Cây Sanh – Chữa Ứ Huyết, Nhức Mỏi Chân Tay, Đau Xương

Cây sanh

Cây sanh

Tên khoa học: Ficus benjamina L.

Họ: Dâu tằm (Moraceae).

Công dụng: chữa ứ huyết do ngã hay bị đánh, bị thương, nhức mỏi chân tay, đau xương hoặc bị choáng, chữa lở loét, chữa ho và cắt cơn hen.

Cây sanh

Mô tả

  • Cây to, cao 10 – 20m, có khi hơn. Nếu trồng làm cảnh, cây chỉ cao vài chục cm. Thân hình trụ, màu nâu, phân cành ngay từ gốc, mang nhiều rễ phụ dài, buông thõng. Toàn cây có nhựa mủ. Cành mềm, nhẵn, khi khô có rãnh.
  • Lá mọc mọc so le hình trái xoan hay hình trứng, dài 5-9cm, rộng 3-5cm, gốc thuôn, đầu có mũi nhọn dài, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt, cuống dài 1 – 2 cm, có rãnh nông; lá kèm hình tam giác, dễ rụng.
  • Cụm hoa mọc ở cành già, gồm hoa đực và hoa cải trong một để lõm. Hoa đực ít, 2 lá đài to, nhị 1. Hoa cái có lá bắc hình dài thuôn, 3 lá đài nhẵn, bầu có u lồi ở đỉnh.
  • Quả phức không cuống, do đế hoa lõm chứa các quả thật ở trong, hình cầu hay bầu dục, lúc non màu xám, sau màu đỏ tươi; hạt nhỏ.
  • Mùa hoa: tháng 9 – 2.

Phân bố, sinh thái

Chi Ficus L. có đến 98 loài ở Việt Nam (Nguyễn Tiến Hiệp, 2003), trong đó nhóm các loài Si – Sanh,… có hình thái bên ngoài tương đối giống nhau.

Cây sanh có nguồn gốc ở vùng Ấn Độ – Malaysia, nhưng vùng phân bố hiện nay của nó có thể bao gồm toàn bộ các nước Nam Á, Đông Nam Á và cả Trung Quốc.

Cây thường xanh, ưa sáng, thường mọc rải rác trong các quần xã rừng thứ sinh, nhất là ở rừng núi đá vôi, đá granit hoặc đá phiến. Cây đã được đưa vào trồng làm cảnh từ lâu đời, ở các đình chùa, công viên, ven đường đi. Cây sanh còn là loài cây được trồng dưới dạng bon sai, bởi khả sống dai và có thể tồn tại được trong những môi trường hạn chế.

Nguồn trữ lượng cây sanh ở Việt Nam khá dồi dào. Trong vòng hơn mười năm trở lại đây, lá của các loài si và sanh được khai thác nhiều tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Sau đó được nấu thành cao, bán sang Trung Quốc để bào chế thuốc. Song với khả năng tái sinh chồi khoẻ, nên việc khai thác cành và lá nhìn chung không ảnh hưởng nhiều tới sự tồn tại của cây.

Bộ phận sử dụng

Nhựa, rễ phụ, lá.

Thành phần hoá học

Nhựa mủ có α – amyrin, berganten, imperatorin.

Tác dụng dược lý

  • Cao chiết quả cây sanh có hoạt tính kháng khuẩn và chống ung thư có ý nghĩa.
  • Cao chiết cây sanh loại bỏ rễ với ethanol 50% có tác dụng hạ nhiệt và lợi tiểu.

Tính vị, công năng

Lá có tác dụng hành khí, tiêu thũng, tán ứ.

Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, cây sanh được dùng chữa ứ huyết do ngã hay bị đánh, bị thương, nhức mỏi chân tay, đau xương hoặc bị choáng. Còn dùng chữa lở loét, chữa ho và cắt cơn hen.

  • Ở Ấn Độ, nước sắc lá trộn với dầu dùng đắp trị loét.
  • Ở Trung Quốc, lá tươi giã đắp trị đòn ngã, mụn nhọt.

Bài thuốc có cây sanh

Chữa đau nhức, ứ huyết: Nhựa cây sanh 10ml, hòa với 10ml rượu để uông hoặc xoa bóp.

Nguồn: Cuốn Danh Lục Cây Thuốc Việt Nam, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại: 1900 636 891
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x