Cỏ Chét Ba

Cỏ chét ba

Tên gọi khác: Xà hàm uỷ, lăng thái, ngũ thất phong.

Tên khoa học: Potentilla sundaica (Blume) Kuntze

Tên đồng nghĩa: Fragaria sundaica Blume, Potentilla kleiniana Wight

Họ: Hoa hồng (Rosaceae)

Công dụng: chữa đau bụng, đi lỵ, cảm sốt, trẻ em kinh phong, nóng rét, nổi mẫn, lên sởi, ho gà, sưng hầu họng.

>>> Xem thêm: Cọ Xẻ

1. Mô tả

Cây thảo, sống một năm hay hai năm, cao 10 – 40 cm. Thân mọc thành tím dày, toả rộng hay đứng thẳng, có lông mềm.

Lá kép chân vịt, mọc so le, gồm 3 – 5 lá chét, hình bầu dục ngược, dài 0,5 – 4 cm, rộng 0,2 – 2 cm, gốc tròn, đầu từ hơi nhọn, mép khía răng tù, mặt trên nhẵn hoặc có ít lông, mặt dưới phủ đầy lông áp sát trên gân lá; lá kèm ở phía dưới, mỏng dính với cuống lá, có mũi nhọn, lá kèm ở trên hình bầu dục – mũi mác, nguyên hay hơi khía răng.

Cụm hoa có một số mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc đối diện với lá, một số khác lại tập hợp thành xim ngọn hay kẽ lá; hoa màu vàng, đài có lông lởm chởm ở mặt ngoài, mặt trong nhẵn, 10 răng xếp thành hai vòng, các răng phía trong hình mác, các răng ở ngoài thuôn hẹp hơn, đôi khi xẻ đôi; tràng 5 cánh hình trứng ngược, dài hơn đài; nhị 15 – 20, chỉ nhị nhẵn, thẳng và nhọn, bao phấn tròn, thuôn gốc, đế hoa có ít lông hoặc nhắn.

Quả bế nhỏ, nhẵn hoặc hơi sần sùi, hình trứng hoặc gần hình cầu, phình ra ở một đầu.

Mùa hoa: gần như quanh năm.

2. Phân bố, sinh thái

Chi Potentilla L. trên thế giới có khoảng vài chục loài, phân bố chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới và ôn đới ấm bắc bán cầu.

Ở Việt Nam, chi này có bốn loài. Loài cỏ chét ba hiện mới được biết ở một số tỉnh miền núi phía bắc, bao gồm: Lào Cai (Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương), Yên Bái (Lục Yên, Văn Chấn), Lai Châu (Phong Thổ); Hà Giang (Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn); Cao Bằng (Nguyên Bình); Lạng Sơn (Chi Lăng, Hữu Lũng); Hà Nội (Ba Vì); Vĩnh Phúc (Lập Thạch)… Trên thế giới, loài này phân bố ở Ấn Độ, Lào, Indonesia

Có chét ba là cây ưa ẩm, hơi chụi bóng; thường mọc thành đám nhỏ xen lẫn với cỏ ở ven rừng, chân đồi, ven đường đi hoặc trên chỗ đất trũng trên nương rẫy bỏ hoang. Cây mọc từ hạt vào đầu mùa xuân, sau khi ra hoa quả, sẽ tàn lụi vào cuối mùa thu. Song đôi khi mọc ở chỗ ẩm, cây có thể không bị tàn lụi trong mùa đông.

Cỏ chét ba tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Cây còn có khả năng mọc chồi khỏe ở các mấu.

Bộ phận dùng:

Toàn cây, bỏ rễ, thường dùng tươi hoặc phơi khô.

3. Thành phần hoá học

Trong cây chứa pedunculagin, potentilin, agrimonin.

4. Tính vị, công năng

Toàn cây cỏ chét ba vị đắng hơi cay, tính mát hơi hàn có công năng thanh nhiệt, giải độc, chi khái, khu phong, giảm thống (giảm đau), tiêu thũng. Cây có độc.

Sách “Bản kinh” ghi: Xà hàm uỷ lăng thải (tức là cỏ chét ba) vị đắng, cay, tính hàn, sách “Bàn thảo đồ kinh” ghi: vị cay, ngọt; còn sách “Thảo mộc tiện phương” lại ghi: vị ngọt, cay, có công năng thanh nhiệt, giải độc, khư phong, chỉ khái, tán ứ [TDTH, 1997, III: 343].

5. Công dụng

Cỏ chét ba toàn cây được dùng chữa đau bụng, đi lỵ, cảm sốt, trẻ em kinh phong, nóng rét, nổi mẫn, lên sởi, ho gà, sưng hầu họng. Liều dùng mỗi ngày 5 – 10g, hoặc 10 – 20g tươi, sắc với nước uống.

Để chữa đau họng, lấy khoảng 20g lá tươi rửa sạch, nhai rồi ngậm, nuốt nước dần để nước tiếp xúc nhiều ở chỗ họng đau.

Để chữa đau mắt đỏ, lấy lá và ngọn, rửa sạch, giã nát, cho vào miếng gạc đắp lên mắt.

Còn chữa lở loét, mụn, nhọt độc, chốc lở đầu, áp xe, đòn ngã tổn thương, rắn cắn và côn trùng đốt. Lấy cây tươi, rửa sạch, giã nát, rồi đắp lên các chỗ bị tổn thương.

Ở Ấn Độ, lá tươi giã nát đắp lên chỗ bị áp xe. toàn cây có tính chất săn se, giã nát và đắp chỗ rắn cắn, bò cạp đốt [Chopra et al., 2001: 202].

Ở Indonesia, cây cỏ chét ba được cho là độc, thường để dùng ngoài. Lấy toàn cây, rửa sạch, giã nát, đắp lên các chỗ khớp bị sưng đau, áp xe hoặc chỗ rắn cắn, rết đốt [Perry et al., 1980: 344] [Medicinal herb index, 1995: 102).

Bài thuốc có cỏ chét ba

Chữa ho và tổn thương nội tạng (internal injuries): Lấy khoảng 20g cỏ chét ba tươi, rửa sạch, nấu với trứng hoặc thịt lợn rồi ăn cả nước cả cái [Perry et al., 1980: 344].

Nguồn: Theo Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

>>> Xem thêm: Bổ Phế Kiện Phế Vương

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x