DÂY THẦN KINH TỌA: VỊ TRÍ, CẤU TẠO, CHỨC NĂNG VÀ CÁCH BẢO VỆ

Dây thần kinh tọa là một thành phần không thể thiếu trong hệ thống thần kinh của con người. Tuy bộ phận này nằm sâu trong cơ thể nhưng chúng lại rất dễ bị tổn thương. Bất kỳ kích thích nào xảy ra với dây thần kinh tọa (dù nhẹ) đều có thể gây nên những cơn đau buốt dữ dội mà không phải ai cũng biết cách kiểm soát hoặc đề phòng. Vậy, dây thần kinh tọa là gì? Vị trí, cấu tạo và vai trò của dây thần kinh tọa ra sao? Bạn cần làm gì để bảo vệ sức khỏe cho dây thần kinh tọa trước những nguy cơ gây bệnh? Cùng Đông Y Quang Minh tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

Dây thần kinh tọa là gì?

Dây thần kinh tọa, còn được gọi là dây thần kinh hông, chính là bó sợi thần kinh lớn nhất trên cơ thể người. Trái với tên gọi của mình, dây thần kinh tọa không phải là một dây thần kinh riêng lẻ, mà thực chất là một bó sợi, tức tập hợp của nhiều dây thần kinh khác nhau; bắt đầu từ vùng lưng dưới, di chuyển ở mặt sau của hông, mông, đùi, cẳng chân và gót chân. Do đó, dây thần kinh tọa là hệ thống dẫn truyền thần kinh chịu trách nhiệm chi phối một phần đáng kể hoạt động của da chân, cơ đùi, chân và bàn chân.

Vị trí và cấu tạo dây thần kinh tọa

Dây thần kinh tọa là một chùm dây thần kinh lớn bắt nguồn từ đốt sống L4 đến S3, nằm ở phần dưới của cột sống. Bên trong, chúng chứa các sợi thần kinh từ cả nhánh sau và nhánh trước của đám rối thắt lưng cùng (lumbosacral plexus) – một mạng lưới các sợi thần kinh trải dài từ đốt sống L1 đến S5, chịu trách nhiệm phân bố thần kinh cho bàng quang và hai chân.

Sau khi rời khỏi đốt sống thắt lưng:

Các sợi thần kinh từ đám rối thắt lưng cùng bắt đầu hợp nhất, tạo thành một bó sợi thần kinh duy nhất, gọi tắt là dây thần kinh tọa;

Chúng thoát qua khỏi lỗ tọa lớn (the greater sciatic foramen) – một hốc lớn của xương chậu, nằm dưới cơ hình lê (piriformis muscle) – một nhóm cơ nằm sâu trong mông, hỗ trợ cho việc nâng chân, xoay hông, xoay chân và bàn chân ra ngoài;

Sau đó, dây thần kinh tọa sẽ tiến sâu xuống khoang sau của đùi đến đầu dài của cơ nhị đầu đùi;

Ngay trước khi đến hố khoeo (mặt sau của đầu gối), dây thần kinh tọa được chia thành hai nhánh quan trọng, đó là:

  1. Nhánh thần kinh chày (tibial nerve): Tiếp tục đi xuống khoang sau của cẳng chân và bàn chân;
  2. Nhánh thần kinh hiển ngoài (common peroneal nerve / sural nerve): Còn được gọi là nhánh thần kinh mác chung, tiếp tục đi xuống khoang bên và khoang trước của cẳng chân và bàn chân.
  3. Bên cạnh nhánh thần kinh chày và nhánh thần kinh hiển ngoài, dây thần kinh tọa còn phân chia thành nhiều nhánh nhỏ hơn, chẳng hạn như:
  • Nhánh xương gót trong (medial calcaneal nerve): Là nhánh nhỏ hơn của dây thần kinh chày, giúp cung cấp cảm giác cho mặt trong của gót chân;
  • Dây thần kinh mác sâu (deep fibular nerve / deep peroneal nerve): Là nhánh nhỏ hơn của dây thần kinh hiển ngoài, còn được gọi là dây thần kinh cơ-da cẳng chân, giúp bạn duỗi ngón chân, cổ chân và bàn chân;
  • Dây thần kinh mác nông (superficial fibular nerve): Là nhánh nhỏ hơn của dây thần kinh hiển ngoài, giúp bạn lật và gập lòng bàn chân.
Minh họa hình ảnh dây thần kinh tọa và các nhánh liên quan

Kích thước dây thần kinh tọa

Sau khi rời khỏi đốt sống lưng, đường kính dây thần kinh tọa chỉ có kích thước khoảng 1 – 1.2 cm. Tuy nhiên, càng đi về phía chân, đường kính bó sợi thần kinh càng được mở rộng. Ở điểm dày nhất, dây thần kinh tọa có thể rộng đến 2 – 2.5cm đường kính (tương đương một đồng xu nhỏ).

Dây thần kinh tọa có chức năng gì?

Dây thần kinh tọa có 2 chức năng chính là dẫn truyền cảm giác và tín hiệu vận động để điều khiển mọi hoạt động cảm nhận và vận động của hai chân, cụ thể như sau:

Cảm giác: Dây thần kinh tọa truyền tải thông tin cảm giác từ phần lớn vùng hông, mặt sau và bên ngoài của đùi, phần lớn bề mặt của cẳng chân, và một phần của bàn chân.

Vận động: Dây thần kinh tọa điều khiển và kích thích một số cơ ở mông, đùi và cẳng chân. Nhờ có dây thần kinh tọa, chúng ta có khả năng gập / duỗi chân, đầu gối, bàn chân, ngón chân và di chuyển chân của mình.

Do đó, một chấn thương hoặc kích thích quá mức xảy ra tại dây thần kinh tọa cũng có thể gây ra mất cảm giác, dị cảm (rối loạn cảm giác), đau hoặc yếu ở cả phần thân dưới.

Các vấn đề có thể ảnh hưởng dây thần kinh tọa

Bất kỳ vấn đề nào có thể kích thích (gây viêm, chèn ép,…) hoặc làm tổn thương dây thần kinh tọa đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thần kinh tọa (thường là gây đau). Một số bệnh lý hoặc điều kiện phổ biến gây đau dây thần kinh tọa có thể bao gồm:

Bệnh lý / Điều kiện Nguyên nhân Yếu tố nguy cơ Triệu chứng
Thoát vị / thoái hóa đĩa đệm – Trượt đốt sống;

– Mắc bệnh gai cột sống;

– Chấn thương do tai nạn.

– Lão hóa;

– Ngồi sai tư thế trong thời gian dài;

– Lao động nặng;

– Lạm dụng chất kích thích (thuốc lá, rượu bia)

 

Đau mạnh ở mông, đùi sau, và có thể xuống lan xuống hết chân.

 

Hẹp ống sống – Mắc bệnh gai cột sống, bệnh Paget;

– Thoát vị đĩa đệm;

– Dây chằng dày;

– Ung thư cột sống;

– Chấn thương.

Đau, tê, yếu ở chân, đau buốt khi đi bộ

 

Chấn thương thần kinh tọa Bị chấn thương do tai nạn xe cộ, tham gia thể thao, rơi từ độ cao hoặc vết thương sắc nhọn. Không mặc đồ bảo hộ khi tham gia các hoạt động mạo hiểm, quá sức hoặc có tính đối kháng mạnh Đau, tê, mất cảm giác hoặc yếu ở phần dưới cơ thể.

Làm thế nào kiểm tra sức khỏe dây thần kinh tọa?

Để kiểm tra sức khỏe của dây thần kinh tọa, bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các đánh giá lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng. Dưới đây là một số phương pháp kiểm tra sức khỏe dây thần kinh tọa được sử dụng phổ biến hiện nay:

Một số vấn đề về đĩa đệm và cột sống có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa

Khám lâm sàng

Phỏng vấn người bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh lý, lịch sử dung thuốc cùng thói quen sinh hoạt, vận động và ăn uống để hình dung tổng quan về ca bệnh;

Kiểm tra đau: Bác sĩ dùng tay nhấn để tạo áp lực thật nhẹ lên các vùng quanh cột sống lưng và hông để xác định vị trí và mức độ của đau dây thần kinh tọa;

Kiểm tra chức năng cơ: Bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ phản xạ và chức năng của các cơ liên quan đến dây thần kinh tọa bằng cách yêu cầu người bệnh thực hiện một số bài tập vận động như: ngồi xổm, đi bằng gót chân, nâng cao đùi….

Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang: Giúp xác định nguyên nhân gây đau thần kinh tọa, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cấu trúc xương cột sống;

Chụp CT (chụp cắt lớp): Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn chụp X-quang về xương cùng một số mô mềm như dây thần kinh, mạch máu…

Chụp với chất cản quang: Khi kết hợp các công nghệ chụp CT hoặc X-quang với chất cản quang (một chất làm nổi bật mạch máu dưới tia phóng xạ), hình ảnh chẩn đoán thu được có thể giúp xác định chính xác vị trí dây thần kinh tọa bị tổn thương hoặc chèn ép;

Chụp MRI (cộng hưởng từ): Cho thấy hình ảnh chi tiết hơn chụp CT về cả xương và mô mềm (đĩa đệm, dây thần kinh, tủy sống, mạch máu…), giúp chẩn đoán toàn diện nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa;

Đo điện cơ đồ (electromyogram): Đo tốc độ dây thần kinh tọa truyền tải tín hiệu điện sinh học và mức độ phản ứng của cơ bắp liên quan, giúp xác định xem dây thần kinh có bị kích thích, chèn ép hay không;

Chụp ảnh màu Doppler: Giúp đánh giá lưu lượng máu trong các mạch máu gần dây thần kinh tọa;

Sinh thiết dịch tủy: Đôi khi được sử dụng để kiểm tra các bệnh trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch hoặc viêm tủy.

Lưu ý, mỗi người bệnh khi tiến hành kiểm tra sức khỏe dây thần kinh tọa có thể được yêu cầu thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm khác nhau. Trong mọi tình huống, bác sĩ sẽ là người chỉ định phác đồ chẩn đoán phù hợp, dựa trên triệu chứng và tình trạng sức khỏe riêng biệt của từng người bệnh.

Làm thế nào để giữ dây thần kinh tọa khỏe mạnh?

Minh họa ảnh chụp cột sống (khu vực thần kinh tọa) bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ (ảnh trái) và chụp cắt lớp với tia X (ảnh phải)

Để giữ dây thần kinh tọa khỏe mạnh, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:

Tập luyện nhóm cơ lõi (core muscle): Ưu tiên các bài tập tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ lõi (cơ bụng, cơ lưng dưới, cơ hông…) giúp bạn giảm tải một phần áp lực lên dây thần kinh tọa, góp phần giữ dây thần kinh tọa khỏe mạnh. Một số bài tập tốt cho nhóm cơ core bao gồm: bài tập plank tại chỗ, tập yoga hoặc tập với thiết bị pilates;

Duỗi cơ: Đôi khi, căng thẳng từ các cơ trong vùng hông và mông, đặc biệt là cơ hình lê (piriformis), có thể kích thích dây thần kinh tọa. Do đó, tập duỗi cơ, đứng lên thả lỏng chân hoặc di chuyển xung quanh bàn làm việc sau khi ngồi làm việc mỗi 60 phút có thể giúp giảm tải áp lực đè nén lên dây thần kinh tọa;

Chú ý tư thế ngồi: Ngồi sai tư thế trong thời gian dài làm tăng nguy cơ đau dây thần kinh tọa. Để bảo vệ vùng lưng dưới và khu vực xung quanh dây thần kinh tọa, bạn cần ngồi thẳng lưng khi làm việc, sử dụng ghế có chiều cao phù hợp với màn hình vi tính / mặt bàn, đồng thời sử dụng đệm / tựa lưng hỗ trợ để nâng đỡ vùng thắt lưng;

Giữ cân nặng lý tưởng: Thừa cân có thể gây tăng áp lực lên vùng cột sống và dây thần kinh tọa. Ngược lại, giữ một cân nặng lý tưởng, tăng cường vận động và ăn uống khoa học giúp tăng cường sức khỏe cơ xương sống, góp phần hạn chế tổn thương cho dây thần kinh tọa trong những tình huống chấn thương bất ngờ;

Hạn chế việc nâng vật nặng: Khi nâng vật nặng, hãy chú ý nâng đúng tư thế (giữ thẳng lưng, nâng vật nặng bằng cơ bắp đùi và chân), không nên cong lưng hoặc dồn hết lực vào lưng;

Không bỏ ví vào túi sau của quần: Nam giới thường có thói quen bỏ ví vào túi sau của quần và ngồi lên ví khi làm việc. Điều này gây cong vẹo cột sống khi ngồi; theo thời gian, có thể làm tăng nguy cơ đau dây thần kinh tọa do ngồi sai tư thế;

Hạn chế tối đa chấn thương: Bằng cách hạn chế tham gia những hoạt động mạo hiểm và kết hợp mặc trang phục bảo hộ đầy đủ khi tham gia lao động hoặc tập luyện thể thao, bạn hoàn toàn có thể chủ động làm giảm nguy cơ chấn thương lên dây thần kinh tọa;

Giữ tâm trạng tích cực: Căng thẳng tinh thần có thể tăng cường triệu chứng đau lưng và đau dây thần kinh tọa. Ngược lại, làm việc vừa sức, thực hành thiền, đọc sách, nghe nhạc hoặc áp dụng các phương pháp thư giãn khác có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe tổng thể, bao gồm cả dây thần kinh tọa;

Thăm khám bác sĩ thường xuyên: Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn theo dõi được tình trạng sức khỏe của dây thần kinh tọa, đặc biệt là khi bạn cảm thấy có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến các cơn đau ở vùng gần thắt lưng, đùi, mông và mặt sau của chân.

Tóm lại, với với vị trí và cấu tạo đặc biệt, dây thần kinh tọa là bộ phận chịu trách nhiệm chính trong việc dẫn truyền tín hiệu cảm giác và vận động cho gần như toàn bộ phần thân dưới của cơ thể. Hiểu rõ về dây thần kinh tọa không chỉ giúp bạn nhận biết được những triệu chứng bất thường, mà còn giúp bạn “thấu hiểu” cơ thể của chính minh; từ đó, biết cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Nguồn: Nutrihome

  • CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH – Một Thành Viên của Tập Đoàn Zila Vietnam.
  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại: 1900 636 891
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x