Cúc hoa là một vị thuốc cổ trong Đông y. Cúc hoa có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nên cho tới nay vẫn là vị thuốc rất thông dụng, trong đó chủ trị các bệnh về mắt.
Dược liệu có vị cay ngọt, hơi đắng, màu vàng nâu, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, làm sáng mắt, chữa đau mắt lâu ngày, chảy nước mắt.
Hiện tượng ra gió chảy nước mắt Đông y học gọi là “Nghênh phong lưu lệ chứng”, “Khắc phong lưu lệ chứng”, hay “phong lệ nhãn”… Nguyên nhân dẫn tới chứng bệnh ra gió chảy nước mắt thường là do thể chất hư nhược, khi bị gió bên ngoài xâm phạm, tạng phủ suy yếu không đủ sức điều tiết dịch lệ, mà gây nên bệnh.
Về mặt điều trị, tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:
Chảy nước mắt do phong tà từ bên ngoài xâm phạm
– Biểu hiện: Mắt không đỏ không đau, nước mắt thường chảy ra, nhất là khi ra ngoài gặp phải gió lạnh; nước mắt trong, lỏng, không dính quánh. Nếu để lâu ngày không chữa trị, hai mắt sẽ bị mờ, khó phân biệt rõ được các vật.
– Phép chữa: Bình can, thanh nhiệt, khư phong.
– Bài thuốc ứng dụng: Cúc hoa 6g, câu kỷ tử 6g; hãm trà uống thay trà hàng ngày. Nếu bệnh tình nghiêm trọng, thêm: Ba kích nhục, nhục thung dung – mỗi thứ 9g; cùng sắc uống, hiệu quả sẽ rõ ràng hơn.
Chảy nước mắt do nội nhiệt trong cơ thể
Thường là do “can thận lưỡng hư” (hai tạng can và thận đều suy yếu).
– Biểu hiện: Hai mắt sưng thũng đỏ, đau nhức, sợ ánh sáng, nước mắt tương đối đặc và dính, thường hay xuất hiện đồng thời cùng với một số bệnh mắt khác.
– Phép chữa: Bổ ích can thận.
– Bài thuốc: Cúc hoa 6g, sinh thạch cao 15g; sắc nước uống hàng ngày. Bệnh tình tương đối nghiêm trọng, thêm: Hoàng cầm, hoàng liên – mỗi thứ 6g; cùng sắc uống, tác dụng sẽ tốt hơn.
Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị chảy nước mắt
– Bài 1: Vỏ táo tây 10g, đường trắng 15g; sắc nước uống ngày 2 lần; uống khi thuốc còn nóng.
– Bài 2: Tang thầm tử (trái dâu tằm chín) 20g, cà chua 1 quả; cho vào máy xay sinh tố nghiền nhuyễn, ăn hết một lần; ngày ăn 1-2 lần.
Đối phó với tình trạng đáng báo động của bệnh đau mắt đỏ
– Bài 3: Câu kỷ tử 100g, rượu trắng 1000ml, ngâm 1 tháng là sử dụng được; ngày uống 2 lần, mỗi lần một chén con, uống sau bữa ăn.
Trên đây là những bài thuốc chữa chảy nước mắt khi ra gió. Dược tính tự nhiên của cúc hoa và thuốc Đông y nói chung cần nhiều thời gian mới có hiệu quả, do đó người bệnh cần kiên trì trong quá trình điều trị. Bệnh lâu ngày không thuyên giảm hoặc trong một số trường hợp khác bệnh nhân có thể đến khám chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp.
Nguồn: Sức Khỏe Và Đời Sống