Sữa Lá To – Alstonia Macrophylla Wall. Ex G. Don

Sữa Lá To - Alstonia Macrophylla Wall. Ex G. Don

Sữa lá to

Tên gọi khác: Mè cua lá to, mớp lá to, sữa lá hẹp.

Tên khoa học: Alstonia macrophylla Wall. ex G. Don.

Tên đồng nghĩa: Alstonia costata Wall.

Họ: Trúc đào (Apocynaceae).

Công dụng: làm thuốc bổ, kích thích tiêu hoá, hạ sốt và điều kinh.

Sữa Lá To - Alstonia Macrophylla Wall. Ex G. Don

Mô tả

  • Cây to, cao 10m. Thân thẳng có vỏ nhẵn, màu xám. Cành non màu lục xám, có rãnh sâu, sau chuyển màu xám sẫm, có nhiều sẹo.
  • Lá mọc vòng 4, hình mác thuôn, dài 12 – 30 cm, rộng 4 – 8 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép hơi gập cong xuống dưới, gân nổi rõ ở mặt dưới; cuống lá dài 10 – 18 cm, có rãnh ở mặt trên.
  • Cụm hoa mọc ở gần đầu cành thành xim tán, không cuống, chia 6 – 10 nhánh dài 2,5 – 6 cm; lá bắc nhỏ; hoa màu lục vàng nhạt; đài hình chuông, có ống ngắn, 5 răng hình bầu dục, mép có lông dạng mi; tràng 5 cánh thuôn tù, có lông ở phần dưới mặt trong, ống hình trụ hơi loe ở đầu; nhị 5, thụt, chỉ nhị ngắn, bao phấn thuôn; bầu 2 ô.
  • Quả khô gồm 2 đại, hình dải, dài 25 – 30 cm, rộng 2,5 – 4 mm; hạt nhiều, tròn ở một đầu, đầu kia nhọn, có lông nhung.

Phân bố, sinh thái

Chi Alstonia R. Br. trên thế giới đã biết 63 loài, phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ở Việt Nam, chi này có 4 loài, trong đó có cây sữa lá to và có lẽ đây là loài được biết đến ít nhất so với các loài khác cùng chi, bởi vì mới chỉ ghi nhận được ở tỉnh Kiên Giang (Hà Tiên và Phú Quốc). Trên thế giới, sữa lá to phân bố ở nam Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin và Niu Ghinê.

Sữa lá to là loại cây gỗ trung sinh, khi còn nhỏ ưa ẩm, chịu bóng, khi cây đã lớn trở nên ưa sáng và có khả năng chịu hạn tốt. Cây thường mọc ở ven rừng hay rừng thứ sinh, trên đất có nhiều cát thô, chua và nghèo chất mùn. Sữa lá to ra hoa quả nhiều hàng năm; hạt có túm lông, phát tán xa nhờ gió; tái sinh tự nhiên bởi hạt.

Bộ phận dùng

Vỏ.

Thành phần hoá học

Vỏ chứa indolalcaloid có tác dụng độc tế bào, chống ung thư vú, ung thư ruột già (Phạm Hoàng Hộ, 2006, cây có vị thuốc ở Việt Nam, tr.414) talearpin, pleicocarpamin alstonamin, vilalstonin, macralstonin (chống sốt rét) afinisin (giảm hoạt động thần kinh TW) và kitabalin.

Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng khuẩn kháng nấm:

  • Cao chiết methanol và cao chiết bằng hỗn hợp methanol nước từ lá cây sữa lá to có tác dụng kháng khuẩn trên các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, Staphylococcus saprophyticus, Streptococcus faecalis, Escherichia coli và Proteus mirabilis với nồng độ tối thiểu ức chế (MIC) vi khuẩn là 64 – 1000 mg/ml; cao không có tác dụng ức chế các vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella sp. và Vibrio cholerae ở nồng độ đến 2000 g/ml.
  • Cao lá cây sữa lá to ức chế được các chủng nấm Trichophyton rubrum, Trichophyton var. mentagrophytes, Microsporum gpseum với MIC trong khoảng 32 – 128 mg/ml; ở nồng độ 128 mg/ml, cao không ức chế được nấm Candida albicans và Saccharomyces cerevisiae. Cao vỏ thân có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm kém hơn cao lá (Chattopadhyay, Maiti et al., 2001).

Tác dụng trên ký sinh trùng sốt rét:

  • Các cao methanol chiết từ các bộ phận khác nhau của cây sữa lá to đã được đánh giá tác dụng trên chủng K1 kháng nhiều thuốc của Plasmodium falciparum nuôi trong môi trường hồng cầu người.
  • Kết quả: Cao methanol chiết từ vỏ rễ sữa lá to có tác dụng rất mạnh với IC50 là 5,7 kg/ml. Mười ba alcaloid indol phân lập từ cao vỏ rễ và một bisindol bán tổng hợp là O – acetylmacralstonin cũng đã được thử trên chủng Plasmodium falciparum K1 kháng thuốc. Kết quả là các alcaloid bisindol, đặc biệt là villastonin và macrocarpamin có tác dụng ức chế ký sinh trùng sốt rét rất mạnh với IC50 của villastonin là 0,27 micromol và của macrocarpamin là 0,36 micromol. Các alcaloid có tác dụng mạnh này, sau đó lại thử tiếp trên chúng nhạy với cloroquin (chủng P, falciparum T9 – 96).

Tác dụng trên thần kinh trung ương:

  • Cao methanol chiết từ lá sữa lá to với liều cho chuột nhắt trắng uống 100 và 200 mg/kg có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, được biểu hiện trên các mô hình nghiên cứu như làm giảm hoạt động vận động tự nhiên, làm giảm hành vi tìm tòi, khám phá, làm giảm khả năng bám trên trụ quay và tăng cường có ý nghĩa thời gian ngủ do natri phenobarbiton (Chattopadhyay Arunachalam et al., 2004).

Tác dụng hạ sốt:

  • Cao lá dùng liều 200 mg/kg và 300 mg/kg, phân đoạn n – butanol dùng liều 50 mg/kg có tác dụng hạ nhiệt độ bình thường và hạ nhiệt độ đã gây tăng do men bia theo cách phụ thuộc liều có so sánh với paracetamol là loại thuốc vẫn được dùng chữa sốt cho người. Tác dụng hạ sốt bắt đầu lúc 1 giờ và kéo dài đến 5 giờ kể từ khi dùng thuốc [Chattopadhyay, Arunachalam et al., 2005).

Tác dụng chống viêm:

  • Cao methanol của lá cây sữa lá to cũng đã được chứng minh có tác dụng chống oxy hoá và tác dụng chống viêm ở nồng độ (hoặc liều) thấp chưa gây độc; các tác dụng này phụ thuộc vào liều (liều lớn tác dụng mạnh hơn liều nhỏ trong các liều đã dùng) [Chattopadhyay, Arunachalam et al., 2006).

Tác dụng độc trên tế bào ung thư:

  • Cao vỏ rễ sữa lá to có tác dụng độc tể bào (ức chế có ý nghĩa sự phát triển của tế bào) trên cả 2 dòng tế bào ung thư phổi của người.

Tính vị, công năng

Vỏ thân cây sữa lá to vị đắng, tính hàn, có ít độc, có công năng thanh nhiệt giải nhiệt, kiện vị.

Công dụng

Vỏ thân cây sữa lá to được dùng làm thuốc bổ ngày dùng 1 – 3g, sắc lấy nước chia làm 2 – 3 lần đắng, kích thích tiêu hoá, hạ sốt và điều kinh. Có thể tán thành bột, rồi chiều với nước uống.

Để kích thích tiêu hoá, có thể ngâm rượu đơn độc (riêng vị) hoặc phối hợp các vị thuốc khác.

  • Ở Philippin, vỏ thân cây sữa lá to được nghiên thành bột, sắc hoặc hãm với nước, ngâm rượu.

Nguồn: Cuốn Danh Lục Cây Thuốc Việt Nam, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại:1900 636 891
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x