NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH CƯỜNG GIÁP

bệnh cường giáp

Cường giáp là bệnh lý xảy ra do tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất ra quá nhiều hormone vượt mức cần thiết của cơ thể. Nếu bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và đe dọa đến tính mạng người bệnh. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu khái quát về bệnh cường giáp và gợi ý địa chỉ điều trị bệnh cường giáp ở đâu tốt nhất.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cường giáp

Tuyến giáp là một tuyến có cấu trúc hình con bướm nằm ở phía trước cổ. Bộ phận này có chức năng tiết ra các loại hormone như Triiodothyronine (T3) và Thyroxine (T4) tham gia vào hoạt động chuyển hóa các chất, quá trình tăng trưởng và phát triển của cơ thể.

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất dư thừa hormone so với nhu cầu thực tế của cơ thể. Về lâu về dài cường giáp sẽ làm ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan khác như hệ cơ, xương, tim mạch, làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và tác động đến khả năng sinh sản của người bệnh.

Cường giáp có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

bệnh cường giáp

Sự phát triển quá mức của các nhân tuyến giáp

Nhân tuyến giáp chính là các khối u hình thành trong cơ quan này. Thông thường chúng là những khối u lành tính, rất ít các trường hợp tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên nếu chúng phát triển quá mức và tăng tiết quá nhiều hormone sẽ gây ra hiện tượng cường giáp.

Bệnh Basedow

Đa phần bệnh nhân cường giáp đều là do mắc phải bệnh Basedow. Nguyên nhân là do bản thân các kháng thể trong máu tự kích thích tuyến giáp sản xuất dư thừa hormone dẫn đến cường giáp.

Viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp có thể làm tổn thương cấu trúc của các nang tuyến giáp, gây rò rỉ hormone dự trữ trong tuyến giáp ra bên ngoài. Ban đầu viêm tuyến giáp sẽ gây cường giáp nhưng sau đó sẽ chuyển thành suy giáp. Một số loại viêm tuyến giáp có thể gây cường giáp rồi thoái chuyển thành suy giáp đó là: viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp âm thầm và viêm tuyến giáp sau sinh.

Lạm dụng hoặc sử dụng quá liều thuốc hormone tuyến giáp

Thuốc hormone tuyến giáp thường được dùng trong những trường hợp phải điều trị suy giáp. Nhưng nếu dùng quá liều có thể gây phản ứng ngược là cường giáp. Đó là lý do vì sao bệnh nhân suy giáp cần phải tái khám định kỳ để đo nồng độ hormone tuyến giáp trong suốt quá trình điều trị.

Tiêu thụ quá nhiều i-ốt

I-ốt khi đi vào cơ thể thông qua chế độ ăn uống hàng ngày sẽ được tuyến giáp sử dụng để tạo ra hormone. Vì vậy nếu ăn quá nhiều i-ốt sẽ kích thích hoạt động của tuyến giáp. Ngoài thức ăn thì một số loại thuốc cũng có chứa thành phần là i-ốt như thuốc tim amiodarone.

Triệu chứng cảnh báo bệnh cường giáp

Tuyến giáp tiết ra các hormone giúp hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động trao đổi chất diễn ra trong cơ thể. Nếu hormone được sản xuất ra quá nhiều sẽ khiến những hoạt động này gia tăng và quá tải. Khi đó bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như sau:

Thân nhiệt tăng, sốt nhẹ từ 37,5 – 38 độ C, đổ nhiều mồ hôi;

Lo lắng, bồn chồn, khó ngủ, dễ kích động, cáu gắt, rối loạn tâm thần, hoang tưởng, lú lẫn;

Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở khi gắng sức hoặc khi xúc động;

Đầu các ngón tay run rẩy;

Da mỏng, yếu cơ, tóc giòn dễ gãy;

Nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt;

Ăn khỏe nhưng vẫn bị giảm cân nhanh. Đôi khi có trường hợp lại tăng cân bất thường;

Tiêu chảy nhiều lần trong ngày;

Đối với nguyên nhân cường giáp là do bệnh Basedow sẽ gặp các vấn đề về mắt như: chảy nước mắt, chói mắt, lồi mắt, mắt nóng rát.

Cường giáp
Cường giáp khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi

Nếu không được thăm khám và điều trị, bệnh cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như tính mạng của bệnh nhân:

Rối loạn nhịp tim: có thể làm xuất hiện huyết khối lòng mạch, gây suy tim và các bệnh lý về tim mạch;

Bệnh mắt tuyến giáp: nhạy cảm với ánh sáng, song thị, đau mắt, nhìn mờ, mất thị lực;

Loãng xương;

Biến chứng khi mang thai: nguy cơ sinh non, sảy thai, huyết áp cao trong thai kỳ, trẻ chào đời có cân nặng thấp;

Cơn bão giáp: đây là trạng thái cấp cứu cực kỳ nguy hiểm có thể khiến bệnh nhân tử vong bất cứ lúc nào.

Vì tính chất nghiêm trọng của các biến chứng cường giáp nên nếu phát hiện cơ thể gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, tốt nhất người bệnh nên đi khám để được tư vấn điều trị ngay từ sớm.

Các phương pháp điều trị bệnh cường giáp

Mục tiêu trong điều trị cường giáp đó là bình ổn nồng độ hormone tuyến giáp, kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Việc lựa chọn phương pháp điều trị cần phải dựa trên các yếu tố sau:

Nguyên nhân gây bệnh;

Tuổi tác;

Khả năng đáp ứng điều trị;

Mức độ nghiêm trọng của bệnh;

Tác dụng phụ của thuốc;

Tình trạng hiện tại của cơ thể: ví dụ như có đang mang thai hay mắc bệnh tim mạch không,…

Sau đây là 3 phương pháp chính thường được áp dụng trong điều trị bệnh cường giáp:

Điều trị nội khoa

Dùng thuốc ức chế giao cảm đường uống: điều trị từ 18 – 24 tháng. Thường thì sau khi dùng thuốc 2 tháng đã có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh và khôi phục được chức năng tuyến giáp cho bệnh nhân.

Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sau khi điều trị cường giáp ổn định thì vẫn có thể mang thai và sinh nở như bình thường. Một số ít trường hợp có biến chứng giảm bạch cầu trong mấy tháng đầu dùng thuốc kháng giáp, hiếm gặp hơn là tình trạng tắc mật, vàng da.

Điều trị ngoại khoa

Bệnh nhân sẽ thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Có một số trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng tổn thương dây thần kinh quặt ngược gây ảnh hưởng đến giọng nói, suy giáp hoặc tổn thương tuyến cận giáp gây hạ canxi máu.

Xạ trị

Phương pháp điều trị bằng i-ốt phóng xạ thường được chỉ định cho những bệnh nhân ngoài 40 tuổi, sức khỏe yếu không phù hợp điều trị bằng nội khoa hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên xạ trị không được dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai vì có thể tiềm ẩn nguy cơ đột biến gen.

Ngoài ra nếu điều trị i-ốt phóng xạ trong thời gian dài cũng có thể gây suy giáp nên cần phải thay thế bằng dùng liệu pháp hormone levothyroxin suốt đời.

Xem thêm: Cường Giáp: Triệu Chứng Và Những Biến Chứng Bạn Cần Biết

 

Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn

Nguồn: Bệnh viện đa khoa MEDLATEC

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x