng. Cường giáp có thể được điều trị bằng thuốc kháng giáp, i ốt phóng xạ… để làm chậm lượng hormone tuyến giáp tạo ra. Trong một số trường hợp, có thể dùng phẫu thuật để điều trị cường giáp bao gồm phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp.

biến chứng bệnh cường giáp
Trong một số trường hợp, có thể dùng phẫu thuật để điều trị cường giáp.

Ai có khả năng mắc cường giáp?

Bệnh cường giáp phổ biến hơn ở phụ nữ và những người trên 60 tuổi. Bạn có nhiều khả năng bị cường giáp nếu:

– Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.

– Gặp các vấn đề sức khỏe bao gồm: thiếu máu ác tính (do thiếu vitamin B12); bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2; suy thượng thận nguyên phát; rối loạn nội tiết tố.

– Ăn một lượng lớn thực phẩm có chứa i ốt (tảo, rong biển).

– Sử dụng thuốc có chứa i ốt.

– Đã mang thai trong vòng 6 tháng qua.

Triệu chứng cường giáp

Bệnh lý tuyến giáp chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong dân số. Tuy nhiên, tỉ lệ phát hiện vẫn chưa cao phần lớn do các triệu chứng của bệnh khá mơ hồ, dẫn đến hậu quả là khi bệnh nhân được phát hiện đã xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng (trên tim mạch, trên thai nhi đối với phụ nữ mang thai). Bệnh cường giáp đôi có những triệu chứng giống các vấn đề sức khỏe khác. Điều đó có thể làm cho nó khó chẩn đoán. Cường giáp có thể gây ra nhiều triệu chứng, bao gồm:

biến chứng bệnh cường giáp
Tuyến giáp phì đại, đôi khi được gọi là bướu cổ, có thể xuất hiện dưới dạng sưng ở cổ.

Giảm cân mà không cần cố gắng.

Nhịp tim nhanh (đánh trống ngực) hoặc nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim).

Hay cảm giác đói.

Lo lắng và khó chịu.

Run, thường là run nhẹ ở bàn tay và các ngón tay.

Đổ mồ hôi, cảm thấy nóng bức, tăng độ nhạy cảm với nhiệt.

Thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.

Tiêu chảy và đi đại tiện nhiều hơn.

Tuyến giáp phì đại, đôi khi được gọi là bướu cổ, có thể xuất hiện dưới dạng sưng ở cổ.

Mệt mỏi, yếu cơ.

Gặp các vấn đề về giấc ngủ thường là khó ngủ, giấc ngủ ngắn.

Da ấm, ẩm, mỏng.

Tóc mỏng, dễ gãy.

Lồi mắt.

biến chứng bệnh cường giáp
Ở người lớn tuổi có nhiều khả năng có các triệu chứng khó nhận thấy.

Người lớn tuổi có nhiều khả năng có các triệu chứng khó nhận thấy. Những triệu chứng này có thể bao gồm nhịp tim không đều, sụt cân, trầm cảm và cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi trong các hoạt động bình thường.

Biến chứng của cường giáp

Cường giáp nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

– Tim mạch: rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến cục máu đông, đột quỵ, suy tim và các vấn đề liên quan đến tim khác như rung nhĩ.

– Loãng xương và các vấn đề về cơ: xương yếu và dễ gãy.

– Bất thường mắt: bệnh Basedow sẽ gây lồi mắt, mắt sưng và đỏ, nhạy cảm ánh sáng, nhìn mờ, nhìn đôi và nặng nề nhất là mù.

– Bão giáp: là biến chứng hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong. Bão giáp thường xảy ra trên người bệnh cường giáp không điều trị hoặc điều trị chưa ổn định và có yếu tố thúc đẩy như phẫu thuật, nhiễm trùng, chấn thương…

– Các vấn đề về kinh nguyệt và sinh sản

– Nếu mắc cường giáp khi mang thai có thể dẫn đến huyết áp cao khi mang thai, cân nặng thai nhi khi sinh thấp, sẩy thai, sinh non.

Vì vậy, người bệnh cường giáp cần tuân thủ điều trị và tái khám định kì tại chuyên khoa nội tiết để kiểm soát tốt chức năng tuyến giáp và tránh những biến chứng.

Nguồn: Sức Khỏe và Đời Sống

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x