Thiên Môn Đông

Thiên Môn Đông

Thiên môn đông

Tên tiếng Việt: Thiên môn, Dây tóc tiên, Co sin sương (Thái), Sùa sú tùng (Hmông), Mè mằn, Mằn săm (Tày), Dù mác siam (Dao).

Tên khoa học: Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.

Họ: Asparagaceae (Thiên môn).

Công dụng: Ho, tiêu đờm, táo bón (Rễ sắc uống). Cao huyết áp (Lá sắc uống).

Thiên Môn Đông

Mô tả cây

  • Thiên môn đông là một loại dây leo, sống lâu năm.
  • Dưới đất có rất nhiều rễ củ hình thoi mẫm. Thân mang nhiều cành 3 cạnh, dài nhọn, biến đổi, trông như lá.
  • Thân mang nhiều cành hình trụ, mọc xoắn vào nhau nhẵn và có gai cong nhọn, những cành nhỏ biến đổi thành lá gọi là diệp chi hình lưỡi liềm, có mặt cắt 3 góc, dài 2-3cm, đầu nhọn.
  • Lá rất nhỏ trông như vẩy.
  • Mùa hạ ở kẽ lá mọc hoa trắng nhỏ.
  • Quả là một quả mọng màu đỏ khi chín.

Phân bố, thu hái và chế biến

Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi trong nước ta, để lấy rễ. Có khi được trồng trong chậu để làm cảnh. Nhiều nhất ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Bắc Thái, Nam Hà. Tại các nước khác cũng có: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.

Thu hoạch: Thu hoạch vào tháng 9- 10.

Chế biến: Rễ củ hái về, tẩm nước cho mềm (có khi người ta đồ chín cho mềm) rổi rút bỏ lõi, thái mỏng phơi hay sấy khô.

Chú ý khi tẩm nước đừng ngâm lâu quá, tác dụng sẽ kém. Vị lúc đầu ngọt, sau hơi đắng. Củ nào béo mẫm, vàng là tốt.

Thành phần hoá học

  • Trong thiên môn đông có asparagin là một axit amin có tinh thể hình trụ, ngậm một phân tử nước, đun tới 100°C thì mất phân tử nước, độ chảy 234°- 235°C, tan trong nước nóng, chỉ hơi tan trong nước lạnh, 1g tan trong 1,47ml nước 20°. Với nước sôi, asparagin có thể thuỷ phân để cho axit aspartic và amoniac.
  • Ngoài ra còn có chất nhầy. Có tài liệu nói còn có tinh bột, sacaroza. Các hoạt chất khác chưa rõ.

Tác dụng dược lý

Chất asparagin có tác dụng lợi tiểu tiện. Tác dụng khác chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.

Công dụng và liều dùng

Thuốc dùng trong nhân dân làm thuốc chữa ho, lợi tiểu tiện và chữa sốt, thuốc bổ. Liều dùng 10-15g một ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc nấu thành cao.

Theo tài liệu cổ thiên môn đông có vị ngọt, đắng, tính đại hàn, vào hai kinh phế và thận. Có tác dụng dưỡng ẩm, nhuận táo, thanh nhiệt, hóa đờm. Dùng chữa phế ung hư lao, thổ huyết ho ra máu, tiêu khát, nhiệt bệnh tân dịch hao tổn, tiện bí. Những người tỳ vị hư hàn, tiết tả không dùng được.

Một số đơn thuốc có thiên môn đông

  1. Cao tam tài: Thuốc bổ toàn thân, bổ tinh khí: Nhân sâm 4g, thiên môn đông l0g, thục địa l0g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia làm 3 lẩn uống trong ngày. Đông y quan niệm người (nhân), trời (thiên) và đất (địa) là một khối thống nhất và do đó là 3 yếu tố (tài) của vũ trụ. Nay gộp ba yếu tô’ đó trong 1 thang thuốc.
  2. Lở mồm lâu năm: Thiên môn, mạch môn đều bỏ lõi, huyền sâm, cả 3 vị bằng nhau, tán nhỏ, luyện với mật, viên bằng hạt táo. Mỗi lần ngậm một viên.
  3. Ho đờm, thổ huyết, hơi thở ngắn: Thiên môn, mạch môn, ngũ vị tử, sắc thành cao, luyện với mật mà uống. Ngày uống 4-5g cao này.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại: 0869 111 269
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x