Xích Thược – Vị Thuốc Cổ Truyền Giá Trị Cho Sức Khỏe

Xích Thược

Xích thược là một dược liệu được sử dụng từ lâu đời tại Việt Nam, với các công dụng như hành huyết, khử ứ, lưu thông khí huyết, điều kinh, trị các chứng u nhọt. Ngày nay, chiết xuất xích thược được nghiên cứu đã cho thấy nhiều tác dụng khác nhau bao gồm cả chống các tế bào ung thư. Hãy cùng Đông Y Quang Minh khám phá những lợi ích bất ngờ và cách sử dụng xích thược ở bài viết dưới đây.

Tổng quan về thực vật

Tên gọi, danh pháp

  • Tên Tiếng Việt: Xích thược.
  • Tên khác: Thược dược, xuyên xích thược, mẫu đơn đỏ.
  • Tên khoa học: Paeonia veitchii Lynch, thuộc họ Hoàng liên (Ranunculaceae).

mẫu đơn đỏ

Đặc điểm tự nhiên

Xích thược là loại thực vật thân thảo, sống lâu năm, chiều cao trung bình trong khoảng từ 50 – 80cm. Lá cây là lá kép lông chim, mọc so le, màu xanh. Mỗi một lá có thể phân thành 9 đến 12 phần không đều nhau, hình giáo, nhọn ở đầu, cuống có màu hơi hồng.

Hoa xích thược thường mọc đơn, một bông, không tạo chùm. Hoa kích thước lớn có khoảng 8 cánh, hương tựa như hoa hồng. Mỗi cây xích thược có thể có từ 1 đến 7 hoa, khi hoa chưa nở có màu hồng nhạt, sau có thẻ chuyển dần sang màu trắng, bao chứa phấn màu da cam.

mẫu đơn đỏ

Phân bố, thu hái

Xích thược có nguồn gốc ở vùng Đông á gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Tại Việt Nam, xích thược được trồng từ khoảng năm 1970 tại Sa Pa. Cây chủ yếu thích sống ở vùng cao có khí hậu mát mẻ, phát triển ở các bụi cây hoặc ở các tán cây to.

Thông thường cây xích thược được thu hoạch vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Cây được đào rễ, bỏ phần rễ con, gọt vỏ sau đó rửa sạch.

Tùy theo từng khu vực mà có thể có cách chế biến xích thược khác nhau, cần chú ý không phơi rễ Xích thược ngoài nắng gắt hay sấy ở nhiệt độ cao có thể khiến rễ bị gãy, cong queo.

Đôi nét về dược liệu xích thược

Bộ phận dùng làm thuốc

Sau khi thu hoạch rễ cây, người ta sẽ loại bỏ phần rễ con, bụi bẩn, đất cát bám vào. Rồi đem phơi hay sấy khô để lưu giữ lâu hơn.

Đặc điểm phần rễ cây làm thuốc (Radix Paeoniae rubrae): to dài, bề mặt ngoài có sắc nâu, bên trong sắc hồng hoặc trắng hồng. Kết cấu chắc và nhiều bột được xem là loại tốt.

xích thược

Cách bào chế dược liệu xích thược

Theo Trung Y:

  • Lấy phần rễ đem ủ mềm rồi thái mỏng thành từng lát;
  • Hoặc đem tẩm rượu hoặc tẩm giấm rồi sao thơm;

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

  • Đem bộ phận rửa sạch, loại bỏ tạp chất rồi ủ cho đến khi mềm, thái lát hoặc bào mỏng. Sau đó đem đi sấy hoặc phơi khô để dùng dạng sống;
  • Hoặc sau khi bào mỏng và sấy khô, đem dược liệu tẩm rượu/ tẩm giấm 2 giờ rồi sao thơm;

Mục đích bào chế:

  • Dùng sống (chưa qua tẩm chế): tán đi tà khí, hoạt/hành huyết;
  • Tẩm rượu sao: hỗ trợ trị thổ huyết, chảy máu cam;
  • Tẩm giấm sao: hỗ trợ rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh…

Bảo quản: để nơi khô ráo, đậy kín sau mỗi lần sử dụng, tránh ẩm mốc, bụi bẩn…

Thành phần hóa học của xích thược

Theo GS.TS. Đỗ Tất Lợi, xích thược bao gồm thành phần tinh bột, tannin, nhựa, chất nhầy, chất đường, sắc tố và acid benzoic. Trong đó tỉ lệ acid benzoic thấp hơn ở bạch thược.

Rễ xích thược chứa thành phần chủ yếu là paeoniflorin, với tỷ lệ không dưới 2% (theo Dược điển Trung Quốc 1997).

Hợp chất paeoniflorin, ethyl palmitate, ethyl linoleate (Lu và cộng sự, 2012).

Lợi ích của vị thuốc xích thược

Xích thược trong y học cổ truyền

Xích thược có vị chua, đắng, tính hơi hàn, vào phần huyết của kinh can;

Công dụng: hoạt huyết, thông mạch, tan ứ trệ, làm mát (lương huyết), chống viêm, giảm đau, cầm máu…

Chủ trị: đau nhức, kinh nguyệt không đều, thống kinh, mồ hôi trộm, chảy máu cam…

Xích Thược

Tác động lên hệ tim mạch

Một số tác động của các chiết xuất từ xích thược đối với hệ tim mạch như:

  • Paeoniflorin có tác dụng gây giãn mạch ngoại biên, giảm huyết áp trên chuột lang.
  • Trong mô hình chuột nhồi máu cơ tim cấp tính (AMI), chiết xuất từ thảo dược này đóng một vai trò tích cực trong việc điều chỉnh các enzym tim, cytokine, stress oxy hóa, đông máu và apoptosis (Mo và cộng sự, 2011).
  • Nghiên cứu thực nghiệm khác cũng cho thấy paeoniflorin làm giảm chứng tim phì đại, xơ hóa tim và viêm, đồng thời cải thiện chức năng thất trái.
  • Năm 2015, có báo cáo kết quả chỉ ra rằng paeoniflorin có thể cải thiện chứng nhồi máu cơ tim bằng cách ức chế quá trình viêm và các con đường tín hiệu iNOS (Chen và cộng sự, 2015).

Như vậy, vị thuốc xích thược được kết luận là có thể cải thiện vi tuần hoàn, làm giãn mạch máu, ngăn ngừa thiếu máu cục bộ cơ tim và ngăn ngừa huyết khối. Những tác dụng này phù hợp với công hiệu hoạt huyết, hóa ứ của chúng trong các bài thuốc Đông y. Tuy nhiên, có lẽ vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu thực tiễn lâm sàng trên người để đưa ra bằng chứng cụ thể hơn.

Bảo vệ gan

Hiện tại, một vài nghiên cứu nhận định về tiềm năng khả quan trong bảo vệ gan của xích thược. Cơ chế này có liên quan đến việc ức chế các phản ứng viêm và chống lại tổn thương oxy hóa từ các gốc tự do. Theo đó, có 3 thành phần hóa học có hoạt động bảo vệ gan nổi bật đó là paeoniflorin, ethyl palmitate và ethyl linoleate (Lu và cộng sự, 2012).

Chống viêm

Theo tài liệu, các thành phần hóa học có tác dụng chống viêm chủ yếu là paeoniflorin và paeonol. Đặc biệt, paeoniflorin thúc đẩy sự điều hòa các chất trung gian gây viêm từ đó hạn chế tình trạng khó chịu này. Ngoài ra, một số ý kiến còn cho rằng, những hoạt chất có thể giảm sự thâm nhập bạch cầu trung tính và hạn chế các cytokine gây viêm.

Lưu ý khi sử dụng xích thược

Tùy theo mục đích mà vị thuốc có thể được dùng dưới dạng thuốc sắc, hoàn tán…

Liều dùng:

  • 6-12 g/ngày.
  • 12-20 g/ngày.

Một số đối tượng sau nên cẩn thận khi dùng xích thược:

  • Người đang có huyết hư nhưng lại không bị ứ trệ;
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú;
  • Có tiền sử dị ứng với vị thuốc này;
  • Đau bụng dữ dội hoặc đau bụng đi ngoài do cảm hàn;
  • Vị thuốc xích thược không được dùng chung với lê lô (tương phản).

Một số bài thuốc có thành phần xích thược

Dù là bài thuốc nào, khi muốn sử dụng xích thược trong trị liệu bệnh lý hãy tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi dùng.

bài thuốc

Hỗ trợ chữa đau vai gáy

Sắc uống mỗi ngày một thang, chia 2-3 lần uống; thang thuốc có thành phần sau:

  • Xích thược 12 g;
  • Hoàng kỳ 16 g;
  • Đương quy, đại táo, nghệ mỗi vị 12 g;
  • Độc hoạt, khương hoạt mỗi vị 8 g;
  • Chích cam thảo 6 g;
  • Gừng 4 g;

Hỗ trợ chữa băng huyết, bạch đới

Xích thược, hương phụ với tỷ lệ bằng nhau (1:1), đem tán nhỏ thành bột. Sau đó, uống 6-8 g/ngày, chia 2 lần, kéo dài 4-5 ngày.

Hoặc xích thược 20 g, hương phụ 12 g. Thêm ít muối vào các vị thuốc rồi sắc, nên uống khi còn nóng.

Hỗ trợ đau tức ngực

Sắc uống mỗi ngày một thang, chia 2-3 lần uống; thang thuốc có thành phần sau:

  • Xích thược 20 g;
  • Đan sâm 30 g;
  • Xuyên khung, hồng hoa, hoàng kỳ, uất kim mỗi vị 20 g;
  • Đảng sâm, trầm hương, toàn quy mỗi vị 16 g;
  • Mạch môn, hương phụ mỗi vị 12 g;

Hỗ trợ chữa bế kinh

Sắc uống mỗi ngày một thang, chia 2-3 lần uống; thang thuốc có thành phần sau: Xích thược, đương quy, hồng hoa, huyền hồ, xuyên khung, hương phụ, mỗi vị 8 g.

Dùng khi mụn nhọt sưng đau do huyết nhiệt, huyết ứ

Cao đan sâm: đan sâm 20 g, bạch chỉ 12 g, xích thược 16 g. Đem tất cả nguyên liệu nghiền thành bột mịn, thêm mỡ lợn, sáp ong vàng luyện thành cao bôi lên chỗ đau nhức, đặc biệt ở vùng ngực vú.

Hoặc: xích thược 12 g, liên diệp (lá sen) 16 g, liên kiều 12 g, đạm trúc diệp 12 g, kim ngân 12 g, thạch cao 10 g, sắc uống ngày 1 thang.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng xích thược:

  • Dùng đúng chỉ định của bác sĩ y học cổ truyền.
  • Người đau bụng, tiêu chảy do cảm hàn, người huyết hư không dùng xích thược.
  • Vị thuốc có công dụng thông kinh hoạt huyết, người kinh nguyệt ra nhiều, không có ứ trệ thì không nên dùng.
  • Nên phân biệt xích thược và bạch thược, vì trên lâm sàng công dụng của hai loại này là khác nhau.

Xích thược là vị thuốc được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc khác nhau, đặc biệt với công dụng thanh nhiệt lương huyết, phá tích, tiêu nhọt. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng xích thược đơn lẻ là khá an toàn.

Tuy nhiên, việc sử dụng nên đúng chỉ định của bác sĩ y học cổ truyền, vì bạn cần được chẩn đoán đúng thể bệnh, sau đó mới sử dụng bài thuốc cho phù hợp. Không thể áp dụng một bài thuốc cho tất cả mọi người. Do đó, hãy tuân thủ việc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ y học cổ truyền để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÔNG Y DƯỢC QUANG MINH

  • Địa chỉ: Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội
  • Điện thoại: 0869 111 269
  • Email: DongYDuocQuangMinh@gmail.com
  • Website: DongYQuangMinh.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x