Sau sau

Sau sau

Tên tiếng Việt: Sau sau, Sau trắng, Thau, Phong hương, Mạy xâu (Tày), Meng đen (Dao), Che phai (Mường), Bạch giao hương

Tên khoa học: Liquidambar formosana Hance

Họ: Altingiaceae

Công dụng: Ho, hen suyễn, tiêu đờm, trung phong, đòn ngã tổn thương, phong thấp, tâm vị trướng đau, thuỷ thũng đầy trướng, đái khó, kinh nguyệt không đều, thiếu sữa, mề đay, viêm da, chàm

 

Mô tả

  • Cây to, cao 20 m hay hơn. Thân to, mọc  đứng, cành non có lông râm, sau nhẵn. Lá mọc so le, đài 13cm. rộng 19 cm, chia 3 thùy nông hình chân vịt, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu thuôn nhọn, mép khía răng đều, lá non màu hồng phủ nhiều lông hình sao, cuống lá dài 5 – 8 cm, lá kèm hình dài sớm rụng, lá rụng vào mùa đông và mọc lại sau khi cây ra hoa.
  • Hoa đơn tính cùng gốc, mọc ở gần đầu cành; cụm hoa đực dài 4 – 5 cm gồm những hoa trần có 1 nhị hợp với lá bắc thành đầu, các đầu tụ họp thành bông dài màu đỏ, cụm hoa cái dài 2 – 4 cm, hình cầu gồm nhiều hoa không có tràng, bầu hạ 2 ô.
  • Quả kép hình cầu do nhiều quả nang họp lại, đường kính 2 – 3 cm, mang lá dài và lá bắc khô xác, cuống dài 3 – 9 cm, hạt hình bầu dục, có cánh.
  • Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Phân bố, sinh thái

Liquidambar L. là một  chi nhỏ, gồm các loài là cây gỗ, rụng lá và đều có nhựa thơm… Chúng phân bố rải rác ở vùng cận nhiệt đới hay nhiệt đới tây và đông Á, cũng như ở bắc và trung Mỹ. Ở Việt Nam, có 2 loài sau sau và bạch giao.

Sau sau là cây bản địa của vùng Trung, Nam – Trung Quốc và Đông Bắc Việt Nam, Lào. Ở Việt Nam, sau sau tập trung nhiều ở vùng núi thấp và trung du, thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Tây và Hòa Bình, không thấy có ở các tỉnh phía nam. Sau sau thuộc loại cây gỗ tiên phong trên đất sau nương rẫy hoặc bị cháy rừng. Khi còn nhỏ, cây hơi chụi bóng, sau đặc biệt ưa sáng. Cây thường mọc ở ven rừng, rừng thứ sinh, đổi và quanh bờ mương rẫy. Độ cao phân bố thường dưới 400 m, rụng lá mùa đông. Sau sau sống được trên mọi loại đất, có khả năng chịu hạn tốt nên sinh trưởng và phát triển được trên những loại đất khô cằn trơ sỏi đá. Cây mọc từ hạt  sau 7 – 10 năm bắt đầu có hoa: tái sinh cây chồi sau khu chặt. Phần lõi gỗ sau sau khá cứng thường được sử dụng để làm cột nhà hoặc đóng đồ dùng. Chất nhựa tiết ra từ vỏ thân có mùi thơm, được dùng làm thuốc và chế tạo nước hoa. Với đặc điểm là cây mọc nhanh và ưa sáng, sau sau được trồng làm cây tạo bóng trước khi trồng lim (Erythrophloeum fordii Oliv). Sau 10 – 15 năm, khi cây lim vượt tán, sau sau dần dần bị đào thải.

Bộ phận dùng

Quả (lộ lộ thông), lá (phong hương diệp), rễ (phong hương căn), nhựa (phong hương chi). Lá, rễ , nhựa thu hái quanh năm.

Thành phần hóa học

Lá sau sau chứa nhiều tanin. Các tanin thay đổi theo mùa như telimagrandin II là thành phần chủ yếu vào đầu mùa xuân, trong khi đó casuarinin và pedunuculagin là tanin chính vào mùa thu.

Tác dụng dược lý

Trong thử nghiệm  in vitro, sau sau có hoạt tính ức chế các chủng vi khuẩn như : tụ cầu vàng, Bucullus anthrucis, Klebsiclla pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh, Escherichia coliStreptococcus faccalus. Thành phần  acid beturonic trong quả sau sau được chứng mình có hoạt tính bảo vệ rõ rệt chống lại tác dụng độc hại gây bởi chất hóa học trên tế bào gan nuôi cấy của chuột cống trắng.

Digaloylhamanclose chiết từ nhánh cây sau sau được chứng minh có tác dụng ức chế sự kết dính và xâm nhập của tế bào carcinom LL2 – LL3 phổi chuột nhắt trắng, những tế bào này có khả năng di căn cao.

Tính vị công năng

Qủa sau sau có vị đắng, tính bình, mùi thơm, có tác dụng khử phong, hoạt lạc, lợi thủy, thông kinh. Lá có vị đắng, tính bình, có tác dụng thông khiếu, khai uất, khử đàm, và cũng có tác dụng hoạt huyết giảm đau, chỉ huyết sinh cơ, rễ có vị đắng, tính ấm, cá tác dụng khử thấp , chỉ thống.

Công dụng

Quả sau sau được dùng chữa phong thấp , đau nhức khớp xương, tâm vị trướng đau, thủy thũng, đáì khó, kinh nguyệt không đều, thiếu sữa, mày đay, viêm da, chàm. Lá chữa viêm ruột, lỵ , đau vùng thượng vi, thổ huyết, chảy máu cam, dùng ngoài trị mẩn ngứa, eczema. Nhựa  trị ho có đờm, kinh giản , thổ huyết, nôn ra máu, khạc ra náu, chảy máu cam; dùng ngoài bôi chữa vết thương chảy máu, đòn ngã tổn thương Nhựa còn được dùng uống để trị mụn nhọt và đau răng Rễ chữa thấp khớp và đau răng. Liều dùng mỗi ngày : quả và rễ 3 – 10g, lá 15 – 30g, dạng thuốc sắc. Nhựa được dùng với liều 1,5 – 3g, giã thành bột và chiêu với nước.

Trong y học  cổ truyền và dân gian Trung Quốc, sau sau được dùng làm thuốc giảm đau và sát trùng. Dùng uống trị viêm ruột và lỵ, trực khuẩn, phối hợp  với các vị khác làm thuốc long đờm trong điều trị lao. Dùng ngoài làm thuốc sát trùng trị bệnh mủ da. ghẻ và bệnh nấm tóc Cách dùng : dùng vỏ cây sau sau uống dưới dạng thuốc sắc hoặc bột. Liều mỗi lần 0,5 – 2g. hoặc dùng ngoài thuốc bôi dẻo từ nhựa cây 10 – 50% Quả sau sau được dùng ở Đài Loan làm thuốc bảo vệ gan. Ở Ấn Độ, nhựa thơm sau sau được  dùng làm thuốc long đờm và sát trùng, và làm thuốc bớt dẻo trị ghẻ và những bệnh ký sinh trùng ngoài da khác. Hiện nay, ít được dùng trong y học

Bài thuốc có sau sau

  1. Chữa đau răng, sâu răng: Nhựa sau sau đốt cháy… tán nhỏ, xỉa răng.
  2. Chữa lở ngứa, mày đay, nổi mẩn:Lá hay vỏ cây sau sau nấu nước, tắm rửa.
  3. Chữa thấp khớp, lưng gối đau, tay chân co quắp, toàn  thân tê đau: Quả sau sau, hoa thông hoặc lõi  thông (tùng tiết), mỗi vị 20g, sắc uống Phụ nữ có thai không được dùng.
  4. Chữa mụn  nhọt, sưng lở, bi thương đau nhức hay chảy máu, phong thấp sưng đau: Nhựa sau sau. nhựa thông. Mỗi vị 40g, sáp ong, dầu vừng, mỗi vị 10g. Đun và đánh đều cho loãng ra, để nguội phết lên giấy, dán vào chỗ đau.

Nguồn : Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

Nguồn: Cuốn Danh Lục Cây Thuốc Việt Nam, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại:0869 111 269
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x