Rút Dại – Aeschynomene Indica L

Rút Dại - Aeschynomene Indica L

Rút dại

Tên gọi khác: Rút nước, điền ma Ấn, điền tạo giác.

Tên khoa học: Aeschynomene indica L.

Họ: Đậu (Fabaceae).

Công dụng: chữa viêm nhiễm niệu đạo, tiểu tiện khó, đau trướng bụng, ỉa chảy, phù thũng, người già mắt mờ, mắt đỏ, quáng gà, viêm khí quản, viêm túi mật, hoàng đản, cam tích, mày đay, mụn nhọt, lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc.

Rút Dại - Aeschynomene Indica L

Mô tả

  • Cây thảo, sống hằng năm, thân hoá gỗ, cao 0,3 – 1,5m, có khi hơn, phân cành nhiều. Rễ có nhiều nốt sần. Thân cành hình trụ, màu lục hoặc tía, có nhiều tuyến dính hoặc gai nhỏ.
  • Lá kép lông chim chẵn, mọc so le, gồm rất nhiều lá chét, hình thuôn hẹp, xếp rất sít nhau; lá kèm nhỏ.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm, 2 – 4 hoa, màu vàng.
  • Quả thẳng, dẹt, thắt lại ở những đốt, khi chín các đốt rời nhau và rụng; hạt hình thận, màu nâu.
  • Mùa hoa: tháng 7 – 8; mùa quả: tháng 9 – 10.

Phân bố, sinh thái

Chi Aeschynomene ở Việt Nam có 5 loài, loài rút dại trên phần bố rải rác khắp các tỉnh thuộc vùng đồng bằng, trung du và ở cả vùng núi thấp. Tuy nhiên cây thường gặp nhiều ở các tỉnh từ miền Trung trở vào. Trên thế giới, loài này phân bố ở Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia.

Cây ưa sáng, thường mọc trên đất ngập nước nông, như gần bờ các ao hồ, đầm phá, kênh mương và ruộng trũng…

Bộ phận dùng

Toàn cây. Tủy cây.

Thành phần hoá học

  • Cây rút dại chứa vicenin – 2, reynoutrin, rutin, myricetin và robinin [Rain I. Rastogi et al., vol. 2, 1999, 18]. Theo Ueda Minoru et al., 1995, cây rút dại chứa trigonnellin là chất có tác động đến khép lá ban đêm (CA 123, 1995: 107808 e).
  • Quả chứa saponin, alcaloid, tanin [Trường Đại học Dược Trung Quốc, tập I, 1993, 2211].

Tác dụng dược lý

  • Độc tính cấp: Cao khô toàn cây rút dại tiêm phúc mạc cho chuột nhắt trắng có liều chết trung bình LD50 = 45 mg/kg. Như vậy, rút dại là cây có độc tính khá cao.
  • Tác dụng diệt tinh trùng: Như vậy là cao rút dại có tác dụng diệt tinh trùng ở chuột cống trắng [Dhawan, et al., 1977: 208].
  • Tác dụng trên hoạt động vận động tự nhiên: Kết quả cho thấy cao rút dại (được chế tạo như ở mục thử độc tính cấp) làm giảm hoạt động vận động tự nhiên của chuột (Dhawan et al., 1977).

Tính vị, công năng

  • Toàn cây rút dại vị ngọt, nhạt, tính hàn, có công năng thanh nhiệt, giải độc, bình can, minh mục, lợi niệu.
  • Tuỷ cây vị nhạt, hơi đắng, tính bình; có công năng thanh nhiệt, lợi thấp, thông tiểu, lợi sữa.
  • Rễ cây vị ngọt, tính hàn, có công năng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu tích, giải độc.
  • Hạt có độc, gây tổn thương não, rối loạn thần kinh.

Công dụng

  • Cây rút dại được dùng chữa viêm nhiễm niệu đạo, tiểu tiện khó, đau trướng bụng, ỉa chảy, phù thũng, người già mắt mờ, mắt đỏ, quáng gà, viêm khí quản, viêm túi mật, hoàng đản, cam tích, mày đay, mụn nhọt, ngoại thương xuất huyết.
  • Thường được dùng thay cho thông thảo hoặc mộc thông để lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc. Toàn cây hoặc rễ, ngày dùng 15 – 30g (dùng tươi 30 – 60 g); tuỷ cây 3 – 6g được dùng ưu tiên để lợi tiểu, lợi sữa, làm sáng mắt.
  • Thân và lá rút dại thường được ủ để làm phân xanh.
  • Gỗ nhẹ và chịu ẩm nên được dùng làm nguyên liệu sản xuất mũ, làm nút chai.

Chú ý: Hạt rút dại có độc, khi cây có quả, tuyệt đối không cho gia súc ăn.

Nguồn: Cuốn Danh Lục Cây Thuốc Việt Nam, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại:1900 636 891
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x